Trên internet, có khách hàng phàn nàn vì chủ đích đặt mua dầu gội dạng bánh để hạn chế bao bì; vậy mà đến lúc nhận hàng lại thấy nó được bọc “cẩn thận” bằng ni lông, đựng trong một hộp to quá mức cần thiết.
Bay nhiều hơn, đi lòng vòng hơn
Nhưng có một góc khuất hơn mà hoạt động mua sắm đang gây áp lực cho môi trường: Chính sách giao hàng với tốc độ ngày càng được rút ngắn.
Lấy Amazon là ví dụ điển hình: Kể từ tháng 4/2019, khách hàng đăng ký tham gia chương trình khách hàng thân thiết Amazon Prime có thể nhận hàng trong vòng 24h, giảm một nửa thời gian so với trước. Một số mặt hàng thậm chí có thể được giao “siêu nhanh” ngay trong ngày. Theo thống kê của Rakuten Intelligence tại thời điểm tháng 8/2019, khoảng 35% số kiện hàng của Amazon được giao trong vòng 24h, nhiều hơn gấp ba số lượng so với hai năm trước.
Các đối thủ của Amazon như Walmart, Target và John Lewis cũng đã và đang theo đuổi chiến lược tương tự.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng xu hướng này đang dẫn đến sự gia tăng khí thải nhà kính của hoạt động thương mại điện tử, không chỉ các hãng bán lẻ mà còn là các công ty hậu cần (logistics) và dịch vụ bưu chính.
Rút ngắn thời gian giao hàng thường đồng nghĩa với việc sử dụng vận tải hàng không nhiều hơn, thay vì đi đường bộ và các công ty logistics có ít thời gian hơn để lựa chọn lộ trình tối ưu.
Trong toàn bộ hoạt động của mình, Amazon đã thải ra tương đương 44 triệu tấn khối CO2 vào năm ngoái - xấp xỉ cả nước Đan Mạch. Lượng phát của công ty logistics UPS tăng 6% trong năm ngoái lên mức 14,6 triệu tấn so với một năm trước đó, một phần cũng vì sử dụng máy bay nhiều hơn.
Bà Anne Goodchild - một kỹ sư vận tải tại Trung tâm Ligistics và Vận chuyển Chuỗi cung ứng của Đại học Washington, cho rằng “vấn đề không nằm ở chỗ mua hàng trực tuyến, mà là cách thức giao hàng và đóng gói”. Các hãng vận chuyển không còn đủ thời gian để chờ gộp đơn hàng, nên họ phải đi làm nhiều chuyến hơn, bà phân tích thêm.
Các tuyến đường giao nhận bị chia nhỏ hơn với nhiều điểm dừng hơn và người vận chuyển không ít lần phải lộn đi lộn lại mới giao được hàng vì không phải ai cũng có mặt ở nhà để nhận đồ. Nếu hàng bị trả lại thì tiếp tục phát sinh nhu cầu vận chuyển và tăng khí thải.
Toàn bộ hoạt động của Amazon đã thải ra tương đương 44 triệu tấn khối CO2 vào năm ngoái |
Nỗ lực của tất cả
Các thành phố như New York và London đã phải có những biện pháp ứng phó với tình trạng này, như hạn chế giao hàng ban ngày và quy hoạch các khu vực cấm một số phương tiện trong trung tâm thành phố.
Các lựa chọn của khách hàng khi mua sắm trực tuyến cũng có thể có tác động đến lượng khí thải carbon. Nếu không vội, họ có thể yêu cầu giao hàng với tốc độ thông thường, đặt nhiều sản phẩm cùng lúc trong một đơn hàng, hoặc lựa chọn những cửa hàng lân cận - tất cả đều sẽ góp phần giảm lượng khí thải.
Một nghiên cứu của công ty tư vấn Bain & Company đã phát hiện ra rằng bằng cách tăng gấp đôi số lượng sản phẩm trong mỗi giao dịch thương mại điện tử và tránh việc giao hàng “lắt nhắt”, các hãng bán lẻ có thể giảm tới 30% lượng khí thải trung bình cho mỗi sản phẩm.
Walmart đang cố gắng khuyến khích người mua hàng đưa ra lựa chọn “xanh” hơn với công nghệ “giỏ hàng thông minh” hiển thị cho người mua những mặt hàng nào có sẵn từ cùng một trung tâm phân phối. Nếu chọn những mặt hàng này, họ sẽ được giao hàng miễn phí vào ngày hôm sau.
Ở châu Âu, Ikea đặt mục tiêu 100% phương tiện giao hàng của hãng này sẽ chạy điện vào năm 2025 và chuyển dần sang sử dụng tàu hỏa và tàu thủy, thay vì xe tải. Việc giao hàng tại 5 thị trường lớn nhất: New York, Los Angeles, Paris, Amsterdam và Thượng Hải sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng xe điện vào năm tới.
Không chỉ các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, ngay cả công ty logistics cũng tìm cách giảm lượng khí thải carbon. UPS có hơn 10.000 phương tiện chạy điện và sử dụng nhiên liệu thay thế, chiếm khoảng 8% số phương tiện của hãng trên toàn cầu và cung cấp dịch vụ giao hàng bằng xe đạp điện tại 30 thành phố.
Hải Châu