Gõ từ khoá “nhập tỏi Trung Quốc” trên công cụ tìm kiếm Google sẽ có đến 9.660.000 kết quả. Trong đó có nhiều thông tin đáng chú ý về số kim ngạch nhập khẩu, tình trạng nhập lậu, gian lận thương mại, chiêu trò mạo danh tỏi Việt, chứa các chất độc hại, nhập tỏi trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Alibaba…
Tỏi nội ế ẩm, tỏi nhập lấn át
Số liệu phân tích cơ cấu rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2021 cho thấy, riêng tỏi đã chiếm tỷ trọng đến 20% kim ngạch, đạt hơn 63 triệu USD.
Các loại tỏi Việt chật vật đầu ra trong khi 10 tháng qua có hơn 63 triệu USD được chi ra để nhập tỏi Trung Quốc. |
Qua quan sát của VnBusiness ở Tp.HCM, trong các loại rau quả nhập từ Trung Quốc thì tỏi là mặt hàng bán chạy nhất tại các chợ truyền thống. Nhiều năm nay, các nhà hàng, quán ăn cũng chuộng loại tỏi này khi mức giá chỉ bằng một nửa giá so với nhiều loại tỏi Việt.
Thậm chí, để bán được hàng, nhiều tiểu thương còn "thay tên đổi họ" cho tỏi Trung Quốc thành tỏi Việt. Đáng chú ý, cùng một loại tỏi nhưng chênh lệch giá lại rất lớn. Có nơi bán 30.000 đồng/kg, có nơi bán đến 60.000 đồng/kg.
Dù mức giá hỗn loạn nhưng tỏi Trung Quốc vẫn được xem như lấn át hoàn toàn tỏi Việt. Các tiểu thương cũng thừa nhận do giá rẻ nên đầu ra của tỏi Trung Quốc dễ dàng hơn, vì thế họ hạn chế lấy các loại tỏi trong nước để bán.
Trong khi đó, tình hình đầu ra bấp bênh, giá cả phập phù của nhiều loại tỏi Việt đang là vấn đề đáng lo ngại. Như hồi tháng 7/2021, sức tiêu thụ chậm khiến cho có hơn 1.800 tấn tỏi Lý Sơn ở tỉnh Quảng Ngãi tồn kho, tắc nghẽn đầu ra.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời điểm nêu trên, giá tỏi Lý Sơn rớt mạnh, xuống dưới 30.000 đồng/kg, bằng 1/3 lúc chưa có dịch. Thương hiệu tỏi Việt này tiêu thụ qua hai đường chính là bán cho du khách và thương lái xuất đi các nơi, nhưng vài tháng trước, cả hai đường tiêu thụ này đều bị tắc nghẽn.
Tương tự như vậy, từ các tháng 6, 7/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sức mua giảm hẳn, làm cho tỏi Kinh Môn ở Hải Dương không xuất đi được các nơi khác, tồn đọng gần 2.000 tấn dù cho giá tỏi chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg - chỉ bằng một nửa so với trước.
Như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Quý, đại diện HTX Sản xuất nông sản sạch Duy Tân ở thị xã Kinh Môn (Hải Dương), do nông dân chậm bán được tỏi nên HTX cũng kéo dài thời gian trả nợ tiền phân bón, thuốc trừ sâu cho bà con trong bối cảnh dịch bệnh làm cho lượng tỏi tiêu thụ không đáng kể.
Không chỉ vậy, còn có tình trạng nhiều người bán tỏi Trung Quốc nhưng trà trộn vào và đánh lừa người tiêu dùng, nói đó là tỏi Kinh Môn. Việc trục lợi bằng cách giả hàng này đã phần nào khiến cho đầu ra của tỏi Kinh Môn thêm khó khăn.
Có kiểm soát được không?
Còn hồi tháng 3/2021, người trồng tỏi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng điêu đứng khi thu hoạch bán ra vừa rẻ lại tiêu thụ chậm. Tại các xã trọng điểm trồng tỏi như Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa) và xã Vạn Hưng (Vạn Ninh), hàng nghìn tấn tỏi tươi dù đã được thu hoạch nhưng gần như không có đơn vị thu mua.
Giá thu mua tỏi Khánh Hoà vào thời điểm trên rơi vào khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg tươi (giảm sâu so với mọi năm). Theo ông Cao Như Hoàng, Giám đốc HTX tỏi Vạn Hưng, nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên đạt năng suất bình quân khoảng 10 tấn tỏi tươi/ha, một số hộ có năng suất hơn 13 tấn nhưng giá bán rất thấp, tiêu thụ lại chậm.
Việc tỏi Khánh Hoà tiêu thụ chậm ngay từ tháng 3/2021 được xác định là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tỏi Trung Quốc đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường với mức giá thấp hơn.
Nêu ra tình trạng các loại tỏi Việt khó khăn đầu ra trong thời gian qua để thấy rằng, việc chi ra đến hơn 63 triệu USD trong 10 tháng đầu năm nay để nhập khẩu tỏi Trung Quốc giá rẻ là điều mà các cơ quan quản lý nên lưu tâm.
Ngoài ra, nạn nhập lậu, gian lận thương mại của tỏi Trung Quốc khiến cho tỏi Việt càng thêm lao đao. Như hồi tháng 9/2021, cơ quan quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã phát hiện 4,2 tấn tỏi nhập khẩu có nhãn gốc bằng chữ Trung Quốc nhưng không có nhãn phụ chữ Việt tại 2 vựa nông sản ở huyện Cái Bè.
Không chỉ nhập khẩu tràn lan, chất lượng và mức độ an toàn thực phẩm của tỏi Trung Quốc cũng cần phải đặt ra. Nhiều ý kiến cho rằng, lợi thế của tỏi Trung Quốc là giá rẻ và bán quanh năm. Đó là lý do đó mà tỏi Trung Quốc đang thao túng tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, nỗi lo lớn hơn còn ở loại tỏi nhập từ Trung Quốc có thể chứa chất độc hại. Theo giới chuyên gia, đáng ngại nhất là loại tỏi nhập bị nghi ngờ được trồng với hàm lượng chất tăng trưởng cao, sau đó được tẩy trắng và ướp các hóa chất bảo quản dài ngày.
Điều đó càng đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có những biện pháp siết chặt thích hợp nhằm tránh dễ dãi trong việc nhập khẩu tỏi Trung Quốc (vốn dĩ nằm trong nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu), cũng như có giải pháp hiệu quả hỗ trợ đầu ra cho tỏi Việt.
Vấn đề nêu trên càng được đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng quy định nhập khẩu nông sản, không còn là thị trường dễ tính, đã ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này.
Thế Vinh