Ông Tô Huỳnh, thành viên lãnh đạo Công Ty TNHH Rau hữu cơ Surifarm (chuyên sản xuất các loại thực phẩm khô từ rau củ quả hữu cơ), cho biết đang rất quan tâm đến việc kết nối với các chuỗi siêu thị ngoại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu (XK) trong thời gian tới.
Tiến thoái lưỡng nan
Chẳng hạn như kết nối với chuỗi siêu thị GO! thông qua Tập đoàn Central Retail nhằm XK qua thị trường Thái Lan nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Theo ông Huỳnh, các dòng sản phẩm thực phẩm khô như mì rau củ mà công ty đang chế biến có thể phù hợp với nhu cầu thường xuyên của người tiêu dùng trong khu vực.
Với mong muốn xuất hàng vào các siêu thị ở Thái Lan, vào ngày 21/4, nhiều DN nhỏ ở Tp.HCM đã tiếp xúc và kết nối với bộ phận thu mua của tập đoàn Central Retail. |
Tuy vậy, bởi vì là một doanh nghiệp (DN) nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm XK vào các chuỗi siêu thị ngoại, ông Huỳnh bày tỏ sự e ngại về mức độ cạnh tranh (đơn cử như cạnh tranh với sản phẩm tương tự của Thái Lan ngay trên thị trường Thái).
Trao đổi với VnBusiness bên lề hội thảo ở Tp.HCM vào ngày 21/4 để bàn về việc XK vào thị trường Thái Lan thông qua kết nối với chuỗi siêu thị ngoại, vị thành viên lãnh đạo của Surifarm cho rằng vẫn còn nhiều thách thức lớn mà các DN nhỏ phải đối mặt khi XK thông qua các đại siêu thị ngoại.
Đơn cử như chi phí logistics hiện nay quá cao làm cho các DN nhỏ e ngại. Hoặc trong chuyện cạnh tranh, theo ông Huỳnh, nếu mình đi không kịp nhanh thì giống như chỉ đường cho người khác chạy. Với các DN lớn, nếu họ thấy thị trường dành cho sản phẩm mới của mình làm ra là “ngon” thì họ lập tức nhảy vô, khi đó các DN nhỏ sẽ khó cạnh tranh trên “sân khách”. Điều này dẫn đến tình thế “tiến thoái lưỡng nan” cho DN nhỏ không biết là nên làm nhanh, làm mạnh hay làm từ từ.
“Đây là bài toán mà chúng tôi phải suy nghĩ. Với các DN lớn, họ chỉ cần đổ số vốn lớn là sẽ có ngay sản phẩm mới (tương tự như sản phẩm mà chúng tôi đã cất công làm ra) để phủ thị trường. Vì thế, là DN nhỏ nên chúng tôi sẽ phải chọn thị trường ngách. Mình phải có cách của mình để tồn tại”, ông Huỳnh nói.
Còn ở góc độ của một nhà bán lẻ ngoại đang quan tâm đến việc kết nối với các DN nhỏ và vừa của Việt Nam để XK vào Thái Lan, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại khu vực miền Trung – miền Nam của Tập đoàn Central Retail Việt Nam, đánh giá Thái Lan là một thị trường tiềm năng XK cho DN Việt nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về chất lượng, giá cả, mẫu mã, phương thức kết nối…để có thể cạnh tranh với các nước khác cùng khu vực.
Theo bà Hiền, xu hướng tiêu dùng tại Thái Lan cũng có một số thay đổi sau những gì xảy ra trong hai năm qua vì đại dịch Covid-19. Đơn cử như: Mua sắm qua hình thức trực tuyến ngày càng phát triển, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.
Nên tận dụng mọi cơ hội
Bên cạnh đó, khi XK vào chuỗi siêu thị ngoại, việc áp dụng công nghệ là yếu tố bắt buộc để các DN Việt nâng cao và tối ưu hóa chi phí, đồng thời quản lý chuỗi cung ứng. Nhất là cần thiết kế cửa hàng phải liền mạch, trưng bày bắt mắt, tiện lợi với dịch vụ cá nhân hóa sẽ làm hài lòng và giữ chân người mua sắm.
“Ngoài ra, các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, thể hiện sự quan tâm đến môi trường và sản phẩm địa phương đang là xu thế và phát triển trên tất cả các phân khúc khách hàng”, bà Hiền cho biết.
Theo đánh giá, hiện nay đã có nhiều DN Việt Nam đã XK thành công thông qua các chuỗi siêu thị ở Thái Lan như: Bibica, Đại Việt, Hải Bình, Trung Nguyên, Vinamit, Chinsufoods…Điều này cho thấy thị trường Thái Lan không quá “khó tính”.
Duy có điều, đó là những tên tuổi lớn của Việt Nam, còn với các DN nhỏ, giới chuyên gia có lời khuyên là họ cần nắm bắt được đúng nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người Thái nếu muốn “trụ vững” trước các DN lớn.
Để các DN nhỏ và vừa của Việt Nam đưa được hàng hoá vào chuỗi siêu thị ngoại, bà Trương Tố Uyên, giám đốc bộ phận thu mua của một nhà bán lẻ ngoại, lưu ý là các DN phải trải qua 4 bước quan trọng, gồm: Duyệt hồ sơ nhà cung cấp; Đàm phán và ký kết hợp đồng; Tạo dữ liệu nhà cung cấp và hàng hóa lên hệ thống; Đặt hàng và giao hàng.
Còn theo ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), các DN Việt cần quan tâm đến lợi thế của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là họ có hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại liên tục được đầu tư mở rộng khắp nơi. Cho nên các DN nhỏ và vừa cần xem việc XK qua hệ thống mạng lưới phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là một kênh hiệu quả, bền vững.
Cho nên, như lưu ý của ông Lữ, để đẩy mạnh XK thì các DN cần chuyên nghiệp, tận dụng mọi cơ hội để vừa đưa hàng vào hệ thống siêu thị ngoại.
Để có “cửa” cho các DN nhỏ XK vào các chuỗi siêu thị ngoại, giới chuyên gia nhấn mạnh rất cần các cơ quan xúc tiến thương mại thường xuyên tổ chức kết nối với những nhà bán lẻ có tên tuổi trong khu vực và trên thế giới.
Chính nhờ vào việc kết nối với bộ phận thu mua của các nhà bán lẻ ngoại sẽ giúp các DN nhỏ hiểu được nhu cầu thị trường, nắm bắt tốt hơn thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế, cũng như cách quản lý chất lượng tiên tiến nhằm bảo đảm đủ tiêu chuẩn XK. Nhất là có thông tin để định vị lại sức hút của sản phẩm nhằm có kế hoạch phát triển tốt hơn trong tương lai.
Thế Vinh