Ngành điều vừa vượt qua chu kỳ khủng hoảng kéo dài với ảnh hưởng khá nặng nề (từ năm 2017 đến đầu năm 2019), xuất khẩu đã khởi sắc về cuối năm 2019. Thế nhưng, thời điểm này, diễn biến của dịch Covid-19 khiến ngành điều lại bước vào giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Giá điều xuất khẩu giảm 14,2%
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tháng 2/2020, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 21 nghìn tấn, thu về 149 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu điều nhân đạt 46 nghìn tấn và 322 triệu USD, giảm 3,9% về khối lượng và giảm 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Chế biến xuất khẩu hạt điều đối mặt với giai đoạn nhiều rủi ro do dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: Internet) |
Giá trị xuất khẩu điều giảm ở hầu hết các thị trường ngoại trừ Nhật Bản tăng 15,8% và thị trường Pháp tăng 14,2%. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm giảm 14,1% so với cùng kỳ.
Trong thị phần xuất khẩu điều nhân của các doanh nghiệp Việt Nam, Mỹ chiếm gần 30%, khối EU và các nước khác chiếm gần 56%. Nếu phân tích thị trường theo quốc gia đơn lẻ, trong 2 tháng đầu năm, Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 31%, 12% và 10,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.
Năm ngoái, Trung Quốc tăng mua nhân điều từ Việt Nam để bù đắp cho các loại hạt khác nhập từ Mỹ do ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Thế nhưng sang đầu năm nay, do dịch Covid-19 khiến xuất khẩu điều sang thị trường Trung Quốc bị đình trệ, tình trạng tồn kho của các doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường này ở mức cao, đặc biệt đối với điều rang muối.
Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều, mà ngay cả người trồng điều cũng đang chung cảnh vì giá hạt điều giảm mạnh.
Trong tháng 2/2020, giá điều khô mua xô tại Đắc Lắc từ 33.500 đồng/kg vào đầu tháng giảm xuống 33.300 đồng/kg. Tại Bình Phước, giá hạt điều nguyên liệu chỉ còn 27.000 – 29.000 đồng/kg trong khi mức giá trước Tết Nguyên đán đạt xấp xỉ 34.000 đồng/kg. Đến thời điểm giữa tháng 3/2020, giá điều thô trong nước tiếp tục giảm khoảng 6.000 đồng/kg so với cuối tháng 2.
Tuy tỷ trọng xuất khẩu điều nhân sang Trung Quốc chỉ chiếm hơn 10%, nhưng từ lâu Trung Quốc lại có vai trò không nhỏ trong việc tác động qua lại về giá với các thị trường khác. Thực tế cho thấy, một khi sức tiêu thụ điều nhân ở thị trường Trung Quốc suy yếu thì những thị trường còn lại sẽ là dịp để nhà nhập khẩu “đè” giá điều nhân xuống.
Trong nhóm sản phẩm quả hạch, người dân Trung Quốc tiêu thụ lượng hạt hạnh nhân cao hơn rất nhiều so với nhân điều. Do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lượng hạt hạnh nhân nhập khẩu vào Trung Quốc giảm mạnh, khiến cho giá hạnh nhân thị trường thế giới giảm xuống. Theo hiệu ứng thường thấy, khi giá rẻ, bộ phận người tiêu dùng trên thế giới chuyển sang dùng hạt hạnh nhân làm cho khả năng tiêu thụ điều nhân bị tác động dây chuyền.
Ngay cả sau khi dịch Covid-19 qua đi, cuộc sống của người dân Trung Quốc sẽ còn khó khăn một thời gian mới có thể trở lại nếp cũ, do vậy, lượng hàng cần nhập sẽ giảm so với những năm trước - khi mà hạt điều không phải là thực phẩm chính yếu trong bữa ăn. Đó là lý do Vinacas dự báo sản lượng điều nhân xuất đi Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong năm 2020. Hiện nay, giá điều nhân đang có những điều chỉnh theo hướng tiêu cực, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhạy bén trước những biến động thị trường
Suốt nhiều năm nay, lượng điều thô thu hoạch từ trồng trong nước chỉ đáp ứng dưới 50% cho nhu cầu chế biến, vì vậy ngành điều hàng năm phải nhập khối lượng nguyên liệu điều thô rất lớn.
Khối lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 2/2020 ước đạt 52 nghìn tấn với giá trị đạt 85 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu hạt điều 2 tháng đầu năm 2020 đạt 103 nghìn tấn và 169 triệu USD, giảm 22,4% về khối lượng và giảm 27,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Nguồn cung điều chính cho nhập khẩu là Tanzania, Indonesia, Bờ Biển Ngà, Nigieria và Campuchia. Trong bối cảnh rối loạn hiện nay, nhiều khả năng các nhà nhập khẩu phương Tây giảm đơn đặt hàng để có được mức giá thấp hơn. Do vậy, việc thương thảo hợp đồng nhập khẩu hạt điều thô Tây Phi đầu tiên cũng sẽ đầy cam go. Và càng rủi ro hơn với những hợp đồng đã ký mua điều nguyên liệu, nếu doanh nghiệp muốn đàm phán lại về giá hoặc giảm lượng mua sẽ rất khó.
Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Vinacas nhận định, năm 2019 đã khép lại với sự hồi phục mạnh mẽ của toàn ngành sau “cơn bão lớn” 2017 – 2018, ngành điều Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm 2020.
Thế nhưng, dự báo trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu điều gặp khó khăn do diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung, Mỹ - Ấn Độ, lại thêm dịch Covid-19. Nếu tình hình dịch diễn diễn biến phức tạp, thị trường Trung Quốc giảm tiêu thụ sẽ gây áp lực giảm giá điều nhân.
Vì vậy, Vinacas khuyến cáo, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều cần cân nhắc thận trọng việc ký hợp đồng mua điều thô nếu chưa có hợp đồng đầu ra hay chưa cân đối được giá bán và chi phí. Doanh nghiệp ngành điều cần phải nhạy bén, điều chỉnh để có kế hoạch năm 2020 phù hợp và sát thực tế.
Các doanh nghiệp cần phân tích thông tin từ nhiều nguồn, qua đó đánh giá tình hình thị trường và các tác động khác, đặc biệt là tác động của Covid-19 và khả năng thực tế của doanh nghiệp trước khi quyết định ký hợp đồng mua điều thô, bán điều nhân, kể cả việc có nên dự trữ nguyên liệu hay thành phẩm trong kho hay không, để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu chưa cân đối được giữa chi phí với giá xuất, hay chưa có hợp đồng đầu ra thì không vội mua điều thô.
Chủ tịch Vinacas cho hay, năm 2020, Vinacas sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương “giảm lượng, tăng chất” nhằm nâng cao chất lượng hạt điều nhân và hiệu quả chế biến. Ngành điều sẽ thực hiện các hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy cải tiến máy móc, thiết bị để nâng cao năng lực và hiệu quả chế biến, trong đó có chế biến chuyên sâu; tiếp tục hợp tác với hiệp hội điều các quốc gia có lượng hạt điều lớn như Ấn Độ, Bờ Biển Ngà... về sản xuất, kinh doanh hạt điều chế biến và hạt điều thô.
Chu Khôi