Sau 6 lần tăng liên tiếp, giá xăng đang tiến sát mốc 27.000 đồng/lít và ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay. Không dừng lại ở đó, theo dự báo của các doanh nghiệp và chuyên gia, trong kỳ điều chỉnh tới đây, giá xăng có khả năng tăng lên mức 30.000 đồng/lít. Bởi, giá dầu thế giới đã xác lập mức đỉnh lịch sử trong vòng 14 năm trở lại đây khi tiến tới mốc 140 USD/thùng.
Đội chi phí sản xuất
Giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các HTX, nhất là các HTX trong ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thuỷ sản, vận tải, nông nghiệp, du lịch...
HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (Long An) mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 14-15 tấn rau. Trong số đó, 30-40% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn, số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre và TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc HTX cho biết từ ngày xăng dầu tăng giá đã khiến chi phí giao hàng, vận chuyển hàng hóa của HTX tăng 20-25% so với trước. HTX đã cố gắng linh hoạt trong vận hành, ghép đơn nhằm giảm tối đa chi phí đầu vào, tuy nhiên lợi nhuận hàng ngày vẫn giảm, thậm chí là thâm hụt do giá xăng dầu tăng.
Giá xăng tăng đang đội chi phí trong khâu vận chuyển của HTX. |
Hay tại HTX chế biến sữa bò Phù Đổng (Hà Nội), do mặt hàng sữa cần bảo đảm các khâu từ sản xuất đến bảo quản, giao hàng nên HTX đã đầu tư xe tải nhỏ là xe bán tải để thuận tiện cho việc mở rộng thị trường. Tuy nhiên, theo tính toán của HTX, trước đây, mỗi tháng 3 xe giao hàng chỉ mất khoảng 20.000.000-25.000.000 tiền xăng thì nay đã tăng lên 35.000.000-38.000.000 đồng.
Không chỉ tác động đến hoạt động giao hàng, giá xăng tăng còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất của HTX nông nghiệp. Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (Đồng Nai) cho biết, giá xăng dầu tăng trong thời gian qua đã khiến chi phí đầu vào của HTX tăng khoảng 25-30% so với đầu năm ngoái, nhất là khi nhu cầu tưới nước cho vườn xoài đang ở mức cao. Trong khi thị trường đầu ra lại gặp nhiều biến động vì tình hình dịch Covid-19, cửa khẩu Trung Quốc ùn tắc trong thời gian dài.
“Điều này cũng khiến cho HTX gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối các khoản chi phí sản xuất, vận hành” - ông Bảo cho biết thêm.
Cũng chịu tác động lớn từ giá xăng dầu, các HTX trồng tiêu, trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ đang phải tính từng đồng cho việc chạy máy bơm tưới tiêu cho diện tích của thành viên. Còn các HTX đánh bắt thủy hải sản ở Khánh Hòa, Phú Yên… tính rằng với giá là 21.310 đồng/lít thì giá dầu đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Tuy dầu tăng nhưng giá cá lại giảm nên theo tính toán, các HTX này phải mất 1,5-1,6kg cá mới đổi được 1 lít dầu. Trong khi đối với hoạt động khai thác hải sản xa bờ, ngư trường đánh bắt cách xa đất liền hàng trăm cây số, thì chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến đi biển thường rất lớn. Việc này tạo áp lực lên hoạt động khai thác xa bờ của các HTX.
Trải qua không ít khó khăn do chịu tác động của dịch bệnh kéo dài, tưởng chừng các HTX sẽ từng bước ổn định sản xuất, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh mới. Theo chia sẻ của đại diện nhiều HTX cho thấy, dẫu biết là muốn phát huy vai trò của mô hình kinh tế tập thể sẽ phải đưa sản xuất kinh doanh phát triển linh hoạt theo kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sự biến động của giá xăng dầu cũng là cái cớ để kéo giá vật tư nông nghiệp, nhiên liệu và giá một số dịch vụ khác tăng theo. Điều này khiến các HTX đang phải chịu sức ép rất lớn khi quy mô sản xuất nhỏ, thị trường xuất khẩu, nhất là sang Trung Quốc đang bị thu hẹp.
