Kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) những tháng đầu năm 2020 chững lại bởi dịch Covid-19, song đang có nhiều dấu hiệu cho thấy vốn FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ "bùng nổ" vào những tháng cuối năm.
Việt Nam sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết tính đến ngày 20/4/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm 2020 đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Việt Nam sẽ là điểm đến của làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc (Ảnh Tư liệu) |
Xét về giá trị, vốn đăng ký 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016-2018 (tăng 52,3% so với năm 2018, 16,4% so với năm 2017 và 79% so với năm 2016). Mức độ giảm trong 4 tháng cũng ít hơn so với 3 tháng đầu năm. Đây là chỉ dấu cho thấy đà suy giảm của vốn ngoại sẽ sớm kết thúc, thay vào đó vốn FDI được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho biết có một nhóm nhà đầu tư ở Đức đang muốn tìm hiểu để rót vốn đầu tư xây dựng các công xưởng sản xuất tại Việt Nam. "Ý định của nhóm các nhà đầu tư Đức đã có từ cuối năm ngoái, tuy nhiên đến đầu năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhóm nhà đầu tư này chưa thể sang Việt Nam để tìm hiểu, quyết định đầu tư".
Các chuyên gia đánh giá, việc Việt Nam khống chế thành công dịch Covid-19 sẽ là lực kéo luồng vốn ngoại vào nước ta trong thời gian tới.
Không chỉ thu hút vốn ngoại, Việt Nam đang có cơ hội thu hút các nhà đầu tư muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Được biết, các công ty Mỹ, Nhật, châu Âu vốn đã muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc vì giá lao động tăng và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nay sức ép từ đại dịch Covid-19 sẽ đẩy nhanh quá trình này.
Hơn nữa, quá trình chuyển dịch còn nhận được sự hỗ trợ từ chính quốc của họ. Cụ thể, Nhật Bản dành hơn 240 tỷ Yên (khoảng 2,2 tỷ USD) để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển nhà máy về trong nước hoặc đa dạng hóa cơ sở sản xuất bằng việc chuyển đến Đông Nam Á; Giám đốc Hội đồng kinh tế Quốc gia của Mỹ Larry Kudlow nói Washington nên trả phí để các công ty Mỹ đưa sản xuất rời khỏi Trung Quốc về Việt Nam.
Ts. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đánh giá trước dịch bệnh, sự chuyển dịch chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã có, chủ yếu do nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm rủi ro khi phụ thuộc quá mức vào một vài thị trường, do chi phí lao động của Trung Quốc tăng lên và đặc biệt là do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xảy ra, xu hướng này đang ngày rõ nét hơn, bởi sản xuất ở Trung Quốc đang phục hồi nhưng chi phí sản xuất, vận chuyển đắt đỏ.
"Dịch Covid-19 thúc đẩy việc dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, thúc đẩy tốc độ cơ cấu lại chuỗi giá trị và xu hướng kéo dài đầu tư sản xuất về gần thị trường tiêu thụ", ông Cung dự báo.
Việt Nam làm gì để thành "công xưởng"?
Việt Nam có thể đón làn sóng chuyển dịch này? Thực tế khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, Việt Nam được dự báo sẽ là quốc gia được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, có thể đón nhận làn sóng chuyển dịch từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế Việt Nam vẫn chưa hưởng lợi như kỳ vọng.
Lí giải điều này, Ts. Nguyễn Đình Cung cho rằng dưới góc độ toàn cầu hóa, ở đâu hiệu quả tài chính tốt hơn, chi phí đầu tư rẻ hơn thì ở đó thu hút vốn đầu tư. Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới vì đáp ứng được các điều kiện của nhà đầu tư. Điều đó có nghĩa Việt Nam muốn trở thành công xưởng, thu hút được làn sóng chuyển dịch chuỗi sản xuất từ Trung Quốc, cũng cần phải đáp ứng được các điều kiện trên, thậm chí phải hơn họ.
Theo đó, ông Cung cho rằng Việt Nam phải nhanh chóng đánh giá và hoàn thiện các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế phù hợp với yêu cầu và điều kiện mới sau đại dịch.
Riêng về công nghiệp, phải xem xét lại chương trình công nghiệp hóa, cần có chương trình, kế hoạch cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, trong đó phải xây dựng các giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó, theo các chuyên gia, để trở thành công xưởng của thế giới, Việt Nam cần phải có nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao. Tuy nhiên, dân số Việt Nam hiện đang có xu hướng già hóa, nguồn cung lao động chỉ có khả năng đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp trong 10 năm tới; trình độ, kỹ năng lao động thấp. Đây là vấn đề mà Việt Nam cần phải có hướng giải quyết trong thời gian tới.
Mặt khác, theo Ts. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - Xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT), thu hút được vốn đầu tư nước ngoài quan trọng nhưng giữ được nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp lớn ở lại còn quan trọng hơn. Các ưu đãi về thuế, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ... chỉ có thể thu hút được nhà đầu tư nước ngoài nhưng khó lòng giữ chân họ.
"Muốn giữ chân được nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn; kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ; hệ thống luật pháp ổn định, đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế thì còn phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường nội địa đủ lớn và ngày càng phát triển nhờ tầng lớp trung lưu ngày một tăng; hệ thống các doanh nghiệp nội địa đủ sức cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là đầu vào của doanh nghiệp FDI", ông Thắng nói.
Lê Thúy