Nói về chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của ông Jensen Huang - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVidia (được xem là “gã khổng lồ” của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chip, có giá trị thị trường 1.200 tỷ USD), hãng tin Reuters cho biết dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ với ít nhất một công ty của Việt Nam.
Thời cơ tốt cho Việt Nam phát triển công nghệ chip
Tập đoàn này còn có cuộc gặp với một số công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam để thảo luận về các cách “thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn” tại Việt Nam và các mối quan hệ đối tác tiềm năng.
Các DN nội địa cần sẵn sàng để nhận chuyển giao công nghệ trước “làn gió mới” từ dòng vốn FDI chất lượng cao. |
Trước đó, theo Reuters, một tài liệu của Nhà Trắng (Mỹ) hồi tháng 9/2023 cho rằng NVidia đã hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam để triển khai Trí tuệ nhân tạo (AI) trong các ngành công nghiệp đám mây, ô tô và chăm sóc sức khỏe.
Còn tại tọa đàm bàn về cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn, AI ở Việt Nam dưới sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra ở Hà Nội vào ngày 11/12, ông Jensen Huang nhấn mạnh thời điểm này là thời cơ tốt cho Việt Nam để phát triển lĩnh vực này. Nhất là khi Việt Nam đã sẵn sàng số hóa 100%, đang sẵn có một nguồn “tài nguyên” là các kỹ sư phần mềm đã sẵn sàng nhảy sang bước tiến mới như AI. Việt Nam đã có hạ tầng Internet với những tên tuổi như Viettel, FPT, CMC. bởi vì tương tự với Internet, AI cũng cần hạ tầng.
Vị chủ tịch của NVidia cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp (DN) tiêu biểu và phát triển hệ sinh thái hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, AI tại Việt Nam.
Có thể thấy những chia sẻ của ông Jensen Huang là chỉ dấu để kỳ vọng sẽ có những cú đột phá trong việc chuyển giao công nghệ từ “làn gió mới” từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao với thế mạnh về công nghệ số.
Chẳng hạn như với lĩnh vực sản xuất chip, Bộ Khoa học và Công nghệ từng xác định việc làm chủ được thiết kế chip bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong chuỗi giá trị sản xuất chip. Bởi vì thiết kế chip chiếm khoảng 50-60% giá trị của sản phẩm chíp.
Cho nên đang có sự mong đợi lớn là việc chuyển giao công nghệ sản xuất chip từ các “gã khổng lồ” về sản xuất chip khi rót vốn đầu tư vào Việt Nam. Mặt khác, đây là cơ hội mà các DN Việt cần nắm bắt để từ đó nâng cao năng lực của ngành sản xuất bằng cách sử dụng các công nghệ mới nổi của khối ngoại.
Theo TopDev (một nền tảng chuyên về thị trường và nhân lực trong ngành công nghệ), Việt Nam cũng đang thúc đẩy hệ sinh thái các đơn vị hỗ trợ cho các nhà sản xuất chip. Qua đó góp phần giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nhiều hoạt động sản xuất chip trong khu vực.
Trên thực tế, ngày càng có nhiều DN Việt Nam có khả năng tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất chip với lực lượng hiện tại khoảng 50 DN trong nước và hơn 5.000 kỹ sư Việt Nam tham gia thiết kế chip. Qua đó, việc xây dựng hệ sinh thái DN hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử sẽ giúp Việt Nam từng bước nâng cấp và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị vi mạch toàn cầu.
Tuy vậy, phía TopDev gần đây có lưu ý về sự thiếu hụt nhân sự công nghệ thông tin luôn là vấn đề khó khăn nhất đối với lĩnh vực này. Dự đoán từ nay đến năm 2025, Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 150.000 đến 200.000 lập trình viên, kỹ sư hàng năm.
Dựa trên Báo cáo về thị trường IT Việt Nam 2023 của TopDev, đến năm 2025 Việt Nam sẽ còn cần đến 700.000 nhân lực trong ngành công nghệ thông tin. Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 530.000 người. Đây cũng là một thách thức trong việc chuyển giao công nghệ từ các DN FDI trong lĩnh vực vi mạch.
