Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng buộc các tập đoàn nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc tính tới việc dịch chuyển sang các nước lân cận. Mới đây, hai hãng công nghệ lớn của Nhật là Sharp và Kyocera đã tuyên bố hủy kế hoạch sản xuất LCD, laptop, máy photocopy… tại Trung Quốc và sẽ xây dựng nhà máy tại Việt Nam trong thời gian tới. Cùng với đó, nhiều hãng công nghệ khác cũng có kế hoạch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Nguy cơ mất "sân nhà"
Theo ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, các doanh nghiệp (DN) công nghệ lớn vào Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho các DN Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, vấn đề là có tận dụng được hay không.
Hiện tại, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường có yêu cầu cao về chất lượng của hàng hóa, dịch vụ cung cấp và tiến độ giao hàng, trong khi nhiều DN Việt Nam chưa đáp ứng được. Về bản chất, khó khăn này thuộc loại chủ quan, nếu DN Việt Nam không tự mình vươn lên thì sẽ không thể tham gia "cuộc chơi".
Mặc dù đã đầu tư vào Việt Nam một thời gian khá dài, tính đến nay, tổng nhà cung ứng của Samsung đã lên tới 308 DN. Tuy nhiên, số lượng các DN Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 mới chỉ dừng ở 35 DN (tính đến cuối năm 2018), dự kiến sẽ có 50 DN vào năm 2020. Phần lớn DN Việt Nam mới tham gia chuỗi cung ứng ở cấp thấp, tức là sản xuất bao bì, ốc vít – có giá trị gia tăng thấp.
Một báo cáo tổng hợp mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng chỉ ra rằng, ngành công nghiệp điện tử, vi mạch của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức do phần lớn giá trị xuất khẩu (95%) đều nằm trong khu vực FDI, trong khi các DN nội địa vẫn chưa đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, có đến 77% giá trị sản phẩm hoàn toàn nhập khẩu.
Vì vậy, Ts. Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định một khi các DN công nghệ vào Việt Nam mà chúng ta chưa chuẩn bị được nguồn cung nguyên vật liệu linh kiện, đáp ứng yêu cầu, các DN này sẽ đi vận động những DN phụ trợ nhỏ lẻ nước ngoài vào làm tại Việt Nam. Đây chính là mối nguy cho DN Việt khi bị cạnh tranh, thậm chí bị "hất cẳng" ngay trên "sân nhà".
"Bản thân các DN lớn của nước ngoài rất cần DN phụ trợ trong nước, nhưng DN phụ trợ của Việt Nam mãi không lớn được nên họ phải mời DN phụ trợ nước ngoài vào. Chúng ta chẳng được gì ngoài con số xuất khẩu để báo cáo thành tích, trong khi nền kinh tế rỗng ruột – bên ngoài của ta nhưng trong là hàng của FDI", ông Nam chia sẻ.
Trên thực tế, Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 của VCCI cho thấy, các DN FDI có xu hướng nhỏ đi cả về vốn chủ sở hữu và quy mô lao động. Trong đó, không loại trừ khả năng nhiều DN FDI quy mô nhỏ đầu tư vào Việt Nam để tham gia chuỗi cung ứng của các "ông lớn" ngoại.
Doanh nghiệp CNHT Việt Nam nỗ lực thoát phận "chầu rìa" |
Đầu ra cần đảm bảo
Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro Hà Nội, phàn nàn một trong những vấn đề lớn nhất mà DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam gặp phải là tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu và linh phụ kiện còn thấp.
Kết quả khảo sát của Jetro cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu – linh phụ kiện trong ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam là 33%, thấp hơn so với 67% của Trung Quốc, 57% của Thái Lan. Vì vậy, các DN sản xuất bị phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Thái Lan hay một số quốc gia lân cận.
Ông Hironobu Kitagawa cho hay, đây được coi là vấn đề tồn tại trong lĩnh vực sản xuất chế tạo nhưng cũng là tiềm năng chưa khai thác hết của CNHT Việt Nam.
DN FDI muốn đặt hàng, họ sẽ yêu cầu DN Việt phải chứng minh được năng lực của mình, phải có công nghệ hiện đại, có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thậm chí phải có các chứng chỉ về quản lý môi trường và trách nhiệm xã hội. Trong khi đó, DN Việt Nam hầu hết là DN nhỏ nên muốn có đơn hàng chắc chắn, có đầu ra được đảm bảo thì mới dám vay vốn, mới dám đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại.
