Giá lợn hơi ngày 2/8/2021 dao động trong khoảng 52.000 - 56.000 đồng/kg. Trong đó, tại miền Bắc, giá lợn hơi cao nhất được ghi nhận tại tỉnh Thái Bình là 56.000 đồng/kg. Tại Phú Thọ, Lào Cai và Tuyên Quang đang giao dịch với giá thấp nhất khu vực là 54.000 đồng/kg.
Lợn hơi giảm giá, thịt lợn vẫn cao
Tại miền Trung, giá lợn hơi đang dao động quanh mốc 53.000 - 56.000 đồng/kg. Hiện tại, tại Nghệ An vẫn đang thu mua lợn hơi với giá cao nhất khu vực là 56.000 đồng/kg. Riêng tại Hà Tĩnh, giá lợn hơi ở mức thấp còn 54.000 đồng/kg.
Thịt lợn ba chỉ nhập khẩu có giá rẻ hơn gần 50% so với hàng trong nước. |
Tại miền Nam, mức giá thấp nhất là 52.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bình Phước, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu và Sóc Trăng...
Thời gian qua, giá lợn hơi liên tục giảm mạnh và đang ở mức đáy, song giá thịt lợn thành phẩm tại các chuỗi siêu thị, chợ truyền thống vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể tại chuỗi siêu thị Big C và VinMart, giá thịt ba rọi Meat Deli đang được bày bán với gần 200.000 đồng/kg, thịt vai trên 150.000 đồng/kg...
So với thời điểm cuối tháng 4, giá thịt lợn tại các chuỗi siêu thị này hầu như không có biến động về giá. Thậm chí các loại thịt như ba rọi, thịt vai đã tăng từ 9.000 – 15.000 đồng/kg.
Tại các chợ truyền thống, giá thịt lợn đang được giao dịch tại mức từ 120.000 – 150.000 đồng/kg. Đơn cử, tại khu chợ 212 Tân Xuân (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) thịt lợn ba chỉ đang được bày bán với giá 140.000 đồng/kg, thịt nạc vai và mông giá 130.000 đồng/kg, sườn dao động từ 140.000 - 150.000 đồng/kg.
Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, việc giá thịt lợn trong nước vẫn neo ở mức cao, ngoài yếu tố chi phí gia tăng vì COVID-19, nguyên nhân sâu xa vẫn nằm ở việc trải qua khá nhiều khâu trung gian, bao gồm từ chuồng trại đến thương lái, bán buôn cấp 1, cấp 2, lò mổ, bán buôn lợn mảnh, cuối cùng mới đến chợ truyền thống và siêu thị bán lẻ.
"Chúng ta chỉ tạm tính mỗi khâu hưởng 8-10% thì giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng cao đến mức nào. Bộ NN&PTNT cũng phải công nhận chuỗi thịt lợn có quá nhiều khâu trung gian", ông Phú nói.
Thịt ngoại đắt hàng
Theo vị chuyên gia này, còn một khâu nữa làm đẩy giá lên đó là khâu bán lẻ, chúng ta đều biết, chiết khấu ở một số siêu thị khi hàng đưa vào bán đại lý ký gửi thường từ 20-25% đối với tất cả các loại hàng, thậm chí 30%. Theo số liệu giá cả ở trên cho thấy, tháp giá bán lẻ luôn luôn hình thành ở trên thị trường như sau: giá thấp nhất là ở chợ ven đô, thứ đến là chợ dân sinh ở trung tâm, tiếp theo đó là giá ở các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và cuối cùng là giá ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn.
Do đó, ông Phú cho rằng trước hết phải tổ chức lại ngành chăn nuôi lợn Việt Nam, trên cơ sở chủ động từ đầu vào như con giống, thức ăn chăn nuôi mà chúng ta đang phải nhập. Đồng thời, cắt bớt những trung gian không cần thiết, để người chăn nuôi và người tiêu dùng được hưởng lợi.
Trong khi giá thịt lợn trong nước vẫn neo ở mức cao, nhiều người tiêu dùng trong nước đã lựa chọn thịt nhập khẩu. Thời gian này, chị Nga Lê (Đào Duy Anh, TP.Hà Nội) đã chuyển sang sử dụng thịt lợn nhập khẩu. Chị chia sẻ: "Hôm vừa rồi, tôi vừa đặt mua 4 kg thịt ba chỉ Nga dắt xương với giá chỉ 105.000 đồng/kg. Thịt khá ngon, thơm và chắc thịt. So với mức giá thịt ba chỉ ở trong siêu thị gần 200.000 đồng/kg thì giá thịt lợn nhập khẩu đang rẻ hơn rất nhiều".
Theo chia sẻ của một số bà nội chợ, hiện nay thịt lợn nhập khẩu khá đa dạng từ sườn non, sụn, ba rọi đến thịt đùi đủ cả. Nhiều người trước đây khá kén chọn với thịt đông lạnh nhập khẩu nhưng nay lại chọn mua loại thịt này vì giá tốt, lại tiện lợi để tích trữ.
Đặc biệt, nhằm tận dụng cơ hội khi thị trường thịt tươi gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, các nhà nhập khẩu thịt đã triển khai mạnh kênh online và tiếp cận nhanh người tiêu dùng. Sức mua thị trường này tốt ngoài mong đợi của nhà kinh doanh khi chỉ trước đó vài tháng, thịt đông lạnh tồn kho ước tính lên cả trăm tấn.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do sẽ khiến sản phẩm thịt lợn nói riêng và sản phẩm chăn nuôi nói chung sẽ phải cạnh tranh khốc liệt trên "sân nhà". Các sản phẩm thịt lợn, thịt gà, thịt bò từ Mỹ, Brazil, EU, Nga có lợi thế về giá hơn chúng ta do chi phí sản xuất rẻ hơn.
Theo đó, Cục Chăn nuôi đang tính tới các biện pháp hỗ trợ về kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi cũng như chính sách khuyến khích bà con chuyển sang nuôi các con vật bản địa, đặc sản có giá trị cao hơn. Thời gian tới, người chăn nuôi trong nước có thể chuyển từ nuôi lợn, gia cầm sang các con vật ăn cỏ như bò, trâu, dê, cừu và đặc biệt là thỏ.
Thy Lê