Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An), cho biết một phần nguyên nhân khiến cho thanh long xuất khẩu (XK) vào những thị trường cao cấp bị rớt giá là do tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của một vài doanh nghiệp (DN) trong nước và các nước lân cận.
Quá phụ thuộc một thị trường
Trước đây, công ty Hoàng Phát Fruit XK thanh long ruột đỏ LĐ1 với giá 3,5 – 4 USD/ kg, nhưng hiện nay có tình trạng hạ giá bán và xâm phạm bản quyền về giống thanh long lai tạo, nên giá giảm xuống còn 2 – 2,5 USD/kg. Do mức giá bị cạnh tranh không lành mạnh nên buộc công ty phải làm hợp đồng mới với nông dân có mức giá thấp hơn trước.
Như chia sẻ của ông Huy, có thể thấy việc cạnh tranh hạ giá của những DN XK đang làm giảm giá trị của trái thanh long Việt. Chưa kể, việc này còn có thể dẫn đến trái thanh long ruột đỏ LĐ1 có chất lượng XK không đồng đều và có chuyện mạnh ai nấy làm, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Thanh long cần sản xuất, tiêu thụ theo mô hình chuỗi liên kết |
Ngoài vấn đề nêu trên, ngày 21/11, trong văn bản trả lời đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc giá thanh long rớt thê thảm trong thời gian gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cho biết thanh long XK của các DN vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, trong khi XK chính ngạch ngày càng ít dần ở thị trường tiềm năng như Singapore, Malaysia, Indonesia, UAE…
Đây cũng là "căn bệnh" chung của lĩnh vực XK thanh long. Trong 1,5 triệu tấn thanh long hàng năm của Việt Nam, 70% mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc (bình quân mỗi ngày Việt Nam XK khoảng 13.000 tấn thanh long quả tươi sang Trung Quốc), khoảng 5 – 10% XK sang 40 quốc gia, vùng lãnh thổ khác và 15 – 20% tiêu thụ trong nước.
Do chịu ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, như giải thích của ông Nguyễn Ngọc Hai, vào cuối tháng 9 và giữa đầu tháng 10 vừa qua, khi sản lượng sản xuất thanh long trong tỉnh quá lớn và thu hoạch rộ cùng lúc, lại trùng thời điểm nghỉ lễ dài ngày ở Trung Quốc của các thương nhân và bộ phận thông quan, dẫn đến việc lượng thanh long tồn đọng khá nhiều rồi giảm giá sâu.
Được biết, toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 27.000ha thanh long, với sản lượng khoảng 600.000 tấn. Có tới 80% trong số này được XK tiểu ngạch sang Trung Quốc, nên chỉ cần một động thái nhỏ từ phía bên kia cửa khẩu cũng có thể khiến "xứ sở thanh long" này lao đao.
Kịch bản chống mất giá
Trong việc làm sao để giữ cho thanh long XK có mức giá tốt, có lẽ cũng nên tham khảo cách làm của HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An). Đó là việc tìm kiếm thị trường ở nhiều nước bằng cách đã đăng ký thành công nhãn hiệu hàng hóa độc quyền của HTX Thanh long Tầm Vu đi 5 nước: Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore, Trung Quốc và đã được công nhận.
HTX này cũng tăng cường khâu tiếp thị, quảng bá hình ảnh trái thanh long cùng với Sở Công Thương tỉnh xúc tiến thương mại đi nhiều nước.
Theo ông Trương Quang An, Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu, HTX đầu tư khâu xử lý sau thu hoạch để kéo dài thời gian bảo quản, đảm bảo vận chuyển thanh long XK sang các thị trường xa, xâm nhập sâu vào các thị trường đã mở, nhất là những thị trường khó tính.
Với những cách làm hiện nay, HTX Tầm Vu không đủ nguồn sản phẩm thanh long để XK đi nhiều nước. Họ liên kết với các HTX sản xuất thanh long để tiêu thụ, đồng thời kết nạp thêm thành viên nhằm mở rộng thêm diện tích để ký kết các hợp đồng lớn, lâu dài với các thị trường lớn.
Quan sát về hoạt động XK thanh long hiện nay, giới chuyên gia cho rằng cần có một "kịch bản" chống mất giá và tăng giá trị với loại trái cây được cho là thế mạnh trong XK trái cây của Việt Nam.
Cụ thể, ngoài mở rộng thêm các thị trường XK nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến sâu trái thanh long. Điều này đòi hỏi các địa phương chủ lực về trái thanh long như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu cần xây dựng các phương án để nâng cao chất lượng và giá bán trái thanh long.
Rút kinh nghiệm trước tình trạng thanh long rớt giá vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho rằng các cơ quan có liên quan nên khuyến cáo người dân cần bố trí sản xuất rải vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất và tiêu thụ theo mô hình chuỗi liên kết để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Mặt khác, các DN cần mở rộng thị trường tiêu thụ, đầu tư xây dựng, mở rộng các kho lạnh bảo quản thanh long nhằm tăng khả năng dự trữ để đáp ứng được nhu cầu của thị trường và khắc phục việc hư hại khi thanh long được mùa, thu hoạch rộ.
Theo ý kiến của ông Trương Quang An, nên thực hiện các chính sách mời gọi các DN trong, ngoài nước đầu tư nhà máy vào vùng nguyên liệu cây thanh long, đầu tư các công nghệ thu hoạch, sau thu hoạch, sơ chế, đóng gói, chế biến, bảo quản…
Về phía các DN XK thanh long phải có hợp đồng và xây dựng vùng nguyên liệu trồng thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP).
Thế Vinh