Ở Đồng Tháp vào cuối tháng 4/2022 này sẽ diễn ra diễn đàn kết nối sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Điều này cũng nhằm mở ra không gian kết nối cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) để đưa những sản phẩm đặc trưng của địa phương vươn xa hơn.
Sẵn sàng những bước nhảy xa
Đồng Tháp là địa phương đứng đầu ĐBSCL về số lượng sản phẩm OCOP với 265 sản phẩm và đang có có nhiều mô hình tổ chức sản xuất các loại đặc sản, khai thác tiềm năng bản địa có tính hiệu quả cao, nhiều triển vọng để xuất khẩu (XK).
Để đưa đặc sản Việt vươn xa đòi hỏi các DN, HTX cần chủ động tìm kiếm và tiếp cận khách hàng quốc tế. |
Chẳng hạn như HTX Đặc sản Đồng Tháp được xem là một trong những mô hình mới về liên kết sản xuất và tiêu thụ các loại đặc sản. Thời gian qua HTX đã tích cực đưa các loại đặc sản OCOP lên kênh bán hàng trực tuyến (online) như một bước đệm cho xuất khẩu (XK) đặc sản trong thời gian tới.
HTX này đang giúp cho các thành viên (là những người trẻ khởi nghiệp) trong việc tạo vùng nguyên liệu, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng website, thiết kế bao bì, hướng dẫn thực hiện các điều kiện theo tiêu chuẩn…
Còn ở Bến Tre - một điểm sáng về sản xuất kinh doanh đặc sản, ghi nhận cho thấy tỉnh này đang đứng thứ 3 ở ĐBSCL về số lượng sản phẩm OCOP. Phương châm của những người sản xuất kinh doanh đặc sản ở “xứ dừa” là “hành động địa phương, hướng đến toàn cầu”, tức là nhắm đến việc đẩy mạnh XK đặc sản Bến Tre trong thời gian tới.
Để sẵn sàng những bước nhảy xa cho đặc sản, bên cạnh việc chú trọng chế biến các sản phẩm mới từ dừa và nâng cấp các tiêu chuẩn, có DN còn dự tính mở siêu thị dừa để quảng bá, kinh doanh đa dạng các mặt hàng từ dừa của Bến Tre.
Chia sẻ kinh nghiệm về việc đưa đặc sản Việt xuất ngoại tại buổi toạ đàm mới đây ở Tp.HCM để bàn về “kinh tế gia vị từ góc nhìn của nhà kinh doanh” trong khuôn khổ Lễ hội Tinh hoa Gia vị Việt (sẽ diễn ra từ ngày 28/4 đến 1/5/2022 tại Tp.HCM), bà Ong Thị Kim Ngân, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Khai thác thủy hải sản chế biến nước mắm Thanh Hà – Phú Quốc, có lưu ý một điều là để XK thì không phải là điều dễ dàng, nên đòi hỏi sự kiên trì từ phía DN, HTX.
Theo bà Ngân, dù là một trong những doanh nghiệp XK đặc sản nước mắm Phú Quốc sớm nhất từ năm 1993, nhưng để đưa hàng vào thị trường châu Âu là cả quá trình đầy thử thách. Thời gian đầu có cả một đoàn chuyên gia từ châu Âu đến tận nhà máy để kiểm tra và công nhận công ty đã đạt tiêu chuẩn HACCP (chuẩn mực vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn thế giới).
Không thể thụ động
“Chúng tôi đã phải giải thích rất chi tiết để cho các chuyên gia đó hiểu rõ về quy trình sản xuất nước mắm. Bởi vì đối với họ, việc dùng những con cá đã chết, phân huỷ, trương phồng lên để làm ra đặc sản nước mắm là không vệ sinh. Nhưng sau đó chúng tôi đã thuyết phục được họ khi đưa ra sự tương đồng về đặc sản phô mai của châu Âu cũng dựa trên nguyên lý lên men, phân huỷ từ đạm”, bà Nga nói.
Sau những căng thẳng và cuối cùng được các chuyên gia châu Âu xét duyệt, theo vị Phó tổng giám đốc của nước mắm Thanh Hà – Phú Quốc, đó cũng chính là cột mốc để đưa đặc sản nước mắm của công ty có thể có đủ điều kiện để bước chân ra thị trường thế giới.
Tự rút ra bài học cho mình, theo bà Ngân, thời gian đầu do công ty không có điều kiện nên rất thụ động trong việc tìm kiếm khách hàng quốc tế, chỉ có khách hàng tìm đến mình. Đây là một hạn chế lớn cho việc đưa đặc sản xuất ngoại. Cho nên, về sau khi đã có điều kiện tốt hơn thì công ty đã chủ động tham gia những hội chợ triển lãm quốc tế để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu của mình.
Vì thế, khi muốn đưa đặc sản Việt xuất ngoại thành công thì dù khó khăn như thế nào cũng đòi hỏi các DN, HTX cần có sự chủ động, vẫn phải đi ra thế giới để thực sự biết nhu cầu thực sự của người tiêu dùng quốc tế như thế nào.
Tuy vậy, qua trao đổi với VnBusiness, một số chủ DN, HTX kinh doanh đặc sản cho rằng ngoài việc chủ động của họ để quảng bá đặc sản Việt cho người tiêu dùng thế giới thì một mình DN, HTX không thể làm được. Điều này đòi hỏi cần có vai trò giúp sức của các hiệp hội, thương vụ và các cơ quan xúc tiến thương mại, khi đó mới có thể có sự tác động và lan tỏa đủ lớn.
Ngay cả trong vấn đề truyền thông để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến và sử dụng rộng rãi các đặc sản vùng miền của Việt Nam cũng cần có sự chủ động thay đổi. Bà Lê Thị Hoài Thương, Phó giám đốc Công ty TNHH Hồ tiêu Việt, nhấn mạnh ngay trên thị trường “sân nhà” thì các loại đặc sản Việt nên được quảng bá rộng rãi và hiệu quả hơn.
“Chúng tôi dù đã XK rất nhiều đặc sản hạt tiêu rừng đi Pháp, đi Đức, nhưng ngay tại thị trường nội địa vẫn chưa thể bán được. Có rất ít người tiêu dùng Việt biết đến sản phẩm này. Cho nên DN rất cần hỗ trợ thêm về mặt truyền thông để dẫn dắt người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm rất đặc trưng của Việt Nam”, bà Thương nói.
Thế Vinh