Sau thông tin cảnh báo khẩn cấp của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về việc có vi khuẩn độc trong sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (huyện Đông Anh, Hà Nội), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đã cảnh báo về sản phẩm này.
Nỗi lo mua trúng thực phẩm độc
Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm “Pate Minh Chay” của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử. Độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe.
Đã có 1.290 khách hàng mua 1.559 hộp pate Minh Chay trong tháng 7 và 8/2020 bằng hình thức trực tuyến. |
Không những vậy, từ 13/7 - 18/8, ít nhất 9 bệnh nhân ngộ độc botulinum do dùng sản phẩm này phải vào viện điều trị, trong đó 7 người phải thở máy. Chính vì thế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm nêu trên.
Điểm đáng chú ý ở đây là qua xác minh của Ban quản lý An toàn thực phẩm Tp.HCM, đã có 1.290 khách hàng mua 1.559 hộp pate Minh Chay trong tháng 7 và 8/2020 bằng hình thức trực tuyến.
Có thể nói, bên cạnh mặt tích cực nhằm đáp ứng nhu cầu tiện lợi của người tiêu dùng, thì trường hợp này chính là một trong những bằng chứng về “mặt trái” của của xu hướng bán hàng thực phẩm online trước những kẽ hở về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Điều đó đòi hỏi khâu chính sách quản lý cần bịt kín những kẽ hở trong bối cảnh người tiêu dùng Việt có xu hướng lựa chọn mua sắm online các mặt hàng thực phẩm nhiều hơn trước. Khảo sát cho thấy, lượt người dùng thường xuyên đặt mua sản phẩm trên các trang thương mại điện tử (TMĐT) tăng gấp nhiều lần so với trước đây, đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19.
Đơn cử, theo đánh giá mới nhất từ Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, với các chuỗi thức ăn nhanh ở Việt Nam, 87% người được hỏi cho biết đã từng đặt thức ăn nhanh online. Và dịch Covid-19 làm gia tăng xu hướng mua thực phẩm trực tuyến, thay vì đến các điểm bán trực tiếp.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò người tiêu dùng Việt cũng cho thấy trở ngại chính cho việc mua sắm trực tuyến là do có sự lo ngại mua sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo (chiếm tỷ lệ đến 72%). Ngoài ra, một trong những lý do mà đến nay có khá nhiều người tiêu dùng chưa mua sắm trực tuyến là vì khó kiểm chứng được chất lượng sản phẩm (chiếm tỷ lệ 47%).
Dưới góc độ quản lý, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) từng đưa ra cảnh báo việc mua bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng TMĐT và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro.
Cụ thể, nhiều đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố.
Tiếp tục chờ phương án?
Đặc biệt là thành phần các chất không đúng theo tiêu chuẩn quy định, không nằm trong giới hạn cho phép; các sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép. Hoặc những thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm và thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm.
“Các hành vi vi phạm ngày cách tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát”, Cục TMĐT và Kinh tế số nhấn mạnh.
Gần đây, khi góp ý vào dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, liên quan đến chính sách về quản lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên môi trường điện tử, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu của chính sách này.
Theo đó, việc áp dụng các biện pháp để quản lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng, từ đó giúp phát triển TMĐT bền vững.
Dự thảo đề xuất 2 phương án nhằm ngăn chặn hành vi bán hàng hoá kém chất lượng trên môi trường TMĐT.
Phương án 1 là yêu cầu sàn TMĐT phải thu thập những thông tin về người bán (tên, địa chỉ; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc mã số thuế cá nhân; phương thức liên lạc) và công khai lên gian hàng của người bán.
Phương án 2 là chỉ quy định công khai thông tin với nhóm hàng hóa thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Tuy vậy, 2 phương án nêu trên vẫn còn gây ra khá nhiều tranh cãi. Đơn cử với phương án 1, VCCI cho rằng chưa phù hợp và làm khó cho các sàn TMĐT do việc công khai những thông tin như vậy (đặc biệt là số điện thoại hoặc địa chỉ) có thể khiến người bán và người mua “lách” các quy định của sàn, tự liên lạc để giao dịch với nhau, dẫn đến gây thiệt hại cho các sàn TMĐT.
Còn với phương án 2, VCCI lưu ý quy định như vậy không hợp lý do các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện áp đặt điều kiện cho chủ thể kinh doanh mà không phải cho bản thân hàng hóa, dịch vụ đang được trưng bày, giới thiệu. Và do đó, người tiêu dùng sẽ có thể vẫn thiếu thông tin khi xem xét mua hàng hóa, dịch vụ.
Rõ ràng, phía cơ quan quản lý đang muốn bịt các kẽ hở trong việc bán hàng kém chất lượng, độc hại trên kênh online, nhưng để bịt như thế nào cho phù hợp là vấn đề không đơn giản và chưa sớm trở thành hiện thực.
Thế Vinh