Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu (XK) nhóm nông, lâm, thuỷ sản hai tháng đầu năm 2016 ước đạt 2,95 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng năm năm 2015 và chiếm tỷ trọng 12,5% trong tổng kim ngạch XK. Trong đó một số mặt hàng có lượng XK tăng cao như: nhân điều, gạo, cà phê…
Giảm lợi thế năng suất
Cứ tưởng như đây sẽ là tín hiệu hồi phục lạc quan cho xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản trong năm nay. Thế nhưng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong 100 năm trở lại ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khiến cho ngành này luôn trong cơn lận đận.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn và ngày 7/3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Hạn mặn năm nay là tình huống thiên tai nghiêm trọng, làm nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế – xã hội của 9/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL bị thiệt hại với gần 139.000ha lúa.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, mùa mưa 2016 sẽ đến muộn, tình trạng xâm nhập mặn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6/2016, muộn hơn so với cùng kỳ năm 2015 gần hai tháng.
Trong phát biểu tại một hội thảo về tăng trưởng kinh tế mới đây tại Tp.HCM, PGs.Ts Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL đang diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với dự đoán. Hạn, mặn là một vấn đề rất nghiêm trọng và có tác động lâu dài.
“Đó không chỉ là chuyện mất mùa năm nay mà còn là câu chuyện dài hạn phải mất bao lâu để phục hồi đất bị nhiễm mặn. Với hạn hán, mưa xuống là có thể giải quyết xong nhưng nhiễm mặn lại là một vấn đề khác” – ông Thiên nói.
Phân tích của giới chuyên gia kinh tế cho thấy rằng tình trạng ngập lụt do nước biển dâng đang làm mất đất canh tác trong nông nghiệp. Tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Nhiệt độ tăng, hạn hán và thiếu nước tưới sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất.
Đó là chưa kể hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) còn làm thay đổi trữ lượng các loài thuỷ hải sản do di cư hoặc do chất lượng môi trường sống bị suy giảm, từ đó làm thu hẹp ngư trường đánh bắt, sản lượng đánh bắt và sản lượng nuôi trồng.
Ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), lưu ý hội nhập sâu rộng cũng mang lại hệ quả tiêu cực cả về thời tiết, BĐKH. Hệ quả của tình trạng hạn hán ở miền Trung và xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL sẽ làm sản lượng lúa gạo, rau quả, cà phê, tiêu, điều và thuỷ hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lợi thế về năng suất cao sẽ giảm đi đáng kể.
Cũng theo ông Phú, điều này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về giống, cơ cấu vật nuôi, cây trồng và cơ cấu hàng xuất khẩu mà kéo theo nó là chi phí điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh.
![]() |
Xuất khẩu nông sản năm 2016 liệu có rơi vào thế khó vì biến đổi khí hậu?
Liên kết vùng để ứng phó
Một vấn đề cũng được đặt ra là cộng đồng doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh nông sản đang quan tâm và ứng phó thế nào với tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay ở ĐBSCL?
Giới chuyên gia lưu ý phần lớn các DN vẫn chưa có các biện pháp cụ thể đánh giá và có kế hoạch quản lý, phòng tránh rủi ro. Việc liên kết trong chuỗi cung ứng về quản lý rủi ro thiên tai của các DN cũng còn lỏng lẻo và chưa thực chất. Các DN cũng chưa được đào tạo để nâng cao nhận thức và khái niệm về BĐKH.
Ông Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho biết theo dự đoán, tác động BĐKH đến năm 2050 có khoảng 26,7% dân số và khoảng 31% đất của vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng.
Ông cho rằng tầm nhìn dài hạn và bức xúc trước mắt cho một ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trước tác động xấu của thiên tai và nhân tai đang đòi hỏi phải thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp.
Để ứng phó BĐKH, Ts Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ), đề xuất cần liên kết vùng để giảm thiểu các tác động và thách thức ĐBSCL đang bị thu hẹp trong phát triển.
Theo ông Sánh, vấn đề an ninh nguồn nước và đối thoại chính sách với các nước thượng nguồn sông Mekong thì quan trọng là thường xuyên suy xét trong chiến lược phát triển và các giải pháp đầu tư quy hoạch ĐBSCL qua liên kết vùng.
Ts Nguyễn Văn Sánh đề xuất nên chia thành ba cấp trong ứng phó BĐKH hiện nay. Cấp thứ nhất là đa dạng sinh học và nghiên cứu chọn lựa cây con ứng phó thời tiết cực đoan do tác động BĐKH. Cấp thứ hai là hệ thống canh tác theo tiểu vùng sinh thái và lợi thế địa phương. Cấp thứ ba là xây dựng cơ sở hạ tầng xem xét kịch bản “hối tiếc” và “không hối tiếc” để đầu tư cơ sở hạ tầng hiệu quả trong tương lai liên quan BĐKH.
Hơn nữa, theo giới chuyên gia, việc phát triển xanh cần được lồng ghép trong ứng phó BĐKH. Tư duy đô thị sinh thái và ít khí phát thải cũng cần suy xét trong tiến trình đô thị hóa vùng ĐBSCL.
Thế Vinh