Theo khảo sát mới nhất từ Nielsen Việt Nam về ảnh hưởng của Covid-19 đến hành vi của người tiêu dùng được thực hiện từ ngày 9-15/3/2020, hơn 50% người dân đã giảm tần suất ghé các cửa hàng hiện hữu, trong khi 52% người được hỏi nói rằng họ gia tăng dự trữ hàng hóa tại nhà. Bên cạnh đó, 82% người tiêu dùng đã giảm tần suất các hoạt động ăn uống bên ngoài (tăng 57% so với mức giảm 25% khi được đo lường trong tháng 2).
Doanh thu sụt giảm mạnh
Nielsen Việt Nam cho biết với việc gia tăng dự trữ hàng hóa và ăn uống tại nhà do nhiều người phải ở nhà lâu hơn, người tiêu dùng đang gia tăng việc tiêu thụ các ngành hàng như mì ăn liền, sản phẩm chăm sóc nhà cửa, thực phẩm bổ sung, sản phẩm vệ sinh cá nhân, thực phẩm thiết yếu, rau quả tươi, sữa và các chế phẩm từ sữa và thực phẩm đông lạnh.
Siêu thị, cửa hàng tiện lợi thay đổi từng ngày để phục vụ "thượng đế" (Ảnh: Tư liệu) |
Những tác động này sẽ có ảnh hưởng rõ rệt đối với các nhà hàng và doanh nghiệp ăn uống bên ngoài, thế nhưng kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sẽ ảnh hưởng đến cách các nhà bán lẻ trữ hàng tại các cửa hàng để đáp ứng các mức nhu cầu mới nổi này.
Bà Louise Hawley, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết: "Với xu hướng gia tăng tiêu dùng trong các nhóm thực phẩm thiết yếu, chăm sóc và vệ sinh cá nhân, điều quan trọng là các sản phẩm này phải luôn trong tình trạng sẵn có đối với người tiêu dùng khi họ mua sắm. Những thách thức về việc đưa sản phẩm ra thị trường như hết hàng sẽ có nghĩa là khách hàng sẽ chọn một sản phẩm thay thế hoặc đơn giản là không mua gì. Đây sẽ là tổn thất đối với cả nhà bán lẻ và nhà sản xuất, đồng thời gây nên sự thất vọng đối với người mua hàng”.
Cũng theo Nielsen, trong vài năm gần đây, kênh cửa hàng tiện lợi chứng kiến sự tăng trưởng nhiều nhất, tuy nhiên thách thức đối với nhà bán lẻ tiện lợi là sự gần gũi với khách hàng ngày càng quan trọng trong khi khách hàng thì đang trong xu hướng ở nhà nhiều hơn, nhiều cửa hàng tiện lợi không thể cung cấp đầy đủ các sản phẩm mà người tiêu dùng tìm kiếm để dự trữ hoặc nấu ăn tại nhà.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới ngành bán lẻ cũng được Bộ Công Thương đề cập trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây. Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, hoạt động kinh doanh trong 2 tháng đầu năm của các doanh nghiệp bán lẻ đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Tại hệ thống Lotte, doanh thu tháng 2 giảm khoảng 50% so với tháng 1/2020 và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019. Tại hệ thống Aeon Việt Nam, doanh thu tháng 1/2020 giảm 2%; tháng 2 giảm 6% so với kế hoạch đề ra. Tại Saigon Co.op, doanh thu cho thuê mặt bằng giảm 50%, doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và có thể bị sụt giảm 1.000 tỷ đồng nếu dịch được kiểm soát trong quý II, giảm 2.000 tỷ đồng nếu dịch tiếp tục kéo dài...
Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay đều gặp khó khăn, doanh số sụt giảm chung từ 15-20%. Mặc dù các sản phẩm thiết yếu và thực phẩm tươi sống có tăng nhưng các nhóm hàng phi thực phẩm thì có doanh thu giảm mạnh. Hệ thống các trung tâm thương mại và siêu thị có đồ thực phẩm tươi sống hoạt động tốt nhưng biên lợi nhuận ở thời điểm hiện tại rất thấp.
Đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam kiến nghị: Chính phủ có gói hỗ trợ tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp bán lẻ dự trữ hàng hoá, đảm bảo bình ổn giá thị trường; đồng thời có chính sách hỗ trợ giảm gánh nặng cho các khoản phải đóng như thuế, giảm giá điện nước, giảm các mặt bằng thuê.
Cuộc đua cần sức bền
Theo phân tích của các chuyên gia nghiên cứu thị trường, dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng ngắn hạn đến thói quen mua sắm tại các chuỗi siêu thị mà còn ảnh hưởng dài hạn khi mà sự kiện này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch mua sắm từ offine sang online của người dân nhanh hơn.
Điều đó chắc chắn sẽ là thách thức với các doanh nghiệp bán lẻ. Hiện tại, các siêu thị đang tăng cường việc đầu tư vào công nghệ để hỗ trợ bán hàng nhưng đi kèm với đó là chi phí rất lớn. Đây cũng sẽ là gánh nặng với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính hạn hẹp, vừa phải đầu tư công nghệ vừa cần vốn để dự trữ hàng hóa.
Chưa kể, quá trình đổi mới mình của các doanh nghiệp bán lẻ phải là quá trình liên tục, nhất là sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sẽ triển khai các chương trình kích cầu. Điều quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung không chỉ là chống chọi, tìm mọi cách tồn tại qua mùa dịch, nói cách khác là ứng phó khẩn cấp với thảm họa dịch bệnh, mà còn phải sẵn sàng cho thời kỳ “hậu chiến” dịch bệnh.
Theo đại diện Nielsen Việt Nam, sự chuyển biến về thói quen ăn uống tại nhà của người tiêu dùng sẽ kéo dài cho đến hậu đại dịch. Ngay cả sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, lối sống ăn uống khỏe mạnh sẽ trở nên quan trọng với người tiêu dùng hơn so với trước đây, với sự kỳ vọng về một bữa tối tại nhà được tái thiết lập.
"Xu hướng này tạo nên một cơ hội đầy tiềm năng cho nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà hàng và các công ty giao thực phẩm để suy nghĩ lại về các dịch vụ sức khỏe, đảm bảo rằng các sản phẩm của họ đáp ứng được sự hài lòng về nhu cầu ngày càng tăng đối với sức khỏe và sự thuận tiện - nhưng vẫn có chất lượng cao và đạt chuẩn vệ sinh cho những khách hàng sẵn sàng trả nhiều hơn cho chúng", bà Louise Hawley nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Nielsen, đối với những nhà bán lẻ, việc khai thác sâu các kênh trực tuyến, suy nghĩ lại về việc giao hàng, phát triển hơn các dịch vụ O2O (offline-to-online) và thúc đẩy tích hợp đa kênh sẽ là cách mà người tiêu dùng mua sắm trong tương lai. Một lần nữa cho thấy đây là cuộc đua cần sức bền của doanh nghiệp.
Thy Lê