Khảo sát thị trường cho thấy, giá xăng dầu đang tác động tới mọi đầu vào và đầu ra của nền kinh tế, từ mớ rau, quả trứng... tới giá nguyên vật liệu sản xuất sẽ nhích theo, từ đó làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Doanh nghiệp kiệt quệ, giá xăng rục rịch tăng
Đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên chắc chắn là các đơn vị vận tải - vận chuyển. Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, giá xăng dầu chiếm 30-40% chi phí cấu thành cước taxi. Tuy vậy, các doanh nghiệp taxi vẫn đang trong trạng thái "cân nhắc" việc điều chỉnh giá.
Giá xăng dầu đã có 6 lần tăng liên tiếp. |
Lý giải với VnBusiness điều này, ông Hùng cho hay: "Chúng tôi thực sự không muốn, rất ngại điều chỉnh, bởi một lần thay đổi bảng giá, doanh nghiệp taxi sẽ mất phí đăng kiểm 100.000 đồng cho đồng hồ tính tiền, 30.000 - 40.000 đồng/bộ tem niêm yết giá cước, xe phải dừng hoạt động trong lúc chờ thay đổi bảng giá...".
Tuy nhiên, ông Hùng cho biết nếu vào kỳ điều hành ngày 11/3, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh vài nghìn đồng/lít, chắc chắn doanh nghiệp taxi cũng phải điều chỉnh tăng giá.
"Hiện nay, mọi kế hoạch điều chỉnh tăng giá đều đã được các doanh nghiệp tính toán. Nếu giá xăng dầu tăng đúng như dự báo của Bộ Công Thương, cao hơn 5.000 - 8.000 đồng/lít/kg so với đầu năm, chúng tôi sẽ phải tăng trung bình giá cước khoảng 15% so với bảng giá hiện tại", ông Hùng chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, việc điều chỉnh bảng giá, mức giá mới sau ngày 11/3 cũng sẽ được các doanh nghiệp cân nhắc, chờ xem mức thuế bảo vệ môi trường bao giờ được điều chỉnh, mức giảm nhiều hay ít để tính toán bảng giá mới sao cho không ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.
"2 năm qua, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến chúng tôi rất khó khăn, không một doanh nghiệp nào làm ăn có lãi, doanh thu sụt giảm 80%. Vì vậy, đến nay nền kinh tế đang phục hồi mà doanh nghiệp tăng giá thì khách hàng không dám đi, nhưng nếu không tăng thì chúng tôi càng chạy càng lỗ. Nói chung là tâm tư lắm", ông Hùng chia sẻ.
"Giá xăng dầu tăng chắc chắn người dân sẽ khó khăn nhưng đó cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm" là câu cảm thán mà ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco) đưa ra. Ông cho rằng với doanh nghiệp, áp lực của việc tăng giá xăng sẽ ngấm dần, 2 tháng tới nếu tình hình không thay đổi thì doanh nghiệp sẽ gục ngã, một khi đi xuống thì rất khó phục hồi.
Theo đó, lãnh đạo Sadaco kiến nghị chính sách giảm thuế, phí với xăng dầu cần phải được thực hiện nhanh hơn, "mạnh tay" hơn, chứ với mức giá xăng dầu như hiện tại đã quá sức chịu đựng với doanh nghiệp.
"Chúng tôi đang phải trả chi phí vận chuyển đắt gấp hàng chục lần để xuất hàng đi EU, Mỹ. Giờ chi phí vận chuyển nội địa cũng tăng lên thì quả là gánh nặng đè lên đôi vai doanh nghiệp, dẫn đến mọi giải pháp từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng không còn nhiều ý nghĩa", ông Mạnh bày tỏ mong muốn giá xăng dầu cần ổn định, chứ không phải "leo thang" liên tục như hiện nay.
Mong ngóng chờ giảm thuế
Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, ngay cả những doanh nghiệp thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam cũng luôn lo ngại điều này. Trong Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2022 do Vietnam Report vừa công bố, có tới 78,4% doanh nghiệp lo lắng giá nguyên vật liệu tăng và sự biến đổi của thị trường năng lượng trong năm 2022. Đồng thời, 75,7% doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Ôtô xếp hàng chờ đổ xăng dầu trước ngày điều chỉnh giá. |
Tại Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Bộ Tài chính đề xuất phương án giảm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít, kg với dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4 tới hết năm 2022.
Trong văn bản góp ý ngày 8/3, Bộ Công Thương cũng đồng tình thời gian hiệu lực của Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, công cụ Quỹ Bình ổn giá không còn nhiều (số dư quỹ Bình ổn giá đang ở mức thấp, hiện còn khoảng 620 tỷ đồng, số dư Quỹ Bình ổn giá tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm), Bộ Công Thương kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn: giảm 50% so với mức thuế bảo vệ môi trường đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng dầu.
Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) là 2.000 đồng/lít (thuế hiện hành là 4.000 đồng/lít); dầu diesel là 1.000 đồng/lít (thuế hiện hành 2.000 đồng/lít); dầu hỏa là 500 đồng/lít (thuế hiện hành là 1.000 đồng/lít); dầu mazut là 1.000 đồng/kg (thuế hiện hành 2.000 đồng/lít); dầu nhờn là 1.000 đồng/lít (thuế hiện hành 2.000 đồng/lít) và đối với mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg (thuế hiện hành 2.000 đồng/lít).
Một số chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như vậy, nếu chỉ giảm 1.000 đồng tiền thuế trên mỗi lít xăng thì giống như "đá ném ao bèo" không có nhiều ý nghĩ cho doanh nghiệp, người dân.
Một vị chuyên gia nêu quan điểm: Giá xăng dầu bao gồm nhiều loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường... Nếu chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng, Chính phủ có thể tiếp tục đề xuất giảm các loại thuế khác để "hạ nhiệt" giá mặt hàng này.
Trong khi đó, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, chia sẻ việc giảm thuế để bằng lòng tất cả thì rất khó. Quan điểm của Hiệp hội là cần hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Theo ông Khanh, hiện nay, các doanh nghiệp xăng dầu cũng đang rất khó khăn, nhiều cửa hàng, đại lý khó cầm cự nếu mức chiết khấu chỉ 100 - 200 đồng/lít, thậm chí là 0 đồng/lít. Vì vậy, Chính phủ nên xem xét cho doanh nghiệp xăng dầu được hưởng chính sách giảm thế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% như các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng, cân đối tài chính từ áp lực thị trường.
Dự báo giá xăng dầu sẽ tăng lần thứ 7 liên tiếp, tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/lít 15 giờ ngày 11/3, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tiến hành điều chỉnh giá xăng dầu. Dự báo, giá xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh tăng khoảng 3.000 - 4.000 đồng/lít (tùy vào mức chi Quỹ Bình ổn giá), tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/lít. Dự liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore (tham chiếu để tính giá xăng trong nước) cập nhật đến ngày 9/3 với RON92 là 149,84 USD/thùng, 153.77 USD/thùng, dầu hỏa 161,49 USD/thùng, dầu diesel 176,33 USD/thùng, dầu mazut 739,13 USD/tấn. Nếu dự báo này là đúng, đây sẽ là lần tăng giá thứ 7 liên tiếp và lần thứ 6 liên tục từ đầu năm nay. |
Lê Thúy