Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM, cho biết hiện nay các nhà đầu tư Nhật Bản đang tập trung vào việc sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn so với những sản phẩm thông thường. Và như vậy, khả năng tăng được tỷ lệ cung ứng nội địa từ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Sẽ tăng được tỷ lệ cung ứng nội địa?
Theo ông Nobuyuki, tỷ lệ cung ứng nội địa của Việt Nam cho các nhà đầu tư Nhật Bản hiện tại là 41,9%. Nếu so với một số quốc gia trong khu vực (như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia) thì tỷ lệ này vẫn còn thấp và vấn đề mà các DN Việt cần làm là nâng tỷ lệ này lên.
Tương lai tươi sáng sẽ mở ra cho những DN Việt nếu biết cách “mở khóa” các cơ hội khai thác hiệu quả dòng vốn FDI chất lượng cao. |
“Nên lưu ý trong thông số về tỷ lệ nội địa hóa 41,9% không phải chỉ được cung ứng từ các DN Việt mà còn được cung ứng từ những DN Nhật ở Việt Nam hay những DN tại các khu vực lân cận. Do đó, nếu nói về số liệu cung ứng nội địa từ các DN Việt thực chất chỉ có khoảng 17,2%. Tuy vậy, nhìn vào tình hình năm 2024 khi kinh tế dần hồi phục, khả năng mở rộng tỷ lệ cung ứng nội địa sẽ tập trung ở những ngành như sản phẩm thiết bị chính xác, thiết bị y tế, những thiết bị liên quan đến vận tải…”, vị trưởng đại diện Jetro tại Tp.HCM chia sẻ.
Nên nhắc thêm, trong cuộc thăm dò gần đây của Jetro về triển vọng nội địa hóa trong tương lai, có 43,2% DN Nhật Bản phản hồi sẽ “mở rộng” tại Việt Nam, cao hơn nhiều so với mức trung bình 28,8% của ASEAN. Nhật Bản hiện đứng thứ 3 về giá trị đầu tư tại Việt Nam (đứng thứ 2 nếu tính cả vốn góp mua cổ phần).
Cùng với dòng vốn chất lượng cao từ Nhật Bản, trong đánh giá đưa ra vào ngày 5/8, Tổng cục Thống kê cho rằng thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng trong 7 tháng đầu của năm 2024 giữa bối cảnh đầu tư thế giới suy giảm, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào phát triển kinh tế của Việt Nam.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính đến ngày 20/7/2024, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 10.763,9 triệu USD, tăng 11,6% về số dự án và tăng 35,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước có 1.627 dự án và vốn đăng ký đạt 7.935,1 triệu USD). Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, là mức thực hiện cao nhất của 7 tháng trong giai đoạn 2020-2024.
Không chỉ vậy, việc đón nhận dòng vốn FDI chất lượng cao cũng đang được các DN Việt kỳ vọng sẽ giúp cho họ tăng được cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng mới.
Đơn cử như trong chuyến thăm cấp nhà nước mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Ấn Độ, tại những buổi làm việc, các tập đoàn lớn của Ấn Độ đã bày tỏ quan tâm đến Việt Nam và lên kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Điển hình là Gautam Adani, một trong những tỷ phú có ảnh hưởng nhất Ấn Độ, đã công bố dự định đầu tư 2 tỷ USD xây dựng cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng.
Ngoài ra, tập đoàn của tỷ phú Gautam Adani còn quan tâm tham gia vào giai đoạn 2 của sân bay quốc tế Long Thành và mở rộng sân bay Chu Lai. Hoặc như BDR Pharmaceuticals, tập đoàn dược phẩm hàng đầu Ấn Độ, đặt mục tiêu thành lập cơ sở sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam.
Tận dụng thế mạnh sản xuất để bổ trợ hoạt động đầu tư
Trước triển vọng đón dòng vốn FDI chất lượng cao từ Ấn Độ, Ts. Majo George, chuyên gia quản trị chuỗi cung ứng và logistics thuộc Đại học RMIT, nhận định các DN Việt Nam có cơ hội to lớn để tận dụng những khoản đầu tư hiện tại và tương lai từ Ấn Độ. Dòng vốn đầu tư và công nghệ của quốc gia này sẽ không chỉ hỗ trợ cơ sở hạ tầng của Việt Nam mà còn mở đường cho việc chuyển giao kiến thức, phát triển kỹ năng và đổi mới.
Theo Ts. George, trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào các lĩnh vực kinh tế truyền thống, chuyên môn và kinh nghiệm của các nhà đầu tư Ấn Độ có thể đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi này.
“Các DN trong nước có thể tận dụng thế mạnh về sản xuất và dịch vụ của mình để bổ trợ cho hoạt động đầu tư của Ấn Độ. Qua đó, có thể nâng cao chuỗi giá trị tổng thể bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, tiết kiệm chi phí, đặc biệt ở những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh”, vị chuyên gia của RMIT chia sẻ.
Không những vậy, Ts. George cho rằng DN Việt Nam nên chủ động tham gia liên doanh và liên minh chiến lược với các nhà đầu tư Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cơ sở hạ tầng, dược phẩm, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ…Hợp tác này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, cải thiện hiệu quả hoạt động và tiếp cận các cơ hội thị trường mới.
Còn đứng ở góc nhìn của các nhà đầu tư châu Âu, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa cho biết đang tích cực ủng hộ việc phê chuẩn đầy đủ Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVIPA) như một bước quan trọng để “mở khóa” toàn bộ tiềm năng của EVFTA nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nhân 4 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, phía EuroCham Việt Nam khẳng định EVFTA chắc chắn đã củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu. Khối Liên minh Châu Âu, vốn là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, đã rót 28 tỷ euro vào 2.450 dự án, nhấn mạnh niềm tin của EU vào tiềm năng của Việt Nam.
Không chỉ EVFTA, với tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), có thể thấy Việt Nam đang có nhiều cơ hội “mở khóa” để các DN nội địa cung cấp chuỗi giá trị cao cho các nhà công nghiệp quốc tế và tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao trong thời gian tới. Nhất là khi Việt Nam đang nổi lên như điểm sáng trong các lĩnh vực đầu tư mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, và công nghiệp công nghệ cao.
Điều quan trọng là các DN Việt phải nỗ lực khẳng định thế mạnh của mình, đảm bảo có thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và đổi mới hiệu quả để bước chân vững chắc vào chuỗi cung ứng ngoại chất lượng cao.
Thế Vinh