Chuyến thăm kéo dài 4 ngày (22 - 25/11/2021) của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tạo niềm tin lớn cho các “đại bàng” FDI đến từ đất nước Mặt trời mọc, đặc biệt ở các lĩnh vực định hướng ưu tiên của Việt Nam như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch và phòng chống dịch.
Đón đầu cơ hội sau đại dịch
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu đã và đang có ý định đầu tư vào Việt Nam như ENEOS, AEON, Fast Retailing (sở hữu Uniqlo), Hitachi, Marubeni…
Khẳng định Việt Nam đang bắt đầu bước vào giai đoạn thích ứng an toàn trong phòng chống dịch, nỗ lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng kêu gọi sự hợp tác toàn diện giữa doanh nghiệp hai nước. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và bình đẳng cho các nhà đầu tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị nếu gặp các khó khăn, vướng mắc, các doanh nghiệp có thể trực tiếp liên hệ với các Bộ trưởng để xem xét giải quyết. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Chuyến công du của Thủ tướng hứa hẹn sẽ tạo hiệu ứng thu hút các nhà đầu tư hàng đầu từ Nhật Bản (Ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Ở chiều ngược lại, đại diện các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản cũng đánh giá rất tích cực về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, những tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với Thủ tướng cũng giúp các doanh nghiệp có thêm niềm tin trong quá trình đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam sau đại dịch.
Điển hình là ENEOS - một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất Nhật Bản về lọc dầu và kinh doanh dầu nguyên liệu, chiếm đến 50% sản lượng tại Nhật Bản và là nhà sản xuất dầu nhớt có quy mô hàng đầu thế giới, với tổng doanh thu hằng năm đạt khoảng 70 tỷ USD.
Gặp Thủ tướng, ông Tsutomu Sugimori - Chủ tịch ENEOS, cho hay Tập đoàn bắt đầu có mặt tại Việt Nam từ năm 1990. 5 năm trước, ENEOS đã trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và đang mở rộng chuỗi cung ứng, mạng lưới cửa hàng xăng dầu, hợp tác phát triển năng lượng mới…
Ông Sugimori cũng bày tỏ sự quan tâm về định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và mong muốn tham gia quá trình giảm thải khí carbon, khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư trên nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển năng lượng tái tạo.
Thực tế cho thấy, năng lượng tái tạo là lĩnh vực được định hướng ưu tiên của Việt Nam và đang thu hút nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới tham gia đầu tư. Minh chứng là trong năm 2021 đã có hàng loạt doanh nghiệp lớn từ châu Âu quyết định rót tiền vào Việt Nam thông qua các dự án trị giá hàng chục tỷ USD.
Trao đổi với đại diện Tập đoàn ENEOS, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang xây dựng Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) với định hướng đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Trong đó, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch.
Thủ tướng hoan nghênh ENEOS nghiên cứu và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng và thực hiện lộ trình giảm thải khí carbon trong thời gian tới.
Đây cũng là quan điểm của Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khi tiếp đại diện của Tập đoàn Sojitz. Thủ tướng khuyến khích Sojitz đầu tư trồng rừng, chế biến gỗ cũng như triển khai các dự án năng lượng tái tạo phù hợp với Quy hoạch Điện 8 đang được xây dựng, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Thành lập tháng 8/2004, Sojitz là một công ty thương mại tổng hợp có trụ sở tại Tokyo. Các lĩnh vực mà Sojitz đang hoạt động là ô tô, năng lượng, tài nguyên khoáng sản, hóa chất, nguồn thực phẩm, nông lâm nghiệp, hàng tiêu dùng và khu công nghiệp. Ngoài ra, Sojitz còn đầu tư vào lĩnh vực tài chính.
Hiện thực hóa các cam kết
Ông Masayoshi Fujimoto - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sojitz cho hay, doanh nghiệp này hiện có 17 công ty liên doanh tại Việt Nam, với doanh thu khoảng 1 tỷ USD, hoạt động trong lĩnh vực thiết bị, năng lượng, hóa chất, tiêu dùng, điện, phân bón, đầu tư phát triển rừng và chế biến gỗ...
Nhật Bản nằm trong top đầu các nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, với khoảng 4.800 dự án, tổng giá trị hơn 65 tỷ USD. Trong khi đó, thương mại hai chiều đạt khoảng 40 tỷ USD.
“Tập đoàn rất quan tâm tới các dự án liên quan đến giải pháp giảm thiểu carbon tại Việt Nam”, ông Fujimoto khẳng định.
Không chỉ có các lĩnh vực được định hướng ưu tiên như năng lượng tái tạo, chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tạo hiệu ứng mạnh với nhiều doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong các lĩnh vực khác. Điển hình như lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng, với sự có mặt của AEON.
AEON bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2014 và tính đến nay đã đầu tư 1,18 tỷ USD. Tập đoàn đang triển khai kế hoạch trung và dài hạn tại Việt Nam, dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề, AEON có thể mở rộng hệ thống kinh doanh đồng thời với việc thu mua các loại hàng hóa tại nhiều địa phương khắp Bắc, Trung, Nam như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long…
Đáng chú ý, tại cuộc gặp mặt với Thủ tướng, đại diện AEON thông tin về dự kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam như thủy sản, hàng may mặc… sang Nhật Bản. Tập đoàn cũng quan tâm tới các hoạt động chuyển đổi số.
Cũng ở lĩnh vực bán lẻ, trong cuộc gặp với Thủ tướng, lãnh đạo Tập đoàn Fast Retailing – đơn vị sở hữu nhãn hiệu thời trang Uniqlo, doanh thu năm 2020 đạt khoảng 20 tỷ USD, đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được cải thiện của Việt Nam.
Bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2018, Uniqlo hiện là đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường Việt Nam và thế giới, qua đó đưa Việt Nam thành cơ sở sản xuất lớn thứ 2 của Tập đoàn.
Một lĩnh vực khác cũng thu hút chú ý trong chuyến công du của Thủ tướng là hạ tầng giao thông. Tập đoàn Hitachi - một tên tuổi “vừa lạ, vừa quen” với người tiêu dùng Việt Nam, đã bày tỏ mong muốn đặc biệt được đầu tư vào lĩnh vực đường sắt (bên cạnh các lĩnh vực môi trường, y tế, tiêu dùng).
Hitachi là tập đoàn nằm trong top 23 công ty lớn nhất thế giới do Global Fortune 500 bình chọn, với 300.000 nhân viên và doanh thu gần 84 tỷ USD. Trước đây, Hitachi chỉ được biết đến như là một thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực điện tử, nhưng hiện doanh nghiệp 111 năm tuổi này đang hướng đến những ngành mũi nhọn mới, trong đó có lĩnh vực hệ thống đường sắt và đô thị.
Trả lời ông Higashihara Toshiaki - Chủ tịch Tập đoàn Hitachi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang cần phát triển trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, nên “đồng ý về mặt chủ trương”.
Trước mắt đề nghị Hitachi nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt đoạn TP HCM – Cần Thơ, sau đó rút kinh nghiệm mở rộng ra các tuyến khác. "Việc đầu tư có thể theo hình thức đối tác công tư (PPP), mong các bên bắt tay ngay vào công việc", Thủ tướng nói.
Có thể thấy, chuyến thăm chính thức của Thủ trướng Phạm Minh Chính đang tạo hiệu ứng rất tích cực tới các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu tại Nhật Bản. Các chuyên gia kỳ vọng sau chuyến công du, các ý tưởng đầu tư sẽ được hiện thực hóa để mang lại hiệu quả thực chất, tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam hàn gắn vết thương, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
Mỹ Chí