Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT về góp ý Dự thảo Tờ trình và Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Không được biệt đãi thuế, ô tô trong nước khó "sống" (Ảnh: Internet) |
Đối với nội dung tại Dự thảo tờ trình về thực hiện ưu đãi, hỗ trợ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội, Bộ Công Thương cho rằng sản xuất, lắp ráp ô tô là một trong những ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, trong dài hạn, ngành sản xuất ô tô nội địa cũng sẽ gặp phải sự cạnh tranh vô cùng gay gắt trước làn sóng ô tô nhập khẩu giá rẻ trong khu vực ASEAN tràn vào thị trường trong nước khi các hàng rào thuế quan và kỹ thuật đã được gỡ bỏ.
Do đó, nếu không quyết liệt có chính sách kịp thời và đủ mạnh để vực dậy, duy trì ngành sản xuất ô tô trong nước trong bối cảnh dịch bệnh cũng như trong dài hạn, ngành sản xuất ô tô (đặc biệt là ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi) sẽ có nguy cơ sụp đổ, gây nhiều hệ luỵ nghiêm trọng đến ngân sách, việc làm và phát triển bền vững nền kinh tế.
Do vậy, đối với việc đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020, Bộ Công Thương cho rằng đây là biện pháp cần thiết để kích cầu tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhấn mạnh không áp dụng chung cho ô tô nhập khẩu vì rất có thể người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang tiêu thụ mạnh ô tô nhập khẩu khi giá bán xe nhập khẩu hạ xuống do lệ phí trước bạ giảm, gây tác dụng ngược đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, thời gian áp dụng chính sách này cũng rất ngắn (chỉ đến hết năm 2002) và đồng thời chính sách cũng được áp dụng trong bối cảnh đặc biệt (ảnh hưởng của dịch bệnh), do đó khả năng bị các quốc gia khởi kiện do vi phạm cam kết hầu như không có. Vì vậy đề nghị giữ nguyên đề xuất này.
Về đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội, Bộ Công Thương đề nghị quy định chi tiết chính sách này tại dự thảo Nghị quyết. Cụ thể, áp dụng chính sách gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (với thời hạn tối đa 6 tháng) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Bộ Công Thương giải thích lý do là giúp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước, đồng thời góp phần kích cầu tiêu thụ ô tô nội địa - tương tự như đề xuất chính sách giảm lệ phí trước bạ.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội gần nhất về chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô, cụ thể là không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với giá trị sản xuất nội địa, áp dụng đối với cả ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.
Theo Bộ Công Thương, nếu không có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm giảm giá thành xe sản xuất, lắp ráp trong nước, cụ thể là các ưu đãi về phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt, so với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, ngành ô tô Việt Nam, đặc biệt là ngành sản xuất, lắp ráp ô tô con sẽ không thể cạnh tranh được với làn sóng ô tô nhập khẩu trong thời gian tới.
"Với lý do trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khắc phục bất lợi về giá bán của ô tô sản xuất trong nước là hết sức cấp bách. Bên cạnh đó, để đảm bảo tuân thủ cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, đề nghị xem xét việc áp dụng chính sách ưu đãi trên đối với cả ô tô nhập khẩu trong trường hợp chứng minh được trong cấu thành giá ô tô nhập khẩu có chứa giá trị sản xuất nội địa của Việt Nam", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Trái ngược quan điểm của Bộ Công Thương, trong bản góp ý vào Dự thảo Nghị quyết trên, Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất giảm 50% phí trước bạ và ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nội địa.
Bộ Tài chính cho rằng: "Ý kiến này vi phạm cam kết về không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu khi gia nhập WTO, do đó đề nghị không đưa vào dự thảo Nghị quyết".
Thy Lê