Ngoài ra, với DN Việt Nam còn có một khó khăn nữa phải đối mặt khi tham gia chuỗi cung ứng, đó là một số ngành sản xuất có sự thay đổi thường xuyên, liên tục về mẫu mã sản phẩm (như điện thoại di động mỗi năm ra vài kiểu). Điều này buộc DN Việt Nam muốn tham gia chuỗi cung ứng phải có sự tính toán, cân nhắc rất kỹ và phải có năng lực quản trị thật tốt mới đáp ứng được yêu cầu.
Để giải quyết vấn đề trên, ông Quang cho rằng hai phía DN CNHT Việt Nam và DN FDI cần phối hợp chặt chẽ, tạo dựng lòng tin, nâng cao năng lực quản trị rủi ro…, đồng thời cần sự hỗ trợ thêm từ phía Nhà nước, các hiệp hội.
Bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam, bổ sung thêm: Cơ hội cho DN CNHT Việt Nam rất nhiều vì thị trường chế tạo toàn cầu đang mở ra nhiều cơ hội, không phải đâu xa mà là trên chính lãnh thổ Việt Nam. Hơn ai hết, DN biết rất rõ họ yếu cái gì, cần hỗ trợ cái gì. Một trong những điểm yếu của DN Việt Nam là đáp ứng các yêu cầu toàn cầu. Tức là sản phẩm phải có chất lượng, mà muốn như vậy thì quy trình sản xuất phải tốt, giá cạnh tranh.
Vậy, phải chăng DN Việt biết rõ làm thế nào để tham gia chuỗi nhưng vì sao họ không làm? Bà Bình cho hay, để làm được phải đầu tư dài hơi, với chi phí lớn về tài chính, công nghệ. Quan trọng hơn, sự hỗ trợ của Chính phủ trong lĩnh vực này còn yếu, bản thân DN nhiều năm qua vẫn tự thân vận động là chính.
"Chúng ta cứ nói như vậy là trông chờ Chính phủ, nhưng thực tế ở lĩnh vực này trên toàn thế giới đều được Chính phủ hỗ trợ. Ở Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ…, DN được hỗ trợ toàn bộ phí thuê gian hàng khi tham gia hội chợ quốc tế, trong khi DN Việt Nam phải trả khoản chi phí đó", bà Bình cho biết.
Đặc biệt, điều DN cần nhất chính là Nhà nước phải tạo dung lượng thị trường ổn định, đủ lớn. Trong ngành điện tử, thị trường khá lớn nhưng để đầu tư lại rất rủi ro vì chi phí đầu tư lớn nhưng phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu.
Vì vậy, DN đầu tư vào lĩnh vực này rất cần sự hỗ trợ, đầu tư mồi của Nhà nước. Đồng thời, "Nhà nước phải làm vai trung gian giữa các tập đoàn đa quốc gia với nhà sản xuất trong việc đảm bảo đầu ra", bà Bình nhấn mạnh.
Lê Thúy
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng CIEM Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu trong khu vực và toàn cầu, nhất là trước những thách thức thực hiện cam kết FTA, việc phát triển hệ thống CNHT đủ mạnh để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho DN FDI ngày càng trở nên khó khăn trong bối cảnh không còn hàng rào bảo hộ cho các DN sản xuất trong nước như trước kia. Ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện Văn phòng Jetro Hà Nội Muốn cung cấp những chế phẩm chất lượng cao thỏa mãn yêu cầu của DN nước ngoài, DN Việt Nam cần lắng nghe ý kiến từ chính các DN FDI, qua đó xây dựng hệ thống cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Việt Nam cần làm rõ được lĩnh vực muốn tập trung chú trọng trong sản xuất chế tạo, chỉ khi đó Nhật Bản mới có thể hợp tác hỗ trợ một cách thuận tiện và hiệu quả. Ông Lê Dương Quang - Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam Một khi các DN FDI phát triển, cơ hội cho DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng cũng được mở rộng thêm. Ngược lại, khi các DN CNHT trong nước – thành phần chính làm nên các mắt xích của chuỗi cung ứng lớn mạnh cũng là thêm một yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích việc phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các DN CNHT. |