Theo ông Atsusuke Kawada - Trưởng Văn phòng đại diện Jetro Hà Nội, đây là chương trình khảo sát lần thứ 32 của Jetro, dựa trên 13.415 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào 20 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có 5.073 kết quả trả lời hợp lệ. Việt Nam nhận được câu trả lời hợp lệ cao nhất từ 787 doanh nghiệp. Khảo sát tập trung đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam và cung cấp thông tin về kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như nhận định về môi trường đầu tư tại Việt Nam...
Theo kết quả khảo sát, có tới 65,3% doanh nghiệp Nhật Bản trả lời "có lãi". Trong đó, số doanh nghiệp thành lập trước năm 2010 "có lãi" là trên dưới 80%. Có 70% số doanh nghiệp mong muốn tiếp tục mở rộng kinh doanh, cao hơn so với nhiều nước khác. Lý do chính là nhằm tăng doanh thu với kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng. Cùng với quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng, chi phí nhân công rẻ được các doanh nghiệp đề cập đến là những lợi thế chính của Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát, có tới 65,3% doanh nghiệp Nhật Bản trả lời "có lãi" (Ảnh Internet) |
Đánh giá về mức độ rủi ro và khó khăn về môi trường đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng 4/5 hạng mục đã được cải thiện. Các khó khăn về áp lực tăng lương cho nhân viên, thu mua nguyên liệu, linh phụ kiện tại nước sở tại, quản lý chất lượng hay tỷ lệ nội địa hóa được hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng có sự thay đổi tích cực hơn so với lần khảo sát trước. Thời gian làm thủ tục thông quan cho hàng hóa xuất khẩu có cải thiện. Tỷ lệ xuất khẩu 100% của Việt Nam so với năm trước có xu hướng thu hẹp và dần chuyển dịch sang hình thức tiêu thụ nội địa.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp Nhật Bản, vẫn còn một số hạng mục đáng quan ngại. Cụ thể, hạng mục "hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không rõ ràng" là 48,2%, tăng cao hơn năm trước 1,3 điểm. Hạng mục "cơ chế, thủ tục thuế phức tạp, thường xuyên có sự thay đổi", nhất là thuế thu nhập cá nhân và thuế chuyển nhượng đang có vấn đề. Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa được cụ thể. Mặc dù tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam như nêu trên có sự gia tăng, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Tỷ lệ mua từ nước ngoài của doanh nghiệp nội địa trong 10 năm trở lại đây là tương đối thấp (14,4%). Tỷ lệ áp dụng EPA, FTA của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 47,5%, giảm 1,4 điểm so với năm 2017.
Chi phí nhân công nhìn chung là tương đối thấp so với các nước khác nhưng một số ngành có sự gia tăng, rút dần khoảng cách với các nước tiên tiến như ngành công nghiệp chế tạo, phi chế tạo.
Vũ Trọng