Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ đã đăng tải dự thảo Thông tư về tiêu chí dán mác “made in Vietnam” với hàng hóa Việt Nam, đang xin ý kiến rộng rãi của các cơ quan, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng (NTD).
Dự thảo Thông tư này được xây dựng dựa trên cơ sở Nghị định 43 của Chính phủ, cũng như Nghị định 31 liên quan tới dán nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa.
Không phát sinh chi phí cho DN
Theo dự thảo Thông tư, sản phẩm được coi là “made in Vietnam” nếu có xuất xứ thuần tuý hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam là: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng (được trồng và thu hoạch tại Việt Nam), động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam; các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại Việt Nam…
Trường hợp hàng hóa có xuất xứ không thuần tuý hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng và đảm bảo 2 tiêu chí về chuyển đổi mã số (mã HS) và hàm lượng giá trị gia tăng… thì được coi là hàng hóa của Việt Nam.
Cách xác định hàm lượng giá trị gia tăng được xác định theo 2 công thức gián tiếp và trực tiếp. Ở cách trực tiếp, nếu hàng có giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ ở Việt Nam chiếm 30% giá xuất xưởng được coi là hàng “made in Vietnam”. Còn cách gián tiếp là giá xuất xưởng trừ đi giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam.
Để xác định rõ hơn điều này, Bộ Công Thương đưa ra các ví dụ cụ thể từng mặt hàng với mã HS khác nhau để xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa. Phần lớn các sản phẩm này có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30%. Tuy nhiên, để được xem là hàng “made in Vietnam”, ngoài đạt tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa là 30%, hàng hóa này còn phải vượt qua khâu gia công đơn giản.
Tiêu chí thứ hai để xác định hàng hóa có được dán nhãn “made in Vietnam” hay không là chuyển đổi mã số HS. Tiêu chí này cho phép DN có thể sử dụng 100% nguyên liệu nhập khẩu hoặc không xác định về xuất xứ trong quá trình sản xuất, miễn là quy trình đó vượt qua công đoạn gia công đơn giản.
Ví dụ, với mặt hàng gỗ ván ép, hiện các DN đều áp dụng tiêu chí xác định quy tắc xuất xứ là “chuyển đổi mã số hàng hóa” do khó truy xuất các loại gỗ trong tấm ván ép được DN mua từ nguồn nào, đơn vị nào cung cấp. Do đó, trường hợp áp dụng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, DN mua trong nước hay nhập khẩu nguyên vật liệu là tấm gỗ ván ép và vượt qua gia công đơn giản… vẫn thỏa mãn quy định về quy tắc xuất xứ.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh Việt Nam không được coi là hàng “made in Vietnam”.
Bộ Công Thương khẳng định về nguyên tắc, Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho DN, bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43. Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về tiêu chí dán mác “made in Vietnam” cho hàng sản xuất trong nước lưu thông trên thị trường nội địa |
Quan trọng là giá trị thu lại
Đồng thời, Thông tư sẽ giúp các DN chân chính không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc gian lận xuất xứ, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với NTD. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm “đội lốt” hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là động thái dù muộn còn hơn không của Bộ Công Thương. Việc đưa ra quy định thế nào là hàng Việt Nam, hàng có xuất xứ Việt Nam khi bán ở thị trường nội địa giúp bảo vệ hàng Việt Nam, những DN làm ăn chân chính và quyền lợi của NTD trong nước.
Bên cạnh đó, cũng còn ý kiến quan ngại về dự thảo Thông tư này.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc đưa ra quy định hàng made in Vietnam là cần thiết, có thể sẽ minh bạch hơn nhưng cũng có khả năng sẽ khó khăn hơn rất nhiều đối với DN. DN sẽ gặp khó khăn vì vừa bị ràng buộc bởi quy định của WTO lại vừa đáp ứng linh hoạt với nhu cầu trong nước. Thậm chí, làm không khéo, nhiều sản phẩm của các DN sản xuất thật ở Việt Nam lại không được ghi “made in Vietnam”.
Theo chuyên gia về thương mại Bùi Kim Thùy, không sớm thì muộn, Việt Nam sẽ ban hành văn bản hướng dẫn quy định về thế nào là hàng made in Vietnam, nhưng để xây dựng quy định cũng như thực hiện trên thực tế không đơn giản. Vấn đề cần quan tâm nhất là chất lượng hàng hoá như thế nào.
