Nhiều ý kiến tỏ ra khá thận trọng trước thông tin từ báo chí nước ngoài cho biết các doanh nghiệp (DN) của Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu (XK) 70.000 tấn gạo 100% tấm sang Việt Nam với giá FOB (phương thức giao hàng lên tàu) khoảng 310 USD/tấn, các lô hàng được giao vào tháng 1 và 2/2021.
Thiếu hụt nguồn cung gạo giá rẻ?
Giá nhập khẩu (NK) được cho là khá rẻ, với gạo chất lượng thấp dùng để chế biến (làm bột gạo, bánh, bún, phở, cơm tấm...) và làm thức ăn chăn nuôi, trong bối cảnh giá XK gạo bình quân cả năm 2020 của Việt Nam ước đạt 499 USD/tấn (tăng 13,3% so với năm 2019).
Lần đầu tiên, gạo tấm giá rẻ của Ấn Độ sẽ nhập khẩu vào Việt Nam để phục vụ cho chế biến và làm thức ăn chăn nuôi |
Đây là mức giá XK bình quân năm cao nhất trong những năm vừa qua, mang lại lợi ích to lớn cho người dân trồng lúa.
Một câu hỏi đặt ra: Vì sao Việt Nam là quốc gia XK gạo hàng đầu thế giới nhưng lại NK gạo giá rẻ của Ấn Độ?
Theo Bộ Công Thương, cơ cấu gạo XK của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.
Một số DN trong ngành hàng lúa gạo cho rằng, là do gạo trong nước dùng để chế biến bị thiếu hụt lớn vì thời gian qua nông dân chuyển đổi từ giống lúa gạo chất lượng thấp (như IR 50404) sang trồng lúa gạo chất lượng cao, gạo thơm, nếp có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nhu cầu cho gạo giá rẻ để chế biến bột gạo, làm thức ăn chăn nuôi thì vẫn còn khá lớn. Trong khi đó, trong nước lại xảy ra tình trạng thiếu hụt, không đủ để cung ứng nguồn nguyên liệu này. Đây là lý do dẫn đến việc một số DN Việt Nam đã liên lạc với các đầu mối ở Ấn Độ để NK gạo phục vụ cho các hoạt động chế biến.
Có thể nói, đây là một trong những vấn đề bất cập của ngành nông sản Việt và kể cả ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, khi mà nguồn nguyên liệu nông sản NK vẫn đang chi phối.
Ngành chế biến thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam được đáng giá là đang có sự mở rộng đầu tư mạnh mẽ của các DN với hiện tại có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Điểm đáng chú ý là khối ngoại chỉ chiếm 32% tổng số nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam nhưng lại chiếm đến 65% thị phần tiêu thụ ở trong nước.
Đó cũng là một phần lý do mà nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi của khối ngoại phần lớn là NK thay vì tận dụng nguồn nguyên liệu nông sản nội địa - vốn chưa có đủ khả năng đáp ứng về sản lượng, chất lượng, tiêu chuẩn, giá cả...
Và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được xem là nhóm hàng có kim ngạch NK lớn nhất trong các mặt hàng nông nghiệp. Việc NK nguyên liệu gạo 100% tấm giá rẻ của Ấn Độ có bước theo lộ trình này hay không vẫn còn là câu hỏi chờ thời gian trả lời.
Nghịch lý ở ngành thức ăn chăn nuôi
Do vậy, nhiều ý kiến lưu ý là ngành lúa gạo trong nước cần được thông tin rõ ràng các vấn đề NK gạo giá rẻ của Ấn Độ để tránh những đồn đoán gây ảnh hưởng đến thị trường gạo của Việt Nam.
Ngoài chuyện NK nêu trên, những thông tin mới đây cho thấy tình trạng gà loại thải từ Trung Quốc, Thái Lan vào Việt Nam bán với giá 10.000-20.000 đồng/con.
Điều này được cho là tác động tiêu cực tới thị trường chăn nuôi trong nước, khi mà thức ăn chăn nuôi đang chiếm đến hơn 70% chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, câu chuyện gà loại thải của Trung Quốc không phải bây giờ mới xuất hiện mà là từ hàng chục năm nay. Điều này đặt trong bối cảnh ngành chăn nuôi gia cầm đang tăng đàn ồ ạt, sản phẩm gia cầm NK giá rẻ về nhiều làm cho giá gia cầm trong nước giảm mạnh.
Nên lưu ý thêm là thịt của loại gà thải loại NK giá rẻ, ngoài bán ra thị trường cho những người tiêu dùng bình dân còn được các DN nhập về để phục vụ cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Một số chủ trang trại gà ở Đồng Nai cho biết, việc NK gà thải loại giá "rẻ như cho" chính là khổ người chăn nuôi trong nước, bởi khiến cho mặt bằng giá bán trong nước bị kéo xuống, người nuôi gia cầm bán giá thấp thì lỗ, bán giá cao thì không ai mua.
Trong khi đó, do phụ thuộc nguyên liệu NK khiến cho giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục biến động, rõ ràng đã ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của ngành chăn nuôi.
Thậm chí nhiều năm trước, kim ngạch NK nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được ghi nhận còn cao hơn giá trị XK gạo.
Do vậy, nhìn từ câu chuyện NK gạo 100% tấm của Ấn Độ cho đến việc NK gà thải loại với giá bán 10.000-20.000 đồng/con dù chỉ để làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, cũng đặt ra thách thức lớn đối với ngành sản xuất nông sản trong nước.
Đặc biệt là cần tránh lệch pha NK nguyên liệu nông sản. Chẳng hạn, trước đây trong số các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, Việt Nam mới chủ động được cám gạo, còn các nguyên liệu khác phần lớn phụ thuộc NK. Hiện tại, việc NK gạo tấm Ấn Độ về để làm thức ăn chăn nuôi như “xát thêm muối” vào những nghịch lý của ngành chế biến thức ăn chăn nuôi.
Thế Vinh