Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định ngay cả khi chưa có dịch, thương mại điện tử năm 2020 được kỳ vọng sẽ tăng khả quan. Mô hình mua sắm từ trực tuyến đến ngoại tuyến (OTO) và mua sắm thương mại điện tử phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Việt trong thời gian này.
Nở rộ dịch vụ đi chợ hộ
Các nền tảng mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng theo đó dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng người mua lẫn doanh thu, nhờ vào thu hút người mua mới chưa bao giờ mua sắm trực tuyến trước đó (hiện nay đến 3/4 hộ gia đình Việt Nam tại 4 thành phố chính chưa mua bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nhanh trực tuyến nào, theo dữ liệu Consumer Panel – Kantar cập nhật đến hết năm 2019) và gia tăng mức chi tiêu từ những người đã và đang mua hàng trực tuyến.
Nở rộ dịch vụ siêu thị đi chợ giùm người tiêu dùng |
Bà Loan dự báo: "Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong những tháng tới, đặc biệt là khi đã có khuyến cáo từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về việc tránh đám đông và tiếp xúc trực tiếp".
Bởi vậy, dịch Covid-19 cũng là thời điểm các doanh nghiệp bán lẻ bước vào cuộc đua bán hàng thời công nghệ 4.0. Bắt đầu từ tháng 4, chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh đã tung dịch vụ đi chợ giùm. Theo đó, siêu thị này tạo danh mục tuyển chọn các thực phẩm thiết yếu (thịt cá, rau củ, gia vị, đồ uống, sữa...) và các sản phẩm cần thiết trong mùa dịch (đồ vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân, giặt xả...). Khách hàng sẽ truy cập để chọn thực phẩm, nhu yếu phẩm phù hợp. Sau khi nhận tín hiệu từ khách, nhân viên sẽ đến cửa hàng Bách Hóa Xanh gần nhất để lựa hàng và giao hàng nhanh.
Cuối tháng 3 vừa qua, siêu thị Vinmart tại Hà Nội cũng đầu tư nâng cấp phần mềm tiếp cận các đơn hàng trực tiếp. Ông Đỗ Quang Thuần, đại diện hệ thống siêu thị Vinmart tại Hà Nội cho biết Vinmart ra mắt "đội quân đi chợ hộ" với các cách mua hàng linh hoạt tại 3 kênh: qua điện thoại, qua app và qua website; các đơn hàng từ 500.000 đồng trở lên sẽ được miễn phí giao hàng.
Tương tự, hệ thống siêu thị Big C mới đây cũng nhanh chóng triển khai dịch vụ đặt hàng qua điện thoại, với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên, khách sẽ được giao hàng miễn phí trong bán kính 10km. Cùng với đó, hệ thống siêu thị Lotte Mart, Co.opmart cũng tăng cường nhận đặt hàng, giao hàng qua điện thoại. Khách hàng có thể đặt hàng của siêu thị thông qua các thao tác đơn gian trên các ứng dụng qua Zalo, Viber, Facebook...
Dịch vụ phải kèm chất lượng, giá cả phù hợp
Bà Đinh Thị Mỹ Loan đánh giá người dân đang hạn chế mua sắm tại cửa hàng bán lẻ truyền thống, trong khi đó, dường như các định dạng bán lẻ hiện đại lớn bao gồm đại siêu thị, siêu thị được lựa chọn nhiều hơn từ sự hấp dẫn của các định dạng này là cung cấp điều kiện vệ sinh, đa dạng sản phẩm và rất nhiều chương trình hỗ trợ phòng chống dịch bệnh như giao hàng tận nhà, giá ổn định và nhiều chương trình bán hàng hỗ trợ nông dân.
Trong giai đoạn này, các địa điểm quy mô nhỏ, sạch sẽ và cự ly gần hơn như cửa hàng thực phẩm, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi sẽ được người tiêu dùng ưu tiên hơn cùng dịch vụ giao hàng, chú trọng vào các mặt hàng nhu yếu phẩm.
"Riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp phân phối – bán lẻ, việc tồn tại và phát triển qua mùa dịch và sau mùa dịch luôn phải gắn liền với vai trò kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng của ngành cũng như vai trò bình ổn thị trường và bảo vệ người tiêu dùng", bà Loan đánh giá.
Đáng chú ý, bà Loan khuyến nghị, từng doanh nghiệp nên có rà soát, định vị lại mình và có kế hoạch phù hợp để ứng phó với tình hình đại dịch Covid 19, từ việc đánh giá chất lượng các bộ phận, phòng ban để nâng cao hiệu suất công việc; chuyển đổi, tăng cường bán lẻ trực tuyến/bán lẻ đa kênh phục vụ nhân dân; thử nghiệm phương thức làm việc mới và cắt giảm chi phí… cho đến xây dựng và giữ gìn thương hiệu qua hoạt động trách nhiệm xã hội, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và chăm sóc cổ đông, nhân viên... Một kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh cũng rất có ích để doanh nghiệp bảo vệ hoạt động kinh doanh trong thời kỳ khủng hoảng.
"Ứng phó trong mùa dịch bệnh cũng là thời cơ để các nhà bán lẻ kiểm tra năng lực quản trị doanh nghiệp cũng như khả năng xử lý rủi ro, xử lý khủng hoảng – điều tối cần thiết để tồn tại qua đại dịch Covid 19 và sẵn sàng cho thời kỳ phục hồi sau mùa dịch", bà Loan nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Tp.Hà Nội cho rằng bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phục vụ khách hàng, các siêu thị cũng cần phải đặt vấn đề giá cả hàng hóa kinh doanh, chất lượng ngày càng phải nâng lên một bước, nhất là ở các siêu thị và trung tâm thương mại - nơi người tiêu dùng thường đặt niềm tin cao nhất.
Về giá cả, cần rà soát lại các mức giá vô lý, không hợp lý do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan để kéo giá về một mức mà thị trường có thể chấp nhận được và mang tính cạnh tranh cao giữa các kênh bán lẻ. Thời gian này cũng là cơ hội để tiếp tục đổi mới tác phong, thái độ phục vụ người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu một cách bền vững, văn hóa kinh doanh càng phải được đề cao.
Cũng như mối quan hệ giữa kênh bán lẻ với nhà cung ứng, nhà sản xuất phải bình đẳng, làm ăn tử tế có trách nhiệm, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong những lúc khó khăn như hiện nay. "Những cuộc giải cứu của siêu thị đối với thanh long, dưa hấu như vừa qua là tốt, nhưng vẫn còn có những điều tiếng về việc đàm phán giá hàng giải cứu, mang sức ép của một số đơn vị bán lẻ đối với những người đang ở thế bị động. Bán xong 1kg dưa hấu mà nông dân chỉ lãi 1.000 đồng thì sự giải cứu này hình như còn mang tính áp đặt và chưa được trọn vẹn", ông Phú chia sẻ.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Tp.Hà Nội nhấn mạnh: "Luôn luôn đổi mới theo hướng hoàn thiện hơn, hiệu quả hơn, tạo niềm tin nhiều hơn là xu hướng tất yếu của quá trình đổi mới và phát triển của các ngành bán lẻ - một ngành kinh tế quan trọng của mọi đất nước. Đó là con đường duy nhất mà các nhà bán lẻ trong thời đại ngày nay phải phấn đấu một cách quyết liệt nhằm ngày càng hoàn thiện tổ chức của mình".
Thy Lê