Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch hơn 161.000ha trong tổng diện tích xuống giống 187.505ha của vụ lúa Hè Thu 2021, còn gần 26.505ha đang bước vào thu hoạch. Giá lúa hiện đang giảm khoảng 300 - 900 đồng/kg so với lúa sớm (cách đây hơn một tháng).
Loay hoay giải quyết đầu ra
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phải thực hiện giãn cách xã hội, nên các doanh nghiệp (DN) thu mua lúa gạo ở Đồng Tháp gặp rất nhiều khó khăn. Nông dân cũng đang chấp nhận thua lỗ, bán lúa với giá thấp để giải quyết nỗi lo ứ đọng.
Trong tháng 8 và tháng 9 ở ĐBSCL còn khoảng 900.000ha lúa phải thu hoạch, là thời điểm có sản lượng lúa hàng hóa cao nhất trong vụ lúa Hè Thu năm nay. |
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, nông dân trồng lúa tại huyện Tam Nông cho biết, trước khi thu hoạch một tuần, thương lái đến bỏ cọc giá 6.300 đồng/kg, nhưng nay giá lúa giảm, thương lái yêu cầu bớt xuống 5.900 đồng/kg, mỗi kg mất 400 đồng nhưng cũng phải chấp nhận bán khi mà nhiều nhà máy sấy đóng cửa, không có nhân công phơi.
Để giải quyết bài toán đầu ra cho lúa gạo ở Đồng Tháp giữa dịch bệnh, các DN thu mua lúa gạo đề xuất duy trì chuỗi cung ứng lúa gạo từ đồng ruộng tới khách hàng thông qua việc tiêm chủng vắc xin cho lao động của các DN. Còn như hiện tại, các DN đang gặp khó khi áp dụng “3 tại chỗ” vì phát sinh thêm nhiều chi phí, công lao động tăng, vận chuyển hàng hóa khó khăn.
Những khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo của Đồng Tháp cũng là tình trạng chung của các địa phương khác ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi mà chuỗi cung lúa gạo trong vụ lúa Hè Thu 2021 đang bị đứt gãy giữa dịch bệnh.
Trong tháng 8 và tháng 9, ở ĐBSCL còn khoảng 900.000ha lúa phải thu hoạch, là thời điểm có sản lượng lúa hàng hóa cao nhất trong vụ lúa Hè thu năm nay.
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để giải bài toán tiêu thụ lúa gạo cũng nên tham khảo về cách thức bảo đảm đầu ra ở một số HTX lúa gạo trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, điển như HTX Bình Thạnh C, ở thị xã Long Mỹ (Hậu Giang).
Với diện tích sản xuất lúa 295ha, nên khi vào vụ, HTX Bình Thạnh C phải mất nhiều thời gian và cần nhiều nhân công. Để đảm bảo an toàn giãn cách xã hội, cách ly giữa mùa dịch Covid-19 đợt 4, HTX đã chủ động trước nhiều bước để thu hoạch hết diện tích lúa cho thành viên. Lúa của thành viên HTX đa số được CTCP Tập đoàn Lộc Trời thu mua nên giá cả cũng khá ổn.
Mặc dù vậy, khâu cắt, chuyên chở của HTX lại gặp khó vì nhà máy của phía DN thu mua ở tận tỉnh Bạc Liêu, mà đường thủy cũng bị chặn lại. Do đó, HTX đã sớm liên hệ DN để có bước chủ động chuẩn bị nhân lực phải được test Covid-19 trước khi di chuyển đến địa bàn thị xã Long Mỹ, cũng như phải chuẩn bị máy cắt trước vài tuần.
Khúc mắc trong liên kết chuỗi
“Nhờ vậy, chỉ trong thời gian khoảng một tuần, diện tích lúa được thu hoạch xong. Đến ngày 10/8, khu vực Thạnh Hiếu là đơn vị cuối cùng hoàn tất khâu thu hoạch, với năng suất khoảng 600kg/1.000m2”, ông Trần Văn Ghi, Giám đốc HTX chia sẻ.
Hoặc như HTX nông nghiệp Hương Trang ở huyện Mộc Hóa (Long An) trong vụ Hè Thu 2021 đã liên kết với Công ty Vua lúa gạo và CTCP Tập đoàn Lộc Trời thực hiện gieo sạ hơn 1.700ha.
Đến trung tuần tháng 8/2021, giữa tác động của dịch Covid-19, HTX đã thu hoạch khoảng 60% diện tích, tất cả sản lượng thu hoạch đều được 2 DN liên kết thu mua với mức giá 6.200 đồng/kg, trong khi mức giá thị trường hiện chỉ khoảng 5.700 đồng/kg.
Bà Lê Thị Mười, thành viên HTX Hương Trang cho biết, gia đình có 1,6ha lúa, khi chưa tham gia HTX thì chủ yếu sản xuất theo kiểu truyền thống nhỏ lẻ, hay bị thương lái ép giá. Còn từ khi tham gia vào HTX, gia đình không lo đầu ra vì được HTX bao tiêu, giá cả lại ổn định, bán lúa giá cao hơn từ 300-500 đồng/kg so với giá thị trường.
Điều đó cho thấy, dịch Covid-19 dù đang tác động gây “đứt gãy” một phần chuỗi cung ứng lúa gạo, nhưng nếu có những mắt xích được liên kết chặt chẽ và chủ động từ nông dân, HTX cho đến DN thì việc giải quyết bài toán tiêu thụ, cũng như giá cả thu mua lúa gạo của nông dân sẽ vẫn được trơn tru.
Tuy vậy, cần phải nhìn nhận một thực tế là nông dân trồng lúa ở ĐBSCL vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thương lái hơn là tham gia vào các chuỗi giá trị trong ngành hàng này. Và nếu không liên kết thì những nông dân trồng lúa vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất và nghèo nhất.
Theo giới chuyên gia, không chỉ dịch Covid-19 đợt 4 diễn biến phức tạp góp phần làm tình hình tiêu thụ thêm khó khăn, mà cần phải thấy mối liên kết cung cầu của chuỗi giá trị lúa gạo vẫn chưa thật sự vững chắc nên mới dễ “đứt gãy”.
Cho nên, để ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL không rơi vào điệp khúc “giải cứu”, cần giải quyết được khúc mắc ở liên kết chuỗi. Muốn làm được điều này đòi hỏi các thành phần trong chuỗi giá trị lúa gạo gồm nông dân, thương lái, hàng xáo, nhà máy xay chà đánh bóng và các DN xuất khẩu gạo cần liên kết chặt chẽ hơn và hỗ trợ lẫn nhau một cách có hiệu quả, cùng có lợi.
Đặc biệt, các nông dân trồng lúa cần tham gia vào các hình thức hợp tác trên cơ sở liên kết sản xuất với tiêu thụ. Chuỗi giá trị lúa gạo chỉ thực sự vững chắc nếu như nông dân trồng lúa thể hiện được vai trò của chính mình trong liên kết chuỗi.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |