Thông tin lần đầu tiên sàn diễn lớn nhất trong năm cho các nhà sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam - triển lãm ô tô Việt Nam 2020 (Vietnam Motor Show 2020) bị hủy bỏ đang cho thấy những tác động ghê gớm của COVID-19 tới ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Kích cầu bị gián đoạn vì COVID-19
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp 7 tháng 2020, Bộ Công Thương cho biết, ngành sản xuất xe có động cơ tháng 7 đã tăng 2,7% so với tháng 6. Sản lượng sản xuất tháng 7 ước đạt 17,9 nghìn chiếc, tăng 3,3% so với tháng trước. Có thể nói, từ cuối tháng 6/2020, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách giảm phí trước bạ đã tạo điều kiện cho thị trường ô tô trong nước bắt đầu tăng trưởng.
Thị trường ô tô tiếp tục ảm đạm vì làn sóng COVID-19 thứ hai |
Trong tháng 6, cả 3 dòng xe du lịch, thương mại và xe chuyên dụng đều có mức tăng trưởng. Điều đó cho thấy dấu hiệu tích cực của thị trường ô tô đang trên đà hồi phục sau những tháng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, kết quả trên là trước khi chưa có làn sóng COVID-19 thứ hai ập tới. Thời điểm hiện tại, nhu cầu mua xe đang chững lại, người dân lo tiết kiệm, bảo toàn vốn và các doanh nghiệp đang khó khăn hơn do doanh số suy giảm trước đó.
Anh Lê Minh, nhân viên bán hàng của đại lý Honda Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, ngay khi có dịch COVID-19 xảy ra, nhiều khách hàng đã tạm gác lại việc sắm xe hơi để dành tiền dự phòng hoặc dùng đầu tư vào những kênh sôi động như vàng. Sắp tới, tháng 7 âm lịch hay còn gọi là tháng "cô hồn" thị trường ô tô sẽ càng ảm đạm hơn.
Mặc dù đại lý triển khai nhiều chương trình khuyến mãi như giảm tiền mặt trừ vào tiền mua xe, tặng bảo hiểm, tặng phụ kiện chính hãng... cũng khó thu hút khách hàng. "Đại lý chúng tôi đang lo sợ doanh số bán hàng mới chớm nở lại tiếp tục sụt giảm trở lại. Trong khi đó, lợi thế giảm 50% phí trước bạ chỉ kéo dài tới cuối năm", anh nói.
Theo số liệu công bố của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, phần lớn doanh số bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam đều sụt giảm. Trong đó, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng xe Ford bán ra giảm 46%, Mazda giảm 39%, Toyota giảm 32%, Honda giảm 27%...
Ông Võ Trung Chính, Phó Giám đốc kinh doanh linh kiện phụ tùng (Công ty CP ô tô Trường Hải), cho biết doanh số bán xe giảm vì xu hướng chung thị trường do dịch bệnh. Các đơn hàng xuất khẩu của Thaco giảm 30-40% so với bình thường. Trong khi đó, ở thị trường trong nước doanh số bán xe ô tô giảm, đặc biệt xe bus giảm mạnh vì nhu cầu du lịch bị "đóng băng".
Vietnam Motor Show 2020 vốn được xem là "sàn diễn" cho các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam kết nối khách hàng, giới thiệu mẫu mã mới, đồng thời phục vụ cho mục đích bán hàng. Việc hủy bỏ càng khiến đầu ra của ngành ô tô trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trong khi đó, lợi thế duy nhất của xe sản xuất lắp ráp trong nước là giảm phí trước bạ chỉ kéo dài tới cuối năm nay. Cách gì để giúp ngành ô tô cạnh tranh sòng phẳng với xe nhập chắc chắn là câu hỏi quá khó khăn.
Thiếu 'xương sống' sao phát triển?
Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được xem là cơ hội cho ngành thương mại, xuất nhập khẩu ô tô, khi các loại xe sang như BMW, Audi, Mercedes… nhập khẩu vào Việt Nam được cắt giảm thuế quan, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn. Tuy nhiên đối với ngành sản xuất xe ô tô trong nước là rất khó khăn. Việc cạnh tranh với xe ô tô trong khu vực đã khó, giờ cạnh tranh với xe châu Âu lại càng khó khăn.
Báo cáo của Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cũng cho thấy, một bức tranh khá chênh lệch về trình độ phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam so với Thái Lan. Cụ thể, Việt Nam có khoảng 20 công ty lắp ráp ô tô, nhưng chỉ có khoảng 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp hai và cấp ba. Trong khi đó, Thái Lan có khoảng 16 công ty lắp ráp ô tô, nhưng có tới 690 nhà cung cấp cấp 1, và 1.700 nhà cung cấp cấp hai và cấp ba. Sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào trong chuỗi sản xuất ô tô còn rất hạn chế.
Việc không phát triển được công nghiệp hỗ trợ sẽ khiến giá thành xe ô tô Việt Nam luôn cao hơn từ 10-20% so với với xe nhập khẩu đến từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Đồng thời, trong 7-10 năm tới, ngành ô tô Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh với các sản phẩm ô tô đến từ các quốc gia thành viên CPTPP, EVFTA.
TS. Khương Quang Đồng, chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành ô tô tại Pháp cho rằng, trong điều kiện này, các công ty sản xuất ô tô trong nước chỉ có thể "sống qua ngày" mà chưa thấy tương lai vì không đủ lời để có vốn đầu tư nghiên cứu vào các chương trình nâng chất lượng xe. Trong khi đó, trong ngành ô tô, sức cạnh tranh rất khốc liệt, không tiến là bị loại.
"Sức cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất ô tô tuỳ thuộc chính yếu vào độ sâu và bề rộng của mạng lưới sản xuất linh kiện, nó bao trùm nhiều ngành kỹ thuật để sản xuất hơn 20.000 linh kiện. Khi nào công nghiệp ô tô Việt Nam đạt tới tỷ lệ nội địa hoá trên 60% thì mới đạt đến sức cạnh tranh để xuất khẩu ô tô nguyên chất", ông Đồng nhấn mạnh.
Về phần mình, Bộ Công Thương cho biết thời gian tới, sẽ thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Trong đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI trong ngành ô tô như Toyota, Honda... tăng cường tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Ông Võ Trí Thành Chuyên gia kinh tế Những chính sách như miễn, giảm thuế rất quan trọng nhưng chưa đủ. Ngành ô tô cần có cái nhìn toàn diện hơn về bên cung, bên cầu, những xu hướng phát triển mới của ngành ô tô, hệ sinh thái cho ngành này phù hợp với cả bên sản xuất và bên tiêu dùng. Ông Lê Ngọc Đức Tổng giám đốc Hyundai Thành Công Nhà nước cần có những chính sách giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư và linh kiện nội địa hóa trong nước. Đồng thời, áp dụng các gói tín dụng dành cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, đưa sản xuất sản phẩm ô tô vào danh mục sản phẩm công nghệ cao để khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Ông Nguyễn Trung Hiếu Trưởng Tiểu ban chính sách VAMA Trong quy hoạch phát triển ô tô cần đề cập đến việc khuyến khích sự hợp tác giữa các hãng sản xuất ô tô với nhau như sử dụng chung khung gầm hoặc thậm chí dùng chung máy móc để sản xuất xe, tăng quy mô sản lượng, hạ chi phí. Đây là cách để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, việc để các hãng ngồi lại với nhau và bàn việc này không dễ bởi chiến lược của các hãng tại Việt Nam còn phải phụ thuộc nhiều vào hãng mẹ ở nước ngoài. |
Lê Thúy