Theo thông tin mới đây từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), trong năm 2024 Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại). Đây là lần đầu tiên chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt vị trí dẫn đầu thế giới.
Những yếu tố then chốt
Điều này đã góp phần giúp cho Việt Nam cải thiện về chỉ số đổi mới sáng tạo. Theo đó, trong hạ tuần tháng 9/2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2024 - GII) năm 2024 với Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023.
Cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo, tăng thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, cùng làn sóng chuyển đổi số toàn diện…được ví như “chìa khóa” giúp Việt Nam củng cố vị thế trung tâm trong chuỗi sản xuất toàn cầu. |
Như đánh giá từ TopDev (một nền tảng nghiên cứu về ngành công nghệ), Việt Nam là trung tâm công nghệ của khu vực ASEAN và vùng đất của cơ hội đối với đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Điều đó đến từ sự gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là yếu tố then chốt giúp Việt Nam củng cố vị thế là trung tâm công nghệ khu vực, cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhờ vào sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các nhà đầu tư quốc tế.
Xét về việc thu hút dòng vốn FDI, theo dự báo mới đưa ra từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán PHS, dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định ở mức khoảng 1,5-2 tỷ USD mỗi tháng. Sức hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài còn rất hấp dẫn. Và điều kỳ vọng là vốn FDI thực hiện vẫn có thể đạt trên 24 tỷ USD trong năm 2024 và trên 26 tỷ USD trong năm 2025.
Theo PHS, sự phát triển mở rộng của lĩnh vực bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra cơ hội cho thị trường Việt Nam. Ngoài Samsung, Hyosung, các ông lớn trong ngành bán dẫn, AI khác như Intel, Google, Nvidia, Amkor, Hana Micron, Synopsys…đều có đầu tư, hợp tác tại Việt Nam. Điều này cũng đã và đang là nền tảng rất tốt cho Việt Nam trong việc thu hút các dự án, lĩnh vực chất bán dẫn, AI mới.
Đơn cử như vào tháng 9/2024, Samsung đã công bố sẽ tiếp tục đăng ký đầu tư thêm 1,8 tỷ USD vào Việt Nam cho dự án sản xuất màn hình và linh kiện điện tử của Samsung Display. Điều này không chỉ phản ánh tầm quan trọng của Việt Nam đối với gã khổng lồ trong ngành sản xuất thiết bị điện tử, mà còn khẳng định triển vọng phát triển bền vững của ngành xuất khẩu điện tử Việt Nam trong tương lai.
Còn theo nhận định trong tháng 9/2024 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Guotai Junan, việc FDI tiếp tục tăng trưởng tốt trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia cam kết thuế tối thiểu toàn cầu cho thấy việc thu hút FDI của Việt Nam có được là nhờ sự hấp dẫn nội tại của quốc gia, chứ không phải thuần túy dựa trên các yếu tố ưu đãi. Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn với các nhà sản xuất nước ngoài trong chiến lược đa dạng hóa các địa điểm đặt nhà máy và chuỗi cung ứng.
Đứng ở góc độ của một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, ông Huỳnh Phong Phú, Giám đốc mảng kinh doanh Tự động hóa Nhà máy của Bosch Rexroth Việt Nam, cho rằng thị trường Việt Nam đang nắm giữ “chìa khóa” mở ra những cơ hội lớn cho mô hình nhà máy thông minh tại Đông Nam Á.
Vùng đất của cơ hội
Nhân việc Bosch Rexroth Việt Nam tham gia sự kiện Automation World Vietnam 2024 tại WTC Expo Bình Dương trong hạ tuần tháng 9/2024, ông Phú nhấn mạnh khi nền công nghiệp của đất nước ngày càng phát triển, phía DN cam kết hỗ trợ tối đa với những giải pháp toàn diện và công nghệ tiên tiến. Mục tiêu là tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng suất và giúp các DN duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, trở thành đối tác đáng tin cậy nhất trong lĩnh vực tự động hóa tại Việt Nam.
Ngoài việc là trung tâm của công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, việc củng cố vị thế trong thị trường logistics khu vực và toàn cầu cũng là điều mà Việt Nam đang hướng đến. Đơn cử như việc thúc đẩy thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong thời gian tới.
Ts. Majo George (Đại học RMIT) cho rằng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có khả năng nâng cao năng lực kinh tế và logistics của đất nước, định vị Việt Nam là một mắt xích chủ chốt trong lĩnh vực logistics toàn cầu.
Theo vị chuyên gia này, thời điểm “bước vào cuộc chơi” của Việt Nam không thể tốt hơn. Tham gia tại thời điểm này đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể tận dụng những tiến bộ mới nhất để triển khai mạng lưới logistics hiện đại ngay từ đầu.
“Bằng cách tối ưu hóa các tuyến vận chuyển hành khách và hàng hóa ở tốc độ 350km/h, Việt Nam có thể thu hút đầu tư nước ngoài đáng kể, nâng cao hiệu quả thương mại và củng cố hơn nữa vai trò là trung tâm logistics ở Đông Nam Á. Khả năng cung cấp các giải pháp vận tải nhanh chóng, đáng tin cậy trên toàn quốc cũng sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông George nói.
Bên cạnh đó, với làn sóng chuyển đổi số toàn diện, lan tỏa mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực quan trọng, được xem như một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam củng cố vị thế trung tâm của chuỗi sản xuất toàn cầu và là vùng đất của cơ hội. Nhất là nền kinh tế số của Việt Nam hiện chiếm khoảng 16,5% GDP quốc gia và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 20% hàng năm.
Không chỉ vậy, theo Báo cáo eConomy SEA 2023 của Google, GMV (tổng khối lượng hàng hóa được sử dụng chủ yếu trong ngành bán lẻ trực tuyến) của Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 30 tỷ USD trong năm 2023 lên 43 tỷ USD vào năm 2025. Điều này càng củng cố tiềm năng phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Ngoài ra, việc tối ưu hóa nguồn lực từ kiều hối cũng phần nào giúp cho Việt Nam có vị thế tốt hơn nữa trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Như chia sẻ của chuyên gia kinh tế Bùi Duy Tùng, việc “nắn dòng” kiều hối vào các lĩnh vực chiến lược như sản xuất và công nghệ cao có thể tạo ra những cú hích lớn cho nền kinh tế.
Theo ông Tùng, Việt Nam có thể phát triển các sản phẩm tài chính như quỹ đầu tư kiều hối, trái phiếu kiều bào. Trái phiếu kiều bào có thể được thiết kế để gắn kết trực tiếp với các dự án cụ thể, như các khu công nghiệp công nghệ cao.
Thế Vinh