Ngày 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia đầu tiên giữa Việt Nam và WEF bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF. |
Tham dự Đối thoại có Chủ tịch WEF Borge Brende, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam và gần 70 tập đoàn hàng đầu ở khu vực và toàn cầu. Đây là những tập đoàn đã đầu tư rất lớn vào Việt Nam, cũng như các tập đoàn đang quan tâm và mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Những lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn này phù hợp với các ưu tiên chiến lược của Việt Nam, như công nghệ, chuyển đổi số, các giải pháp thông minh, y tế và năng lượng tái tạo.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam và cá nhân Thủ tướng đã làm việc không mệt mỏi để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân Việt Nam”.
Giáo sư Klaus Schwab bày tỏ hết sức vui mừng khi thấy rằng Việt Nam đã triển khai nhanh chóng và quyết liệt chiến lược tiêm chủng. Ông Klaus Schwab khẳng định, tín hiệu tích cực này cho thấy những khó khăn do đại dịch gây ra sẽ có thể vượt qua, Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước trên con đường trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực.
Kinh tế – xã hội đã phục hồi và khởi sắc
Ngay sau phát biểu khai mạc của Giáo sư Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng với thông điệp chính sách đối với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, để thể hiện các quyết tâm, cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, cũng như trong kế hoạch dài hạn nhằm thúc đẩy cải cách, chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là thời điểm thử thách bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng của cả chính phủ và doanh nghiệp; đây cũng là thời điểm chính phủ và doanh nghiệp cần tăng cường quan hệ đối tác công-tư để cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Với quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với 5 năm trước, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN và thứ 37 toàn cầu. Chỉ riêng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nhu cầu đầu tư của Việt Nam từ nay đến 2030 là rất lớn, dự kiến khoảng 30 tỷ USD/năm. Theo Người đứng đầu Chính phủ, tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam đã phục hồi trở lại và có nét khởi sắc trong tháng 10 do đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và từng bước mở cửa nền kinh tế. Tính chung 10 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký mới tăng 11,6% và vốn thực hiện đạt trên 15 tỷ USD; xuất khẩu tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020. So với tháng 9, số doanh nghiệp thành lập mới tháng 10 tăng 111%, vốn đăng ký tăng 74%. Đặc biệt, tổng cầu phục hồi mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 18%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng chỉ tăng 1,81%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam vẫn là nổi trội, ổn định và vững chắc. |
Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ cảm động khi nhận được sự chia sẻ, tin tưởng và cam kết đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp; cảm ơn sự chung tay, đồng lòng, hỗ trợ của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, trong nỗ lực phòng chống dịch và phục hồi kinh tế – xã hội của Việt Nam vừa qua.
Đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ với cộng đồng kinh doanh toàn cầu về kế hoạch tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn trước mắt của Việt Nam, Thủ tuớng Phạm Minh Chính cho biết, kế hoạch bao gồm: Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; các chương trình về bảo đảm an sinh xã hội và tạo việc làm; phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trên cơ sở các định hướng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư phối hợp thực hiện chủ trương phục hồi sản xuất an toàn tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất để đảm bảo đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng; đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên và có nhiều ưu đãi đặc biệt như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp thông minh; bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ cũng kỳ vọng các doanh nghiệp FDI tăng cường hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo và đóng góp đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
T.A