Theo ước tính của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính chung 10 tháng năm 2018, lượng chè xuất khẩu (XK) đạt 104 nghìn tấn, trị giá 173 triệu USD, giảm 9,8% về lượng và 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong 9 tháng năm 2018, XK hầu hết các mặt hàng chè đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trừ mặt hàng chè xanh. Giá XK trung bình mặt hàng chè trong 9 tháng đạt 1.654 USD/ tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu giá thấp
Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, cả nước hiện có khoảng 130.000ha chè. Việt Nam là quốc gia XK chè đứng thứ 5 thế giới, với hơn 500 cơ sở sản xuất chế biến, nhưng so với các nước trong khu vực, giá chè XK của Việt Nam thuộc diện thấp, chỉ bằng 60- 70% giá chè thế giới.
Cụ thể, theo số liệu từ Cục Thống kê Thương mại Đài Loan, Việt Nam là nhà cung cấp lớn nhất mặt hàng chè tới thị trường này trong 8 tháng năm 2018, đạt 11,9 nghìn tấn và 18,5 triệu USD, tăng 4,2% về lượng và 1,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Thị phần theo lượng chiếm tới 56,7% tổng lượng nhập khẩu (NK), nhưng do giá chè của Việt Nam thấp nên trị giá chỉ chiếm 17,4% tổng kim ngạch NK chè vào thị trường Đài Loan.
Thị trường Đài Loan NK chủ yếu mặt hàng chè đen, trong đó NK từ Việt Nam dẫn đầu về lượng, tiếp theo là Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia. Tuy nhiên, đơn giá NK chè đen từ Việt Nam thấp nên kim ngạch chỉ đứng thứ hai, sau Sri Lanka.
Với mặt hàng chè xanh, Việt Nam đứng đầu về lượng, nhưng giá NK trung bình đạt mức thấp nhất trong số các thị trường cung cấp chè xanh cho Đài Loan.
Tại Lâm Đồng – thủ phủ của ngành chè, nhiều DN chế biến chè cho biết đang gặp khó khăn trong tiêu thụ, hoặc phải bán với giá thấp hơn so với trước đây, đặc biệt là loại chè Ô Long.
Đồng thời, cùng với tin đồn thất thiệt chè Lâm Đồng trồng trên đất nhiễm dioxin, phía Đài Loan bất ngờ đưa ra quy định dư lượng fipronil (một hợp chất diệt sâu bọ phổ biến) trong chè thành phẩm không vượt quá 0,002 (MMP).
Tỷ lệ này cao hơn mức 0,005 MMP khi vào thị trường châu Âu khiến các doanh nghiệp (DN) chế biến chè và người trồng chè tại Lâm Đồng vốn lâu nay phụ thuộc vào thị trường Đài Loan điêu đứng.
Trong khi DN Việt Nam chủ yếu bán nguyên liệu thô giá rẻ do DN quy mô nhỏ, không có thương hiệu, đa phần giá trị gia tăng chè thành phẩm được các công ty nước ngoài chuyển về chế biến, đóng gói và thu giá cao gấp nhiều lần.
Nhiều DN ngoại mua chè thô từ Việt Nam, chế biến rồi xuất ngược trở lại với giá cao |
Nhập khẩu giá cao
Đặc biệt, nhiều DN ngoại đã mua chính nguyên liệu chè của Việt Nam, đem về chế biến rồi xuất lại thị trường Việt Nam. Ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc công ty TNHH Thế Hệ Mới (thương hiệu trà Cozy), cho biết người tiêu dùng Việt Nam hiện nay ngày càng ưa chuộng các sản phẩm tiện dụng từ chè như trà túi lọc, trà đóng chai uống liền… Ở phân khúc này, nhiều "đại gia" ngoại đang chi phối thị trường Việt, như Lipton, Diamond…
"Trong khi DN Việt tìm mọi cách để bán sản phẩm chè thô ra nước ngoài, thị trường trong nước lại bỏ ngỏ cho DN nước ngoài vào khai thác. Một số DN này chính là đơn vị mua nguyên liệu mà DN Việt vừa xuất đi. Như vậy, chúng ta XK giá thấp nhưng lại phải mua sản phẩm giá cao", ông Tuân nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, vấn đề lớn nhất của ngành chè hiện nay là liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và đẩy mạnh chế biến, sản xuất ra những sản phẩm chè sạch, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng.
Ông Nguyễn Đức Thu, công ty TNHH Phong Giang (Lâm Đồng), cho biết việc liên kết với người dân, tạo vùng nguyên liệu vẫn chưa tới nơi tới chốn, nên các DN gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh do không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào.
Vì vậy, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT CTCP chè Hà Thái, kiến nghị chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến các DN dám mạnh dạn đầu tư phát triển cây chè theo hình thức liên kết, giúp DN xây dựng được vùng nguyên liệu chè đảm bảo an toàn. Từ đó, DN có trách nhiệm đầu tư và kiểm soát đầu vào, kỹ năng canh tác, còn nông dân nghiêm túc thực hiện quy trình kỹ thuật nâng cao chất lượng nguyên liệu.
Đặc biệt, cách thức trồng chè, chế biến chè hiện không tuân thủ tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng chè chưa tốt. Phần lớn chè Việt vẫn chủ yếu XK sang các thị trường dễ tính, rất ít sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng vào các thị trường yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, đánh giá vấn đề thuốc bảo vệ thực vật cũng đang là rào cản trong XK chè, do vậy cần phải siết chặt kiểm soát buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, ngành chè cần phải mở rộng và tìm kiếm thị trường XK mới. Trong thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) dự báo lượng NK và tiêu dùng chè của Ảrập Xêút có xu hướng tăng liên tục trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Đến năm 2021, lượng tiêu thụ chè của nước này được dự báo sẽ đạt khoảng trên 22 nghìn tấn (theo Tổ chức Nông lương thế giới – FAO). Nhu cầu NK chè của Saudi Arabia thường tăng vào các tháng cuối năm, là cơ hội tốt để các DN Việt Nam xúc tiến XK chè sang thị trường này.
Lê Thúy
Bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT CTCP chè Hà Thái Để sản xuất được một lượng lớn chè an toàn, chất lượng cao, DN rất cần có vùng nguyên liệu riêng. Hiện tại, không phải DN làm chè nào cũng đáp ứng được điều này, nếu có thì diện tích cũng rất ít. DN chúng tôi dù đã cố gắng nhiều nhưng cũng mới sở hữu 60ha chè nên khó chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo yêu cầu nhằm giữ uy tín với khách hàng. Ts. Lục Thị Thu Hường - Trường Đại học Thương mại Cần có sự đầu tư nghiêm túc và kiên trì vào việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng chè. Đặc biệt là vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bởi đó là nguyên nhân chính khiến chè Việt Nam chưa có uy tín trên trường thế giới. Muốn vậy, DN chế biến phải đảm bảo về công nghệ sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng thành phẩm và bao bì đóng gói đẹp mắt, phù hợp với văn hóa tiêu dùng của từng thị trường XK. Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Các nhà sản xuất chè Việt Nam vẫn được khách hàng quốc tế biết đến về khả năng cung cấp khối lượng lớn, giá rẻ nhưng chất lượng XK trung bình. Để thay đổi được hình ảnh này là một thách thức lớn đối với mỗi DN nói riêng và ngành chè Việt Nam nói chung. |