Thời gian gần đây, liên tiếp các sự cố xảy ra tại nhiều nhà máy thủy điện, gây thiệt hại về người và tài sản. Mới đây nhất, thủy điện Đăk Mi 4 đã xả lũ với lưu lượng trên 7.000 m3/giây, khiến hàng trăm hộ dân ở xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) bị trôi hết tài sản, nhà cửa.
Khó khăn trong công tác vận hành
Trước đó, sự cố sạt lở đất tại dự án thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) đã khiến hàng chục cán bộ, chiến sỹ và công nhân tử vong. Điều này đặt ra nghi ngại về tác động và sự cần thiết của các dự án thủy điện nhỏ.
Nhiều ý kiến băn khoăn về việc có nên đưa dự án thủy điện nhỏ vào Quy hoạch điện VIII hay không. |
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hiện Việt Nam có 429 nhà máy thủy điện đang vận hành, chiếm hơn 37% sản lượng điện sản xuất hàng năm. Tuy vậy, công tác vận hành của các nhà máy thủy điện vẫn là vấn đề đáng bàn, khi phụ thuộc rất nhiều vào dự báo khí tượng thủy văn.
Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, nhà máy thuỷ điện được điều hành bởi nhiều Luật: Luật Thủy lợi, Luật Bảo vệ tài nguyên nước, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều và Luật Điện lực. Tuy vậy, trong Luật Điện lực không đề cập gì đến thủy điện, đây là vướng mắc trong quá trình vận hành.
"Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị và trong buổi họp giải trình về tài nguyên nước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sửa Luật Điện lực. Ví dụ, các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà... về mùa lũ vận hành theo chỉ đạo của cơ quan phòng chống thiên tai. Đồng thời, về công tác dự báo, nếu có thông tin tốt, cập nhật tốt thì việc điều hành sẽ tốt", ông Quân nói.
Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết, trong quá trình vận hành các lưu vực chứa thì cho phép chứa một lượng nước nhất định. Ví dụ như trên sông Hương, hồ Tài Trạch có thể chứa đến cao độ 45 nhưng khi có lũ đến thì phải xả đến cao độ 38. Như vậy, xả bao nhiêu là một câu chuyện rất cần cân nhắc. Nếu xả nhiều quá mà lượng mưa thời gian tiếp theo quá ít thì sẽ không đủ nước, đặc biệt là vào cuối mùa mưa, hiệu quả cung cấp điện sẽ thấp đi.
Theo ông Thắng, kể ra như vậy để thấy đây là một câu chuyện rất lớn, để giải quyết được thì phải nâng cao năng lực dự báo. Ở các nước, tại các lưu vực sông lớn đều có một trung tâm vận hành, tập trung rất cao để dự báo và đạt được sự chính xác cao nhất.
"Họ dự báo có độ chính xác rất cao và cũng rất dài hạn. Nếu làm được điều này, Việt Nam sẽ rất chủ động, hiệu quả cung cấp điện, cấp thoát nước sẽ được tăng lên và các công tác bảo đảm an toàn cho vùng hạ du cũng sẽ được tăng lên", ông Thắng nói.
Kiểm soát kỹ phát triển thủy điện nhỏ
Trong khi vấn đề vận hành các nhà máy thủy điện còn vướng mắc, việc phát triển thêm các dự án thủy điện nhỏ đang được đặt ra. Theo Bộ Công Thương, từ sau năm 2000, khi các dự án nhiệt điện than, nhiệt điện khí và các dạng năng lượng khác được đưa vào vận hành thì thủy điện chiếm xấp xỉ 50% và đến hiện chiếm khoảng 40% cả về sản lượng điện cũng như công suất.
Tương lai đến năm 2025, Việt Nam chỉ phát triển những dự án thủy điện vừa và lớn, với tính chất là các dự án lớn đã làm, có hồ chứa. Việc mở rộng để phù hợp với nhu cầu của phụ tải điện hiện nay cũng như những dự án thủy điện nhỏ mà ảnh hưởng ít đến môi trường xã hội, đất, rừng thì có thể xem xét. Trong tương lai, thủy điện sẽ giảm xuống, đến năm 2030 còn khoảng trên 20%, đến năm 2045 còn khoảng 12% công suất hệ thống điện.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện nay một số địa phương, cụ thể là ở miền núi phía Bắc vẫn đề xuất phát triển thủy điện nhỏ.
Ông Quân khẳng định, trong thời gian vừa qua cũng như sắp tới, riêng về dự án thủy điện nhỏ, Bộ Công Thương sẽ kiểm soát rất kỹ, ngoài chuyên môn về phát điện, Bộ còn kiểm soát về vấn đề diện tích chiếm đất nói chung và đặc biệt là các diện tích chiếm đất lúa, đất rừng.
Theo đại diện Bộ Công Thương, trận lũ lụt ở miền Trung vừa qua là thiên tai, thảm họa rất lớn. Bộ cũng đã và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất một số giải pháp, yêu cầu của các địa phương để đánh giá lại với tình hình biến đổi khí hậu và tính mưa lũ cực đoan để có định hướng phát triển các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn các tỉnh trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Mai Sỹ Diến, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần làm rõ thủy điện có phải là nguyên nhân của lũ lụt không. Đồng thời, việc vận hành hồ đập thủy điện phải giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và ngành điện.
Hiện nay, do còn những vướng mắc trong điều hành, vận hành có mâu thuẫn, cho nên Bộ Công Thương đã trình quy định đối với liên hồ do Chính phủ quy định ban hành, còn đơn hồ do địa phương ban hành. Tuy việc quy định rất chặt chẽ, nhưng trong việc tổ chức thực hiện vận hành để bảo đảm đâu là lợi ích của nhà đầu tư, đâu là lợi ích của người dân và đâu là lợi ích của ngành điện thì vẫn phụ thuộc vào người điều hành.
"Tiếp đến, quan điểm của Bộ Công Thương là cần phải quy hoạch vùng sạt lở để có biện pháp phòng tránh thiệt hại người và của như vừa qua. Không đầu tư công trình thủy điện ảnh hưởng đến nguồn rừng tự nhiên. Còn liên quan đến rừng trồng thì tùy dự án cụ thể để xem xét", ông Diến lưu ý.
Ông Phan Thái Bình Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Các cơ quan chức năng cần có rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động, mức độ an toàn của hệ thống hồ chứa, hồ thủy điện. Sau đó, thông tin rộng rãi để người dân hiểu rõ, chứ hiện nay, nhân dân đang rất bất an vì nhiều thông tin trái chiều gây hoang mang dư luận. Ông Trần Tuấn Anh Bộ trưởng Bộ Công Thương Trong Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương sẽ cập nhật và quy định rất rõ, cho dù bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không bao giờ cho phép triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, những yêu cầu khi đánh giá tác động môi trường của các dự án về năng lượng nói chung, thủy điện nói riêng sẽ được nâng cấp và được tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bài bản hơn nữa. Ông Trần Hồng Hà Bộ trưởng Bộ TN&MT Trên cơ sở Quốc hội thảo luận và sự tham mưu của các bộ ngành, hiện đã có trên 400 dự án thủy điện nhỏ được đưa ra khỏi quy hoạch. Quan điểm của Bộ TN&MT là không nên tiếp tục phát triển thủy điện nhỏ, còn khi phát triển các loại thủy điện thì cần chú ý phương án công nghệ để hài hòa môi trường. |
Lê Thúy