Giảm sức cạnh tranh
Thực tế, đã có những HTX linh hoạt thích ứng trước thực trạng giá xăng dầu tăng. Đơn cử như HTX nông nghiệp Phú Thạnh (An Giang) đã đầu tư các trạm bơm điện để thay thế trạm bơm dầu để cung cấp nước cho diện tích lúa. Ngoài ra, hoạt động cày, xới đất, tất cả làm theo lộ trình cuốn chiếu (làm từ ngoài bờ rào đến cuối tiểu vùng quy hoạch), nhằm hạn chế di chuyển từ ruộng này đến ruộng khác (theo cách cũ). Cách làm này giúp chi phí xăng dầu giảm 5-10% (đối với chi phí làm đất).
Tuy nhiên, để làm được như HTX Phú Thạnh không phải chuyện "một sớm, một chiều" vì ngoài sự chủ động của HTX, cần có sự hỗ trợ trực tiếp về vốn, chế tài, khoa học kỹ thuật từ các ngành chức năng và các tổ chức nước ngoài trong thời gian dài. Trong khi phần lớn HTX hiện nay đều phải tự “bươn trải” giữa vô vàn khó khăn từ thị trường, đến các quy định chồng chéo của pháp luật.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, một số HTX đang xem xét lại chế độ làm việc, đàm phán lại nhà cung ứng, khách hàng về việc tăng giá sản phẩm, dịch vụ để bù đắp một phần vào chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, các HTX sẽ phải cân đối mọi khoản để tăng giá sản phẩm nhằm bù lại vào chi phí tăng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, nếu HTX cũng thực hiện tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ sẽ làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường, đồng nghĩa với việc có thể sẽ mất các đối tác làm ăn lâu năm. Do đó, trước tiên các HTX sản xuất phải nỗ lực, tái cấu trúc hoạt động để giảm được chi phí thấp nhất có thể. Đối với các hoạt động vận tải, giao hàng, các HTX phải tính toán khoa học để sử dụng được dịch vụ cả hai chiều.
Thêm vào đó, các HTX cũng cần nêu cao tính tập thể của mô hình HTX thông qua tinh thần liên kết giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau để tạo thành các chuỗi liên ngành, liên vùng miền nhằm hạn chế chi phí.
Để kìm giá xăng dầu, nhiều HTX kiến nghị các ngành chức năng phải đẩy mạnh việc giảm thuế. Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít với dầu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Điểm, Giám đốc HTX vận tải ô tô Tân Phú (Thái Nguyên) cho rằng mức giảm thuế bảo vệ môi trường như vậy là quá thấp, ít nhất cũng phải giảm 50% so với mức thuế hiện nay, tức là giảm ít nhất 2.000 đồng/lít, thậm chí hơn nếu giá xăng dầu tăng cao trong thời gian tới. Bởi đề xuất giảm 1.000 đồng/lít xăng khó tác động đến thị trường và giảm bớt áp lực lên các HTX khi giá xăng đã lên mức quá cao.
Theo ông Điểm trong dự kiến đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 500 – 1.000 đồng/lít/kg... Bộ Tài chính tính toán sẽ làm giảm thu khoảng 11.982 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước thì những người trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh như ông thấy chưa hợp lý bởi chỉ cần một chủ tiệm vàng Phước Nguyên ở An Giang trốn thuế cũng đã lên đến trên 10.000 tỷ đồng.
“Vậy thay vì “nhỏ giọt” và chậm chạp trong việc giảm thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu, các ngành chức năng cần quan tâm đến làm sao để tránh thất thu thuế như “vàng Phước Nguyên”. Vì khi giá xăng tăng thì người dân, HTX chịu sao nổi”, ông Điểm nói.
Huyền Trang