Đó là những băn khoăn về Dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam (dự thảo Thông tư hàng “made in Vietnam”) đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.
Tại sao phải là 30%?
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, cho biết hiện có nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam mang tính quốc gia, có chất lượng, thương hiệu và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Điều này cũng làm nảy sinh tình trạng hàng ngoại “đội lốt” hàng Việt Nam. Do đó, dự thảo Thông tư mới không chỉ là việc dán nhãn “made in Vietnam”, mà quan trọng hơn là xác định thế nào là hàng hóa Việt Nam.
Tại dự thảo mới nhất, Bộ Công Thương vẫn giữ quy định hàng hóa được dán nhãn “made in Vietnam” khi có trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó.
Thế nhưng, 30% lại là con số khiến nhiều doanh nghiệp (DN) “mông lung”. Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, băn khoăn nguyên liệu sữa bột cho trẻ em được nhập khẩu về nhưng công thức để tạo ra dòng sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với trẻ em Việt Nam thì phải thuê nhà nghiên cứu. Như vậy, hàm lượng chất xám cao nhưng hàm lượng nguyên liệu đầu vào có thể không đạt 30% mà chỉ đạt 10 - 20%. Vậy, DN phải ghi xuất xứ thế nào, nếu ghi xuất xứ New Zealand hay xuất xứ Mỹ có bị coi là gian lận không?
Ông Trung cũng đặt vấn đề về trường hợp DN Việt Nam đầu tư trang trại nuôi bò sữa ở Lào, Campuchia, hệ thống quản lý, nhân lực đều là người Việt Nam nhưng sử dụng đồng cỏ của quốc gia khác và chỉ mất khoảng vài giờ xe chạy để đưa sữa về Việt Nam thì sữa tươi đó ghi xuất xứ thế nào?
Trong khi đó, đại diện Bộ KH&ĐT đặt câu hỏi: Tại sao Bộ Công Thương lại đưa ra con số 30% mà không phải là 40% hay cao hơn, quy định trên có phù hợp với quốc tế hay không?
Trả lời những thắc mắc về xuất xứ sản phẩm sữa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết với sản phẩm sữa, quy tắc xuất xứ dựa theo trường hợp xuất xứ thuần túy, đó là chỉ khi nào sữa tươi, sữa bột sản xuất thu được trên lãnh thổ Việt Nam thì mới được coi là hàng hóa Việt Nam. Còn nếu nhập khẩu nguyên liệu về và giá trị gia tăng không vượt 30% thì tốt nhất là ghi xuất xứ theo Nghị định 43. Nếu như sau này được mở rộng ra có thể ghi “chế biến tại Việt Nam”.
Về vấn đề hàm lượng chất xám, ông Khánh cho hay với việc đăng ký bản quyền, chủ sở hữu trí tuệ có thể tính xem giá trị của hàm lượng chất xám trong công thức phối trộn ra sản phẩm.
Về quy định con số 30%, đại diện Bộ Công Thương cho biết 100% hàng xuất khẩu (XK) đã có quy định như thế nào được coi là sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam. Vì vậy, dự thảo Thông tư hàng “made in Vietnam” là cho hàng sản xuất trong nước lưu thông nội địa, được xem là “bánh răng” còn thiếu. Quan điểm là “bánh răng” này phải khớp với các “bánh răng” còn lại, tránh tình trạng mâu thuẫn.
“Khi hàng Việt XK ra thế giới theo đúng quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư 05/2018 của Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa và kê khai xuất xứ đối với hàng hóa XK, hàng hóa nhập khẩu chỉ cần 30% hàm lượng nội địa đã được xem là hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Nếu Thông tư này quy định cao hơn sẽ dẫn tới tình trạng hàng XK coi là hàng Việt Nam mà khi tiêu thụ nội địa lại không phải là hàng Việt Nam”, ông Khánh giải thích.
Hơn nữa, trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, tỷ lệ 30% là tỷ lệ được sử dụng. Đó là lý do Bộ Công Thương lựa chọn con số 30%.
Mặt khác, trong trường hợp không xác nhận xuất xứ tại nước nào thì DN sẽ ghi là xuất xứ bởi DN. Theo ông Khánh, với những trường hợp giá trị sản xuất nội địa nhỏ hơn 30% thì áp dụng theo Nghị định 43 - cho phép DN tự ghi nước xuất xứ, miễn là trung thực nhưng không được ghi sản xuất tại Việt Nam.
