Theo ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội, kết quả điều tra năm 2018 của tổ chức này cho thấy khoảng 70% doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam có hướng mở rộng hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, các DN này cũng cho rằng việc tỷ lệ nội địa hóa quá thấp đang là nguyên nhân cản trở hoạt động kinh doanh của họ.
Tỷ lệ nội địa hóa lẹt đẹt
Thống kê của Jetro chỉ ra tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của DN Nhật Bản tại Việt Nam là 36,6%. Những năm gần đây, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu tại Việt Nam có tăng trưởng nhưng vẫn còn thấp so với khu vực. Điều này khiến DN Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh, khiến cho chi phí gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất của DN trong trung và dài hạn.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), số DN đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có khoảng hơn 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 DN sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày (chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo).
Trong 1.800 DN sản xuất linh kiện phụ tùng mới chỉ có khoảng 300 DN tham gia chuỗi của tập đoàn đa quốc gia. Năng lực sản xuất của DN còn rất thấp; các DN thiếu nguồn lực và công nghệ sản xuất.
CNHT mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết ngành công nghiệp ở mức thấp. Hầu hết nguyên vật liệu cho công nghiệp chế tạo phụ tùng và thiết bị phụ trợ phải nhập khẩu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh kém.
Cụ thể, với ngành cơ khí chế tạo, trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác, còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2-3 thế hệ. Ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng 32% (theo giá trị) nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.
Với ngành công nghiệp ô tô, chưa tạo được sự hợp tác – liên kết và chuyên môn hóa giữa các DN trong sản xuất – lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa…
Tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử cũng rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Các DN CNHT ngành điện tử trong nước đã có tham gia chuỗi giá trị của ngành, song đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp như bao bì, linh kiện nhựa…
Với ngành dệt may, số lượng DN lớn, kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng chủ yếu tập trung ở khâu may. Theo số liệu từ Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, 2/3 lượng sợi sản xuất trong nước (khoảng 1 triệu tấn) phải xuất khẩu, trong khi Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2/3 lượng vải cần thiết cung cấp cho các công ty may mặc.
Ngành da giày được đánh giá là có tiến bộ hơn nhưng tỷ lệ nội địa hóa trung bình cũng chỉ đạt khoảng 50%.
CNHT mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước |
Ngành nào cần ưu tiên?
Bởi vậy, ông Hironobu Kitagawa cho rằng để phát triển CNHT, Việt Nam cần làm rõ được lĩnh vực muốn tập trung chú trọng trong sản xuất chế tạo và đề xuất lĩnh vực điện tử, tự động hóa và sản xuất ô tô là các lĩnh vực cần được quan tâm.
Theo đó, cần xây dựng hệ thống đào tạo hỗ trợ cho những DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực này. Hình thành phương thức nâng cao giá trị sản xuất cho CNHT Việt Nam, để cung cấp những chế phẩm chất lượng cao, thỏa mãn yêu cầu của DN nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Bộ đã đưa ra những nhiệm vụ rất cụ thể, xác định một số ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên cần tăng cường phát triển và phải phát triển đột phá ở lĩnh vực CNHT để mang lại những động lực thúc đẩy sự phát triển chung của ngành công nghiệp.
“Bộ Công Thương đã xác định rất rõ một số ngành cần ưu tiên phát triển như công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, công nghiệp dệt may, da giày, ngành năng lượng… Đây đều là những ngành Việt Nam có tiềm năng, lợi thế và có dung lượng thị trường lớn”, Bộ trưởng nói.
Bổ sung thêm, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho hay định hướng của Bộ Công Thương là thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh sẽ tạo thị trường cho CNHT trong nước được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các DN trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của các DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Trong đó, chú trọng phát triển các ngành như cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may, da giày trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả kinh tế. Đồng thời tìm kiếm các thị trường ngoài nước trên cơ sở tận dụng các FTA đã ký kết.
Bên cạnh đó, phát triển các ngành công nghiệp vật liệu sẽ giúp tự chủ được nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu. Tập trung ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da – giày; các sản phẩm từ hóa dầu như hạt nhựa, khuôn nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo… để đảm bảo đầu vào cho các ngành CNHT cũng như các ngành công nghiệp hạ nguồn.
Thy Lê