Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 6, cả nước nhập khẩu 1.323 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt gần 33,4 triệu USD.
Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 768 xe, tổng kim ngạch gần 12,2 triệu USD; ô tô tải là 268 xe, tổng kim ngạch 6,3 triệu USD; còn lại là xe trên 9 chỗ ngồi, các dòng xe chuyên dụng…
Cộng dồn từ đầu năm đến 15/6, cả nước nhập khẩu 38.123 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch 846 triệu USD, giảm mạnh tới gần 32.000 xe so với cùng kỳ năm 2019, trong khi kim ngạch giảm hơn 700 triệu USD.
Nhập khẩu ô tô có dấu hiệu giảm tốc trước khi chính sách giảm 50% phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực |
Trước đó, sau khi lập đỉnh với 12.151 xe trong tháng 3, lượng ô tô nguyên chiếc đột ngột giảm mạnh xuống 4.918 xe trong tháng 4 và giảm tiếp xuống 4.866 xe trong tháng 5.
Nguyên nhân chủ yếu được các nhà kinh doanh ô tô nhập khẩu chỉ ra là do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến hầu hết nhà máy sản xuất ô tô trên thế giới bị ảnh hưởng và chuỗi cung cấp linh kiện phụ tùng cũng bị đứt gãy...
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ để kích cầu đến hết năm 2020 theo Nghị quyết của Chính phủ hứa hẹn nửa cuối năm 2020 sẽ là khoảng thời gian bùng nổ của xe sản xuất, lắp ráp trong nước, từ đó phần nào tác động tới lượng xe nhập khẩu.
Với việc giảm 50% phí trước bạ hiện hành (đang là 10% - 12% tùy từng tỉnh, thành phố), người tiêu dùng Việt Nam mua xe lắp ráp, sản xuất trong nước chỉ phải đóng 5% - 6% phí trước bạ khi đăng ký lần đầu xe ô tô. Mức giảm phí trước bạ sẽ dao động từ vài chục triệu đồng với các dòng xe giá rẻ, phân khúc phổ thông, và lên tới vài trăm triệu đồng với các dòng xe cao cấp của Mercedes, Peugeot, VinFast… Điều này sẽ tạo nên sức cạnh tranh đáng kể của xe nội so với các dòng xe ngoại cùng dòng và có tính năng tương đương.
Đ.N