Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 diễn ra sáng 3/10 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số sẽ thúc đẩy 'Make in Vietnam' |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Nghị quyết 52 (Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0) của Bộ Chính trị đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam. Tinh thần của Nghị quyết là đặt mục tiêu cao, nhất là mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP, để từ đó phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, giải pháp phải đột phá, Việt Nam sẽ bứt phá vượt lên.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng chuyển đổi số đã diễn ra nhiều năm qua. Nhưng chỉ khi xuất hiện các công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì chuyển đổi số mới thực sự tăng tốc. Chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số và xã hội số, và chỉ khi đó mới là môi trường tốt nhất cho đổi mới sáng tạo.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng cho rằng nếu có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi chúng ta có Đảng lãnh đạo, có thể ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung. Nghị quyết 52 là một ví dụ như vậy.
Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chúng ta có thể làm được vì văn hoá người Việt Nam là thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới. Và Việt Nam luôn là nước mạnh nhất thế giới trong các cuộc cách mạng toàn dân.
Vậy ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này? Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đó chính là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, là các doanh nghiệp ICT Việt Nam. Chúng ta phải cần đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Và cũng chính chuyển đổi số sẽ thúc đẩy 'Make in Vietnam' và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, và từ đây đi ra toàn cầu.
Năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, sẽ được đầu tư trước, sẽ đi trước, sẽ phải có thứ hạng cao trên thế giới, phải nằm trong top 50 vào năm 2025 và top 30 vào năm 2030. Chúng ta nhấn mạnh 5 yếu tố nền tảng là: thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, platform và đào tạo.
Đáng chú ý, Bộ trưởng TT&TT nhấn mạnh chuyển đổi số quốc gia bao gồm chuyển đổi số chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội. Muốn đi nhanh thì chính phủ phải đi đầu. Nghị quyết 52 đã yêu cầu Chính phủ phải đi tiên phong trong chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định các nước như Việt Nam có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự: "Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận. Với tinh thần và quyết tâm của Nghị quyết 52, là Đảng đi trước làng nước theo sau, thì chúng ta tin tưởng rằng công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ giúp Việt Nam vượt lên".
Nhật Linh