Việc cạnh tranh bình đẳng không phân biệt DN nước ngoài với trong nước, nhập khẩu hay nội địa là cần thiết, có như vậy các nhà sản xuất trong nước mới lớn được, NTD được quyền tiếp cận nhiều loại hàng hoá khác nhau. Hơn nữa, bà Thùy cho rằng: “Vấn đề của chúng ta là NTD Việt Nam thường thích dùng sản phẩm có nhãn mác sản xuất ở nước ngoài, thậm chí nhập khẩu 100% càng thích hơn”.
Bên cạnh đó, bà Thùy cũng dẫn chứng một câu chuyện liên quan tới xuất xứ hàng hóa: “Tôi đang làm với một DN chế biến hạt điều, DN này tìm giống điều tốt nhất ở Bình Phước, sau đó đem sang trồng ở Lào, bởi vì chỉ trồng ở Lào mới cho hạt điều chất lượng tốt nhất. Sau đó, sản phẩm được thu hoạch về nhà máy ở Việt Nam chỉ chế biến, bóc vỏ lụa, rồi tẩm sấy… Như vậy, rõ ràng đối chiếu với các quy định về hàm lượng giá trị gia tăng thì không thể nói đó là sản phẩm của Việt Nam, nhưng hàm lượng chất xám mà người Việt đổ vào đó lại rất nhiều”.
Vậy nên, bà Thùy cho rằng đừng quá đặt nặng vấn đề sản phẩm đó phải có nguồn gốc hoàn toàn ở Việt Nam, quan trọng là giá trị thu lại được.
Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, lại cho rằng để một sản phẩm gọi là hàng Việt phải xuất phát từ ý tưởng, thiết kế những bộ phận cơ bản nhất của sản phẩm. Ví dụ, một chiếc xe máy thì động cơ phải do DN trong nước sáng chế, có bản quyền mới nên gọi là hàng Việt.
Ông Phú dẫn chứng: một chiếc xe máy Honda hoàn toàn sản xuất ở Việt Nam nhưng bất kỳ người nào cũng biết đó là hàng Nhật. Bởi vì bản quyền là của người Nhật và cho dù nhà sản xuất có tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam, thương hiệu đó cũng là của họ.
Hay như chiếc điện thoại Samsung, cho dù sản xuất tại Bắc Ninh hay Thái Nguyên với tỷ lệ nội địa hóa Việt Nam lên cao hơn 30% thì cũng không ai gọi đó là hàng Việt mà chỉ gắn nhãn sản xuất tại Việt Nam.
Lê Thúy
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trong thời gian vừa qua, vấn nạn gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng tinh vi. Gần đây, nhiều DN của Việt Nam bắt tay với DN nước ngoài đưa hàng hóa nước ngoài vào sản xuất tiêu thụ tại Việt Nam, dán nhãn Việt Nam sau đó XK đi sang nước khác. Vì vậy, bên cạnh việc ban hành dự thảo Thông tư về tiêu chí “made in Vietnam”, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra chương trình hành động nhằm thực hiện đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, CIEM Việc hàng nhập khẩu gian lận xuất xứ, nhãn mác hàng Việt Nam không phải là vấn đề mới. Bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, những hành động của Mỹ áp đặt đối với hàng gian lận xuất xứ từ Việt Nam và những hệ lụy đi kèm buộc các cơ quan phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về “hàng Việt Nam” và các quy định, chế tài liên quan. Ông Trần Ngọc Trung - Công ty Luật Baker & McKenzie Ở góc độ NTD hay chung quy vấn đề xuất xứ thì cái cuối cùng vẫn là chất lượng hàng hoá. Vấn đề xác định xuất xứ rất phức tạp, nếu chúng ta đặt ra quy định chặt chẽ, khó tuân thủ thì đứng ở góc độ DN sẽ bảo rằng đó là gây cản trở, gây phiền hà. Còn ở góc độ NTD, trở lại vẫn là vấn đề chất lượng. Vì vậy, thay vì quản lý câu chuyện xuất xứ, có lẽ quản lý chất lượng là cái quan trọng hơn. |