Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 7/2019 đạt 10 nghìn tấn, trị giá 20 triệu USD, giảm 4,4% về lượng nhưng tăng 9,9% về trị giá so với tháng 6/2019, giảm 14,1% về lượng và giảm 1,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2019, xuất khẩu chè ước đạt 67 nghìn tấn, trị giá 119 triệu USD, giảm 1,3% về lượng và tăng 7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè trong 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1.769 USD/tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018. Chè đen và chè xanh là hai chủng loại chè xuất khẩu chính trong nửa đầu năm 2019.
![]() |
Nhập khẩu chè của EU theo tháng giai đoạn 2018-2019 |
Phân tích về dung lượng thị trường nhập khẩu chè EU 4 tháng năm 2019 và thị phần của Việt Nam, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy tháng 4/2019, nhập khẩu chè của EU đạt 126,3 triệu USD, giảm 2,4% so với tháng 3/2019, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4/2019, nhập khẩu chè của EU đạt 514,4 triệu USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Với khoảng 513 triệu dân sống tại 28 quốc gia khác nhau, Liên minh Châu Âu (EU) là khu vực kinh tế thịnh vượng với GDP chiếm khoảng 22% GDP danh nghĩa thế giới, thu nhập bình quân đầu người lên tới 43.150 USD/người/ năm. Với dân số lớn, thu nhập cao, EU là thị trường nhập khẩu hấp dẫn với nhiều quốc gia xuất khẩu chè, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, mặt hàng chè được người dân châu Âu ưa chuộng do có tác dụng tốt cho sức khỏe. Với mức thu nhập cao, người tiêu dùng EU ưa chuộng những sản phẩm có thương hiệu gắn với chất lượng.
Do khí hậu không phù hợp để trồng chè nên chè tại thị trường EU chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Chè sau khi nhập khẩu sẽ được chế biến và tái xuất. Châu Âu chủ yếu nhập khẩu chè đen.
Về thị trường: Các thị trường cung cấp chè chính cho EU trong 4 tháng đầu năm 2019 gồm: Kê-ni-a, Đức, Ấn Độ, Xri Lan-ca... Nhập khẩu chè của EU từ hầu hết các thị trường lớn giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 25 cho EU trong 4 tháng đầu năm 2019, đạt 1,7 triệu USD, giảm 41,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 4 tháng đầu năm 2019, thị phần chè Việt Nam chỉ chiếm 0,3% trong tổng trị giá nhập khẩu của EU, giảm 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhập khẩu của EU giảm nhưng với tỷ trọng thấp và những ưu đãi khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu chè tới thị trường EU có thể vẫn còn nhiều tiềm năng.
Tuy nhiên, do EU là thị trường “khó tính” với nhiều tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, nên để khai thác thành công thị trường chè EU, các doanh nghiệp cần phải có hệ thống quản lý chất lượng tốt, cần phải đáp ứng đúng các yêu cầu về chất lượng, giá cả, sản lượng và các chứng nhận như chứng nhận hữu cơ và thương mại công bằng.
Lê Thúy