Thảo luận tại Nghị trường Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), chỉ ra vấn đề năng suất lao động (NSLĐ) vẫn còn thấp và tình trạng này kéo dài trong nhiều năm.
Bà Trang cảnh báo, Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tốc độ già hoá dân số lại cao, nếu không có chính sách tốt sẽ bỏ lỡ cơ hội nâng cao NSLĐ.
Năng suất lao động tăng rất chậm
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), cho biết năm 2018, NSLĐ của Việt Nam tăng gần 6% so với giai đoạn trước là khá nhanh. Tuy nhiên, NSLĐ luôn tăng chậm hơn tốc độ tăng tiền lương bình quân.
Kịch bản cho bài toán đặt ra cho giai đoạn 2019 và các năm tiếp theo là tốc độ tăng tiền lương bình quân của chúng ta vẫn tiếp tục tăng nhanh hơn NSLĐ.
So với nhiều nước trong khu vực ASEAN, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – Vĩnh Long, cho hay NSLĐ của Việt Nam thấp hơn, chất lượng đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, một số lĩnh vực đào tạo chưa gắn kết nhu cầu thị trường, chưa theo kịp sự chuyển dịch của mô hình và cơ cấu kinh tế.
Về cơ cấu trình độ lao động trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế – xã hội của Việt Nam hiện nay là 1 đại học, 1 cao đẳng, 1 công nhân kỹ thuật. Cơ cấu này đang mất cân đối.
Các nước châu Âu hiện cứ 1 lao động đại học, có 3 trình độ cao đẳng và 10 lao động công nhân kỹ thuật. Ở các nước phát triển, cơ cấu trình độ lao động là 1 đại học thì có 4 – 6 trình độ cao đẳng và khoảng 15 – 17 lao động công nhân kỹ thuật.
"Một bộ phận cử nhân vì không tìm được việc làm phù hợp sau tốt nghiệp nên đã giấu bằng cấp, xin đi làm công nhân. Một bộ phận khác quay trở lại học nghề để tìm việc làm. Sinh viên có bằng đại học, trên đại học lại đi học văn bằng 2 hệ trung cấp, cao đẳng nghề", bà Thanh cho biết.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cảnh báo hết năm 2018, nền kinh tế có khoảng 54 triệu lao động nhưng có 22 triệu lao động chưa qua đào tạo, 41 triệu lao động chưa được đào tạo từ 3 tháng trở lên.
Điều đó cho thấy chất lượng lao động đang là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng, nguy cơ dư thừa lao động khi đối diện với CMCN 4.0 đang dần hiện hữu, cần có giải pháp đột phá.
Nguy cơ dư thừa lao động khi đối diện với CMCN 4.0 đang dần hiện hữu |
Mất việc vì công nghệ 4.0
Theo đại biểu Phạm Văn Tuân – Thái Bình, phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong những mũi nhọn đột phá. Tuy nhiên, làm sao để khắc phục tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ". Đến nay, chúng ta vẫn loay hoay trong lĩnh vực đào tạo. Đặc biệt, trong lĩnh vực dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực không được sử dụng hoặc không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu của tổ chức và DN.
Vì vậy, cần khẩn trương thực hiện phân luồng trong đào tạo, cố gắng làm sao phải thông thoáng để các trường công lập cũng như tư thục đào tạo lao động đáp ứng được yêu cầu cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu sử dụng lao động.
Đồng thời, phải nâng cao cơ chế chính sách với người lao động cả khu vực công, khu vực tư đặc biệt là người có trình độ chuyên môn cao, để không chênh lệch quá nhiều giữa khu vực công và khu vực tư thì mới thu hút được chất xám, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng của lao động.
Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng chúng ta phải coi tiền lương là đòn bẩy để tăng NSLĐ gắn với tinh giản biên chế. Đây là nền tảng và động lực cho các năm tiếp theo.
Xuất phát từ yêu cầu này, ông Lợi đề nghị phải đổi mới và áp dụng công nghệ mới tạo ra NSLĐ tổng hợp, đây là một trong những giải pháp ưu tiên số một. Nâng cao kỹ năng nghề cho lao động, tăng khả năng cạnh tranh của lao động trên thị trường trong nước, khu vực và trên thế giới.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang nhấn mạnh Chính phủ đang thực hiện kế hoạch tăng cường nguồn nhân lực có khả năng tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Đây là động lực và cơ hội để tăng NSLĐ, nếu không Việt Nam sẽ tụt hậu và gia tăng khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực.
Vì vậy, đại biểu Thu Trang đề nghị Chính phủ cần đánh giá sâu hơn nhân tố tăng NSLĐ, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, xác định nguyên nhân, giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển nền tảng, năng suất lao động xã hội.
Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt về hoàn thành cơ chế chính sách về tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh CMCN 4.0, phân tích các tác động đối với Việt Nam, trong đó có các tác động đến lao động và việc làm, xây dựng các dự án ứng phó và xây dựng nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng và thích ứng trong thời kỳ mới.
Thy Lê