Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. |
Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội.
Đây là chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. |
Theo Tờ trình của Chính phủ, chương trình gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023: Thứ nhất, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60.000 tỷ đồng).
Thứ hai bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53.150 tỷ đồng).
Thứ ba, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110.000 tỷ đồng).
Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113.850 tỷ đồng).
Thứ năm, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 10.000 tỷ đồng.
Nêu cụ thể về giải pháp tài khóa, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng quy mô là 291.000 tỷ đồng, gồm: Tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước là 240.000 tỷ đồng, gồm: giảm thuế, phí, lệ phí là 64.000 tỷ đồng (chưa tính đến tác động tích cực của Chương trình đến khả năng tăng thu Ngân sách Nhà nước). Chi trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước là 176.000 tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển.
Về an sinh xã hội, lao động, việc làm, sẽ cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội 5.000 tỷ đồng, bao gồm cấp bù lãi suất và phí quản lý 2.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình; hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay vốn 3.000 tỷ đồng. Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm là 3.150 tỷ đồng.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, ông Dũng cho biết sẽ hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là 40.000 tỷ đồng.
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông là 103.164 tỷ đồng; Cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và đầu tư hạ tầng chuyển đổi số là 5.686 tỷ đồng; Hạ tầng phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai là 5.000 tỷ đồng.
Đồng thời bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích, làm rõ: Cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, sự cần thiết, cấp bách của từng chính sách và tổng thể các chính sách, sự phù hợp với các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội; các quan điểm, định hướng lớn cần quán triệt để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu các kế hoạch 5 năm, hằng năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, quy mô cụ thể các nguồn lực huy động cả về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; khả năng huy động, mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, cụ thể và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, những lĩnh vực và địa bàn trọng tâm sao cho kịp thời, khả thi và hiệu quả; Phạm vi, thời gian thực hiện chính sách; Các giải pháp để tổ chức thực hiện nhanh, dễ kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách....
Thy Lê