Mới đây, trên trang fanpage của Biti’s Hunter (một dòng sản phẩm giày tiếng tăm của Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên - Biti’s) có thông tin chính thức xin lỗi vì nhập nhèm nguồn gốc thổ cẩm, dùng vải Trung Quốc trên thiết mới, đã có đến 28.000 lượt thích, 2.900 bình luận và 4.600 lượt chia sẻ.
Người tiêu dùng lo lắng
Qua đó để thấy dư luận và người tiêu dùng đang rất quan tâm, lo lắng đến tính trung thực, minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu ở một thương hiệu lớn về giày dép của Việt Nam như hãng giày Biti’s.
![]() |
Tình trạng “hàng Tàu - nhãn Việt” có thể khiến thương hiệu mất trắng khi làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng. |
Cụ thể, như thông tin từ Biti’s Hunter về vấn đề chất liệu vải gấm thể hiện trong bộ sưu tập mới, họ đã chọn lựa vải gấm đến từ Trung Quốc để thể hiện ý tưởng cho sản phẩm.
Giải thích cho chuyện này, Biti’s Hunter cho biết đã cố gắng tìm kiếm nguồn nguyên liệu vải trong nước, nhưng chưa tìm được nhà cung cấp có vải dệt phù hợp, nhất là trong bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ cho giày dép trong nước còn nhiều hạn chế, cũng như dịch Covid-19 hoành hành trong suốt thời gian qua.
Mặc dù vậy, Biti's Hunter xin hoàn toàn thừa nhận trách nhiệm, gửi lời xin lỗi tới những người kỳ vọng vào thương hiệu của họ, đặc biệt là đối với dòng sản phẩm mới có tên gọi “Proudly Made in Vietnam - Vẽ lên tự hào Việt Nam”.
Đa phần ý kiến bình luận trên fanpage của Biti’s Hunter và trên truyền thông cho rằng lời xin lỗi, nhận trách nhiệm này là thấu đáo, biết lắng nghe ý kiến đóng góp từ người tiêu dùng, nhất là biết nhận sai và có hướng khắc phục.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lưu ý đừng để những vấn đề về xuất xứ nguyên liệu, tối ưu hoá lợi nhuận từ việc lạm dụng nguyên liệu giá rẻ của Trung Quốc (được gọi nôm na là hàng Tàu), làm mất đi niềm tự hào thương hiệu giày Việt Nam.
Là một người tiêu dùng quan tâm đến sử dụng những sản phẩm giày mang thương hiệu Việt, anh Nguyễn Minh Thông, trú ở đường Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6 (Tp.HCM) - địa bàn đặt “đại bản doanh” của hãng Biti's, nhấn mạnh phía doanh nghiệp (DN) nên xem việc trung thực trong nguồn nguyên liệu là yếu tố đầu tiên để phát triển bền vững.
Như trong trường hợp lần này của Biti’s Hunter, anh Thông nhắc lại chuyện họ đã tuyên truyền là lấy “Cảm hứng miền Trung”, những hoạ tiết được giới thiệu là của triều Nguyễn và “Được đầu tư sáng tạo, tìm tòi đa dạng vật liệu và tốn nhiều công sức sản xuất”.
“Thế nhưng, rốt cuộc lại sử dụng loại gấm rẻ tiền có sẵn của Trung Quốc, rất phổ biến trong việc làm đồ lưu niệm giá thấp, và bán nhiều nhất trên Taobao - trang thương mại điện tử bán lẻ của tập đoàn Alibaba (Trung Quốc)”, anh Thông cho biết.
Bài học nhãn tiền
Anh Thông nói rằng nếu thiết kế mới của hãng Biti’s sử dụng nguyên liệu ở trong nước có thể sẽ có giá thành cao hơn so với dùng nguyên liệu Trung Quốc. Điều đáng trách ở đây là tại sao bê nguyên xi gấm Trung Quốc với hoạ tiết của họ rồi về cắt ra may lên giày xong lại gọi là văn hoá miền Trung? Như vậy là không thể chấp nhận được.
“Trong chuyện này, không chỉ là vấn đề ở việc dùng nguyên liệu Việt hay nguyên liệu Trung Quốc, mà còn là việc họ quảng bá thiết kết mới là “Proudly Made in Vietnam” nhưng lại đi sử dụng hoa văn Trung Quốc, không đúng với tinh thần của hàng Việt, quảng bá văn hoá Việt”, anh Thông nói.
Vụ việc lần này làm gợi nhớ câu chuyện dùng lụa Trung Quốc gắn nhãn Việt của Khải Silk hồi năm 2017. Từ bê bối đó cho đến nay đã 4 năm, thương hiệu này dường như đang đi vào quên lãng trong sự tẩy chay của người tiêu dùng.
Mặc dù ông Hoàng Khải, chủ sở hữu Khải Silk, đã thừa nhận là việc bán lụa nhập từ Trung Quốc, nhưng điều đó không làm nguôi cơn "phẫn nộ" của những người vốn từng ưa thích thương hiệu này.
Trong câu chuyện “hàng Tàu - nhãn Việt”, giới chuyên gia cảnh báo bài học nhãn tiền từ sự dối trá của nhà sản xuất có thể làm cho thương hiệu của DN mất trắng, hoặc trên bờ vực suy giảm lòng tin của người tiêu dùng Việt, bất kể đó là thương hiệu lớn, lâu năm.
Theo chuyên gia Nguyễn Quốc Thịnh, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Đại học Thương mại Hà Nội), thương hiệu là danh tiếng, là uy tín về sản phẩm và về DN, là lòng tin của công chúng và khách hàng đối với sản phẩm của DN và về chính DN đó.
Vì vậy, xây dựng thương hiệu về thực chất là quá trình nỗ lực của DN để tạo dựng lòng tin đối với khách hàng, tạo dựng danh tiếng và uy tín cho sản phẩm mà DN cung ứng cũng như các hoạt động của DN trong quá trình tồn tại và phát triển.
Có một thực tế là người tiêu dùng Việt có cả trăm lý do khác nhau để lựa chọn sản phẩm, nhưng chắc chắn sẽ lựa chọn sản phẩm nào mà có nhiều thông tin về nó nhất và thông tin đến với họ là tin cậy nhất.
Chính vì vậy, trước tình trạng “hàng Tàu - nhãn Việt”, ngoài việc truyền thông về sản phẩm một cách trung thực, còn đòi hỏi DN Việt phải đảm bảo tính xác thực đối với thông tin, đối với sản phẩm.
Từ đó để nhắc nhớ lời xin lỗi mới đây của Biti’s Hunter hay của ông Hoàng Khải trước kia liệu có giữ được niềm tin của người tiêu dùng? Cần đặt dấu hỏi là nếu không bị phát hiện những lấp liếm trong xuất xứ nguyên liệu, liệu những thương hiệu lớn có thừa nhận những sai lầm của mình hay vẫn tiếp tục lừa dối người tiêu dùng?
Thế Vinh