Chia sẻ tại hội thảo quốc tế ngành tôm 2023 diễn ra ở Tp.HCM vào ngày 23/8, ông Willem van der Pijl, một chuyên gia quốc tế hàng đầu trong ngành tôm, nhà sáng lập Shrimp Insights, cho rằng nếu tình hình tiêu thụ trong nửa cuối năm dẫu có tốt lên hơn thì dự kiến sản lượng xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam vẫn sẽ sụt giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Mối lo từ nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu chững lại
Dựa trên các số liệu về XK, ông Pijl dự đoán, sản lượng XK tôm của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt khoảng 320.000 tấn. Năm nay Việt Nam và tất cả các quốc gia cung cấp tôm đều bị giảm khối lượng XK tôm sang Mỹ. Còn Trung Quốc nếu như nửa đầu năm nay trở lại đà nhập khẩu (NK) tôm như trước khi có Covid-19 thì trong các tháng cuối năm cũng sẽ khó duy trì tăng trưởng NK như vậy.
Ngành tôm của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn cần giải quyết trước bối cảnh sức mua chững lại trên thị trường toàn cầu. |
Còn theo nhận định của ông Ronnie Tan - chuyên gia quốc tế về ngành tôm, nhu cầu tiêu thụ tôm trên toàn cầu đang chững lại. Trong giai đoạn 2013 - 2021 Mỹ và Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy nhu cầu tôm với tốc độ tăng trưởng NK trung bình hàng năm (CARG) lần lượt là 5,4% và 2,7%.
Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2022 đến nay NK tôm hàng tháng của Mỹ liên tục sụt giảm. Lạm phát thủy sản 12,4% khiến cho người Mỹ tăng tiêu dùng hải sản bảo quản. Còn với thị trường EU cũng hạ nhiệt từ nửa cuối năm 2022 đến nay, chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm.
Với Trung Quốc hồi năm trước là thị trường duy nhất đã NK mạnh mẽ đến 950.000 tấn tôm với tiên lượng khả quan, nhưng tiêu thụ tôm đã đình trệ với ước tính hiện tại là tồn kho trong 6 tháng.
Ông Ronnie Tan cho biết Trung Quốc đã NK rất nhiều tôm vào cuối năm trước và trong 4 tháng đầu của năm 2023. Với số lượng NK “khổng lồ”, cuối tháng 6/2023, nước này đã dự đoán sản lượng tồn kho tôm quá lớn và bây giờ họ đang tìm cách thanh khoản nguồn tồn kho này, sẵn sàng giảm giá để bán lượng tôm dự trữ đông lạnh.
Điều gì đang xảy ra tại thị trường tôm Trung Quốc? Vị chuyên gia này cho rằng, người dân Trung Quốc không tự tin vào tăng trưởng kinh tế hiện tại nên khó tránh việc thắt chặt hầu bao, giảm chi tiêu với mặt hàng tôm.
Trong khi đó, ông Jesper Clausen - Giám đốc toàn cầu về dinh dưỡng và hỗ trợ thủy sản của Tập đoàn De Heus (Hà Lan), cho biết ước tính tổng sản lượng tôm nuôi toàn cầu năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,3 triệu tấn, tăng 5% so với năm trước. Sản lượng tôm nuôi từ đầu năm đến nay của một số quốc gia hàng đầu về ngành tôm như Ecuador đã tăng 14%, Ấn Độ tăng 2%, Thái Lan giảm 9%, Indonesia giảm 13%. Đáng chú ý nhất là sản lượng của Việt Nam giảm đến 32%.
Đâu là giải pháp cho ngành tôm Việt?
Ông Jesper Clausen cho biết, Mỹ vẫn là thị trường NK chính, nhưng Trung Quốc mới là nước tiêu thụ tôm lớn nhất (cả sản lượng trong nước và NK). Còn thị trường EU giảm NK vì lượng tồn kho vẫn còn.
Như lưu ý của vị giám đốc này, giá tôm thẻ chân trắng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong khi giá thành sản xuất cao hơn giá bán (nhất là giá nguyên liệu thức ăn cao, như bột cá, khiến giá thức ăn nuôi tôm tăng cao).
Theo lời khuyên của ông Jesper Clausen dành cho ngành tôm ở Việt Nam, thay vì để thị trường “dư thừa” nguồn cung khi XK giảm thì các doanh nghiệp (DN) có thể tập trung phát triển sản phẩm tươi và chế biến. Bên cạnh đó, các DN có thể kỳ vọng thị trường sẽ có phục hồi dần ở EU và Mỹ trong 12 tháng tới.
“Điều quan trọng bây giờ các DN ngành tôm Việt Nam cần tập trung vào tôm chất lượng cao với chi phí thấp (luôn luôn phải như vậy). Các DN cũng cần tìm kiếm cơ hội thị trường trong nước để hỗ trợ ngành tôm Việt vượt qua khó khăn”, ông Jesper Clausen nhấn mạnh.
Ngoài ra, các chuyên gia quốc tế cũng khuyến nghị ngành tôm Việt là cần tiếp tục tập trung vào tính bền vững và truy xuất nguồn gốc (như thức ăn, quản lý trang trại, quản lý dịch bệnh).
Hơn thế nữa, nên tập trung vào tiếp thị ngành tôm Việt. Trên thực tế, ngành tôm Việt tốt hơn rất nhiều so với cảm nhận của nhiều nước châu Âu, cho nên khâu quảng bá cần nỗ lực hơn để thay đổi những cảm nhận tiêu cực. Ngoài ra, cần tăng hiệu quả ở cấp vùng nuôi, sản xuất hiệu quả hơn thường thể hiện bằng lượng khí thải CO2 thấp hơn.
Đứng ở góc độ của DN hàng đầu về XK tôm của Việt Nam, Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), cho biết thách thức lớn cho các DN ngành tôm Việt hiện nay là lạm phát, suy thoái kinh tế khiến cho sức tiêu thụ trên toàn cầu sụt giảm và hiện chưa rõ điểm dừng. Không chỉ vậy, khó khăn cho ngành tôm Việt còn đến từ sức cung sản lượng tôm trên toàn thế giới tăng (điển hình như tôm Ecuador đang tăng trưởng mạnh về sản lượng).
Ông Lực cũng chỉ rõ tình trạng tôm nuôi của Việt Nam năm nay bị dính vào dịch bệnh khá nặng nề. Điều này dẫn đến năng suất giảm, cộng với nhiều yếu tố khác làm cho giá thành tăng cao. Đây là một thách thức vô cùng lớn, là điểm “thắt nút cổ chai” của ngành tôm Việt hiện nay.
“Trong khi giá thành tôm cao thì giá tôm bán trên thị trường lại quá thấp, khiến cho người nuôi tôm của Việt Nam không yên tâm tiếp tục thả nuôi. Tình hình này khiến cho tôm nguyên liệu có thể thiếu từ quý 3/2023 trở đi”, vị Chủ tịch của FMC nhận định.
Cũng theo ông Lực, ngành tôm Việt trong thời gian tới sẽ phải nỗ lực phát huy thế mạnh là nâng cao trình độ chế biến, tìm thêm mặt hàng mới để có thể đi trước nhằm tăng sức cạnh tranh (các DN nội địa cũng đang hết sức nỗ lực trong chuyện này). Các DN cũng chọn những thị trường tránh được các đối thủ quá mạnh. Song song đó là cần giảm giá thành, nhất là giá thành nuôi tôm.
Thế Vinh