Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, cho biết kết quả đo lường về người tiêu dùng tại các thành phố lớn trên thị trường Việt Nam trong tháng 9/2021 đã chỉ rõ có hơn 50% hộ gia đình (trong số 2.000 hộ tham gia khảo sát) bày tỏ sự không ổn về tình hình tài chính gia đình, phải cắt giảm chi tiêu.
Cắt giảm chi tiêu, dè dặt mua sắm
“Chỉ có 2 - 3% số hộ tham gia khảo sát nói rằng mọi thứ đều ổn. Đây là kết quả rất “sốc” đối với những thông tin mà chúng tôi có được từ trước đến nay”, bà Nga nói.
![]() |
Người tiêu dùng đang thay đổi quá nhiều từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là xu hướng cắt giảm chi tiêu, tập trung mua những mặt hàng thiết yếu. |
Theo Giám đốc phát triển kinh doanh của Kantar Việt Nam, ngay cả nhóm hộ gia đình có nguồn thu nhập cao nhưng với tình hình hiện nay, họ vẫn chia sẻ là không ổn hoặc phải cắt giảm chi tiêu để ứng phó với tình hình mới trước đại dịch Covid-19.
Điều đó thể hiện việc tiết kiệm sau đại dịch là tâm lý chung của các hộ gia đình, kể cả những hộ khá giả. Ngoài ra, họ còn có tâm lý hoảng sợ trước việc tăng chi phí để mua các mặt hàng thực phẩm với mức giá cao.
Trong bối cảnh “sống chung” đại dịch như hiện nay, người tiêu dùng Việt còn có tâm lý ứng phó. Những dự đoán từ các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng xu hướng chung trong ít nhất từ 6 tháng đến 12 tháng tới là người tiêu dùng tập trung vào việc mua những mặt hàng thiết yếu.
Theo đó, họ sẽ ít “vung tay” mua sắm tuỳ hứng. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, người mua sẽ dễ dàng quản lý chi tiêu tốt hơn khi có thể so sánh được giá cả.
“Tâm lý cắt giảm chi tiêu như vậy sẽ ảnh hưởng tới chiến lược cũng như các hoạt động bán hàng sắp tới của các doanh nghiệp (DN) rất nhiều”, bà Nga nhận định.
Có thể nói, “cú tát” mạnh của dịch Covid-19 trong năm 2021 này so với năm vừa rồi đang làm cho người tiêu dùng Việt biến đổi theo tốc độ chóng mặt hơn. Chính vì vậy, việc ưu tiên cách thức điều chỉnh nhằm đáp ứng các hoàn cảnh thay đổi quá nhiều của người tiêu dùng sẽ rất quan trọng đối với các DN Việt trong lúc khó khăn này.
Nhất là khi thu nhập càng trở nên căng thẳng, người tiêu dùng sẽ chuyển từ đánh giá cao những nhu cầu thiết yếu sang phụ thuộc vào những nhu cầu này.
Điều đáng lo là có nhiều người tiêu dùng đã chuyển đổi từ hạn chế tài chính sang tình trạng khó khăn, cạn kiệt. Khi đó dẫn đến tình trạng hạn chế chi tiêu hoặc chỉ mua thức ăn để đảm bảo cuộc sống cơ bản.
Theo bà Lê Mỹ Nga, Giám đốc Công ty quản lý quỹ Sfund, dịch Covid-19 lần này là bài học lớn dành cho những cá nhân có thu nhập không cao, không bền vững khi trước đó đã chi tiêu quá trớn, không kiểm soát.
Hoặc chuyển đổi, hoặc dừng "cuộc chơi"
Và như hiện tại, bà Lê Mỹ Nga cho rằng người tiêu dùng sẽ phải sống khác, suy nghĩ khác, chi tiêu tiết kiệm hơn. Họ sẽ dè dặt hơn trong việc mua sắm các xa xỉ phẩm (dĩ nhiên là đa số nhưng không phải 100%).
Bên cạnh đó, những dự đoán cho thấy xu hướng các dịch vụ tiện ích, thiết kế các giải pháp công nghệ với chi phí hợp lý hơn sẽ “lên ngôi” khi nhắm đến nhu cầu từ những thay đổi về cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng sau đại dịch.
Điều này đòi hỏi các DN theo hướng truyền thống buộc phải chuyển đổi, nếu không chuyển đổi thì có thể họ sẽ phải dừng "cuộc chơi". Thực ra, việc chuyển đổi của DN trước xu hướng tiêu dùng mới trong tương lai là lẽ đương nhiên, nhưng dịch Covid-19 đã thúc đẩy cho quá trình này diễn ra nhanh hơn.
Mặt khác, như lưu ý của Giám đốc Công ty quản lý quỹ Sfund, các DN phải tìm ra hướng đa dạng hoá sản phẩm, thêm những sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu mới của thị trường và hành vi tiêu dùng mới của người tiêu dùng.
Đặc biệt, DN phải có chuyển biến nhanh về mặt công nghệ, chuyển đổi số và tăng tốc chuẩn hoá sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm tiến ra thị trường toàn cầu thay vì chỉ loanh quanh ở thị trường trong nước vốn đang đầy rẫy khó khăn.
“Chỉ có cách sống còn là DN phải mở rộng thị trường, chuẩn hoá sản phẩm, ứng dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng. Và gần như có thể là nhiều DN sẽ phải thay đổi hoàn toàn mô hình của mình, đa dạng hoá sản phẩm để giảm bớt rủi ro trong hành trình sắp tới”, bà Lê Mỹ Nga nhấn mạnh.
Còn theo ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc CTCP tư vấn POCD, với tình hình thu nhập bất ổn thì người tiêu dùng đang đòi hỏi phía DN cung cấp những sản phẩm có giá cả thấp hơn. Như vậy, DN cần tập trung vào việc đổi mới những sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng cho nhu cầu giá thấp này.
Ngoài ra, ông Đức khuyên các DN cần chú trọng hơn nữa những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, cũng như mở rộng hệ sinh thái của DN để tham gia vào những thị trường quốc tế.
“Với khủng hoảng Covid-19 lần này thì DN càng phải liên tục tập trung vấn đề đổi mới các mô hình của mình. Có như vậy, DN mới đảm bảo có thể tồn tại được trong tương lai”, ông Đức nói.
Vị giám đốc này nhấn mạnh DN sinh ra là để phục vụ khách hàng. Nhu cầu khách hàng luôn luôn thay đổi, với những thay đổi khắc nghiệt hơn. Nếu không cải tiến đổi mới, không đưa các nền tảng về công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, không có những chuyển đổi về số hoá sẽ rất khó cho DN trong tương lai. Đó cũng chính là “trăm điều khó” đối với các DN sau giai đoạn dịch Covid-19 lần này.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.