Vẫn còn nhiều tranh cãi về dự thảo Thông tư hàng “made in Vietnam” |
Trùng lắp quy định
Theo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc xây dựng dự thảo Thông tư này là cần thiết. Tuy nhiên, điều băn khoăn là nhiều quy định về quy tắc xuất xứ trong dự thảo rất tương đồng với quy định trong Nghị định 31 và Thông tư 05 (kể cả quy định về quy tắc xuất xứ, tỷ lệ phần trăm hay chuyển đổi mã HS).
Vì vậy, đại diện VCCI kiến nghị ban soạn thảo xem xét có cần thiết ban hành Thông tư này không, hay sửa đổi trong Nghị định 31 hoặc Thông tư 05 theo hướng mở rộng phạm vi thay vì chỉ áp dụng hàng hóa XK và nhập khẩu thì thêm cả hàng được sản xuất và lưu thông tại Việt Nam.
Ông Trần Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát dự thảo Thông tư với quy định tại Luật Quản lý ngoại thương, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, Nghị định số 43/2017/ NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Thông tư với hệ thống pháp luật, tính khả thi của văn bản.
Trong đó, đại diện Bộ Tư pháp lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo không quy định lại các nội dung đã được thể hiện tại Nghị định số 31/2018/NĐ- CP mà cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn để bảo đảm yêu cầu của khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Ví dụ, các khoản 1, 2, 3, 4, 7, 9 Điều 3 dự thảo Thông tư giải thích lại các từ ngữ đã được quy định tại các khoản 11, 12, 13, 14, 9, 15 Điều 3 Nghị định số 31/2018/ NĐ-CP. Điều 8 dự thảo Thông tư về cơ bản giữ nội dung quy định lại Điều 7 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, chỉ sửa đổi kỹ thuật theo hướng thay thế cụm từ “nước”, “nhóm nước”, “vùng lãnh thổ” thành cụm từ “Việt Nam”.
Trước ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng hàng hóa XK và hàng lưu thông trong nước có những điểm khác nhau nhất định. Nếu lấy Thông tư 05 áp dụng cho hàng trong nước có thể dẫn đến một số khúc mắc trong thực thi. Hàng lưu thông trong nước bên cạnh câu chuyện ghi nhãn còn có câu chuyện tiếp thị. Thông tư này bao gồm cả hai trường hợp, áp dụng cho ghi nhãn và tiếp thị sản phẩm hàng hóa. Nghĩa là trong quá trình quảng cáo, tuyên truyền trên phương tiện thông tin về sản phẩm, DN cũng phải tuân thủ Thông tư.
Đặc biệt, trước ý kiến cho rằng dự thảo Thông tư có nhiều điểm “sao chép”, ông Khánh phản biện khẳng định dự thảo Thông tư có sự độc lập với các thông tư quy định khác. “Chúng tôi không chép lại Nghị định 31 hay Nghị định khác”, ông Khánh nói.
Lê Thúy
Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương Thông tư sẽ không làm phát sinh chi phí cho DN mà sẽ giúp họ ghi nhãn chính xác hơn cho sản phẩm của mình, tránh nguy cơ bị cáo buộc là gian lận xuất xứ, loại bỏ dần tình trạng nhập khẩu nhập nhèm, đội lốt hàng Việt Nam. Ông Trần Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Bộ Tư pháp cho rằng nội dung dự thảo Thông tư có chứa đựng những quy định về yêu cầu, tiêu chí để sản phẩm, hàng hóa được xác định là hàng hóa của Việt Nam, tức là chứa đựng những quy định về điều kiện mà theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì không thể ban hành dưới hình thức Thông tư của Bộ trưởng; với nội dung như vậy cần ban hành dưới hình thức Nghị định của Chính phủ. Ông Chu Đình Hoàng - Công ty cổ phần Devyt DN rất cần một cơ quan quản lý làm đầu mối, tư vấn cho DN cách thức ghi nhãn xuất xứ cho sản phẩm. Khi DN có ý định đầu tư sẽ có cơ quan xác nhận hàng đó là xuất xứ Việt Nam, sản xuất ra sẽ tiêu thụ được trên thị trường Việt Nam với nhãn “made in Vietnam”. Như vậy sẽ giúp DN yên tâm đầu tư. |