Khối nội phải sẵn sàng để nhận chuyển giao
Bên cạnh triển vọng về chuyển giao trong lĩnh vực nêu trên, riêng về vấn đề nhân lực, theo giới chuyên gia, để có sự đột phá trong chuyển giao công nghệ nói chung từ các DN FDI (vốn vẫn còn khá khiêm tốn và chủ yếu là chỉ chuyển giao công nghệ giữa công ty mẹ với công ty con trong DN FDI), rất cần Việt Nam phải đào tạo được những kỹ sư, chuyên gia giỏi nhiều ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của các DN FDI chất lượng cao khi đầu tư vào Việt Nam.
Bởi lẽ, thời gian qua có một số DN FDI muốn đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư công nghệ cao hơn ở Việt Nam nhưng lại gặp khó vì thiếu nguồn lao động kỹ thuật cao.
Hơn thế nữa, việc có tiếp nhận được công nghệ hay không còn phụ thuộc cả vào phía Việt Nam, trong đó có các DN tư nhân lớn trong nước, những DN sẵn sàng trong chuyển giao công nghệ.
Chẳng hạn như tại nhà máy sản xuất ô tô Thaco Chu Lai (ở tỉnh Quảng Nam) của CTCP tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) đã xem việc chuyển giao công nghệ từ đối tác nước ngoài là một trong những hoạt động chính của họ. Nhờ đó, thị phần các sản phẩm xe bus, xe tải, xe du lịch của họ đạt cao, tỷ lệ nội địa hoá đạt từ 22-65% tuỳ dòng sản phẩm.
Điều này cũng nhờ vào việc chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao, Thaco Chu Lai hiện có trên 2.000 kỹ sư, 1/4 trong đó là kỹ sư nghiên cứu phát triển sản phẩm.
Ông Đoàn Đạt Ninh, Phó tổng giám đốc Thaco Auto phụ trách khối sản xuất, cho biết hiện nay Thaco thực hiện chuyển giao công nghệ từ các đối tác, nhà sản xuất linh kiện phụ tùng.
Hoặc như việc hợp tác trong sản xuất kinh doanh giữa DN nội địa với DN FDI cũng được xem là cơ hội để chuyển giao công nghệ. Như mới đây Công ty TNHH Ắc quy Thành Công đã hợp tác với Ngành hàng Phụ tùng và Thiết bị ô tô của Bosch tại Việt Nam để ra mắt sản phẩm bình ắc quy được thiết kế riêng biệt cho thị trường Việt Nam.
Nói về việc hợp tác này, ông Marcio Coelho, Phó chủ tịch Ngành Phụ tùng và Thiết bị ô tô của Bosch khu vực Đông Nam Á, cho rằng điều này có ý nghĩa rất lớn nhằm hiện thực hóa tầm nhìn mở rộng sự hiện diện của ngành phụ tùng và thiết bị ô tô mà tập đoàn này hướng tới thị trường ô tô Việt Nam. Nhất là việc đẩy mạnh địa phương hóa sản phẩm của mình để phù hợp với các yêu cầu cụ thể của chủ sở hữu xe ô tô Việt Nam.
“Chiến lược này cho phép các sản phẩm của chúng tôi được thiết kế để thích ứng với từng loại xe, khí hậu địa phương và điều kiện lái xe”, ông Coelho chia sẻ.
Nói chung, để có sự đột phá về chuyển giao công nghệ từ “làn gió mới” của các DN FDI, thì đòi hỏi cần sự hợp tác chặt chẽ và thực chất hơn nữa giữa DN khối nội và khối ngoại. Song song đó là việc đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, và bản thân DN nội địa cũng phải có năng lực để nhận chuyển giao công nghệ, năng chuyển đổi, năng lực kỹ thuật số hay năng lực công nghệ.
Thế Vinh