Nếu đánh từ khoá “Lazada có bán hàng giả không” trên công cụ tìm kiếm Google sẽ cho ra kết quả khá bất ngờ với 4.500.000 kết quả. Nổi bật trên đó là các đường link bài viết cảnh báo về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu tràn lan trên sàn TMĐT.
Chưa hết nóng
Tiếp tục gõ từ khoá “Tiki có bán hàng giả không” sẽ cho ra đến 8.040.000 kết quả. Với từ khoá “Sendo có bán hàng giả không” thì là 3.200.000 kết quả. Nhưng những con số đó không thấm tháp gì với từ khoá “Shopee có bán hàng giả không” với 10.900.000 kết quả.
Công ty First News công bố chính thức khởi kiện Lazada vì tiếp tay tiêu thụ sách giả. |
Rõ ràng, với 4 sàn TMĐT (còn gọi là chợ trực tuyến hay chợ online) có lượng truy cập nhiều nhất Việt Nam, được mệnh danh là “tứ đại gia”, thì việc có bán hàng giả hay không vẫn là băn khoăn lớn của người tiêu dùng Việt nếu nhìn từ kết quả tìm kiếm trên Google.
Mức độ nghi ngờ sẽ còn gia tăng khi nhìn vào vụ việc nổi cộm mới đây nhất khi Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News chính thức khởi kiện Lazada (thuộc Công ty Recess - Tập đoàn Alibaba) vì cho rằng sàn TMĐT này có hành vi tiếp tay tiêu thụ sách giả.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, phía công ty đã nhiều lần cảnh báo sau hơn 2 năm phát hiện các sàn TMĐT ở Việt Nam trực tiếp, gián tiếp tiếp tay tiêu thụ sách giả số lượng lớn của các nhà xuất bản ở Việt Nam.
Theo ông Phước, rất nhiều sách giả để giá bìa cao hơn sách thật 30-50% để giảm giá bán bằng giá bìa sách thật. Và khi đặt ngẫu nhiên 86 đơn hàng các sách của First News cùng các nhà xuất bản khác đang giảm giá 50% trên Lazada thì lúc mở ra thấy rằng tất cả đều là sách giả, kém chất lượng và sai sót, chứng tỏ các gian hàng trên sàn TMĐT và các tội phạm làm giả in lậu có một mối quan hệ mật thiết.
Không chỉ với sách, nhiều mặt hàng giả khác đến nay vẫn còn buôn bán tràn lan không chỉ trên các sàn TMĐT mà còn ở các hình thức kinh doanh trực tuyến khác. Điều này khiến cho cơ quan quản lý phải liên tiếp mở các cuộc kiểm tra.
Điển hình mới nhất như hôm 3/9/2020, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cùng với Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra tại 7 địa điểm kinh doanh có dấu hiệu vi phạm về kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc là phụ tùng xe máy, xe điện tại Quận 5 (đặc biệt là khu Chợ Tân Thành - địa điểm kinh doanh phụ tùng xe máy nổi tiếng tại Tp.HCM) và quận 11, Tp. HCM.
Lực lượng chức năng đã thu giữ được 33.069 sản phẩm phụ tùng xe (trị giá gần 1,1 tỷ đồng) không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, một số sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu của hãng nổi tiếng thế giới về phụ tùng, phụ kiện xe gắn máy.
Nên tăng trách nhiệm chủ sàn
Cục TMĐT và Kinh tế số còn phát hiện các cửa hàng nêu trên đã thiết lập một số website như www.vutru.vn; www.xemayanhem.com; www.phutunganhem.com để giới thiệu và đăng bán sản phẩm.
Qua kiểm tra thì các cửa hàng này khi thiết lập website TMĐT bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Mặt khác, các cửa hàng còn vi phạm khi không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website và các thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, vận chuyển, giao nhận, phương thức thanh toán, các điều khoản hợp đồng...khi đặt hàng trực tuyến trên website TMĐT.
Cách đây hơn 3 tháng, Cục TMĐT và Kinh tế số cũng theo dõi và phát hiện hai trang Facebook có tên là: YuMe Fashion và Taga (địa chỉ số 407/1 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, Tp.HCM) bán hàng theo hình thức livestream.
Lực lượng kiểm tra phát hiện tại địa điểm này hàng chục ngàn mặt hàng thời trang quần áo, giầy, ví da, túi xách, thắt lưng…có dấu hiệu làm nhái, làm giả các thương hiệu lớn thế giới đã được bảo hộ ở Việt Nam như Gucci, D&G, LV…
Điều đáng nói, chủ các cơ sở này thừa nhận dùng những hình thức phổ biến như livestream trên Facebook để bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Mỗi lần livestream, các cơ sở đã thu hút hàng ngàn lượt người xem, chia sẻ và hỏi mua. Và người tiêu dùng không biết được mình đang xem và mua phải hàng lậu, hàng giả nhãn hiệu lớn.
Có thể thấy, để “siết” tình trạng bán hàng giả trên môi trường TMĐT thì rất cần điều chỉnh các văn bản pháp luật (đơn cử như việc xây dựng Nghị định Sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT) có liên quan đến hoạt động này khi mà các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi hơn.
Nhất là cần có khung pháp lý xác định rõ các điều kiện thiết lập các website và ứng dụng TMĐT để kinh doanh các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần sự minh bạch hóa thông tin sản phẩm đặt biệt là quy định về ghi nhãn hàng hóa hiện hành, kể cả nhãn phụ, nhãn gốc, các thông tin cụ thể cần phải đăng tải khi bán hàng, thông tin về người bán.
Hơn nữa, nên có sự tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT trong quản lý hoạt động TMĐT trên sàn, cũng như cần có quy định cụ thể về hoạt động TMĐT trên mạng xã hội và trách nhiệm tương ứng của đơn vị quản lý mạng xã hội.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần nắm rõ các vấn đề bán hàng xuyên biên giới và điều chỉnh các mô hình kinh doanh mới như mô hình kinh tế chia sẻ, trung gian cung cấp dịch vụ TMĐT.
Thế Vinh