Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kể lại câu chuyện về Chile là một quốc gia nằm rất xa Trung Quốc, với quãng đường vận chuyển tương đương từ Việt Nam sang Mỹ, tức là cách gần nửa vòng trái đất. Thế nhưng, quốc gia này lại xuất khẩu (XK) thành công nhiều mặt hàng rau quả sang Trung Quốc bằng đường tàu biển.
Nhìn từ kỳ tích của Chile
Theo ông Nguyên, với thời gian vận chuyển trên biển là 30 - 40 ngày nhưng một số loại trái cây của Chile (như trái anh đào, cherry, lê, kiwi…) khi đến Trung Quốc vẫn tươi tốt. Tính ra Chile hiện nay đứng thứ hai sau Thái Lan trong số các quốc gia hàng đầu XK rau quả sang Trung Quốc (Việt Nam đang được xếp thứ ba).
Để thâm nhập sâu thị trường Trung Quốc thì việc “chắp cánh” cho khâu logistics hoàn thiện hơn nữa, cũng như nâng cao năng lực vận chuyển đa phương thức là điều nên làm. |
Từ kỳ tích của Chile, vị tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đặt vấn đề tại sao họ ở xa như thế mà lại làm được như vậy, trong khi Việt Nam dù kề cận Trung Quốc nhưng kém cỏi hơn?
“Ở đây cũng nên lưu ý về công nghệ bảo quản rau quả của Việt Nam vẫn còn chưa tốt (như Chile có thể bảo quản trái cherry trong 60 ngày, còn thời gian rất lâu để bán, nên đã chiếm được thị trường Trung Quốc) và điều quan trọng hơn nữa là vấn đề về hạ tầng cơ sở logistics sẽ còn phải cải tiến nhiều hơn nữa”, ông Nguyên lưu ý.
Cũng theo vị tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, một khi khâu hạ tầng logistics được hoàn thiện thì việc gia tăng kim ngạch XK rau quả sang Trung Quốc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nhất là hoàn thiện hạ tầng giao thông, chẳng hạn như năm 2025 sẽ hoàn thành cao tốc Bắc - Nam một cách xuyên suốt, sẽ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa rau quả bằng đường bộ sang Trung Quốc.
Ngoài ra, trong việc cải tiến logistics cho nông sản Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, có thể dẫn chứng như hồi tuần rồi, đoàn tàu hỏa chở trên 200 tấn nông sản đầu tiên sau Tết Nguyên đán năm Giáp Thìn 2024 đã được khởi hành từ Sóng Thần (Bình Dương) đi Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc) với thời gian dự kiến từ 9 – 10 ngày.
Qua trao đổi với VnBusiness, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng nông sản ở các tỉnh phía Nam cho biết việc đa dạng hóa phương thức vận chuyển hàng hóa, như việc vận chuyển bằng tuyến đường sắt liên vận sang Trung Quốc là một yếu tố mà các DN rất cần. Điều này vừa giúp cho họ giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận, bảo đảm hàng hóa an toàn, hạn chế hư hỏng và đúng lịch trình vận chuyển. Một lợi ích quan trọng khác là nông sản XK vận chuyển bằng đường sắt sẽ được đi thẳng qua biên giới.
Một số DN cho biết, nếu có thể kết nối toàn bộ các tỉnh Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, và Tây Nguyên bằng đường sắt để XK nông sản qua Trung Quốc thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn, sẽ giảm tải và hiệu quả hơn đường bộ rất nhiều. Quan trọng là giá cả và chất lượng của tuyến vận chuyển đường sắt như thế nào?
Theo giới chuyên gia, việc thúc đẩy vận chuyển nông sản XK sang Trung Quốc bằng đường sắt là điều nên làm sớm. Bởi lẽ chi phí vận chuyển hàng hóa qua đường sắt thấp vì giá cước của hình thức giao nhận này ít bị tác động bởi sự lên xuống thất thường của giá cả thị trường. Theo đó, dù thị trường xăng dầu có nhiều biến động thì ít khi chi phí vận chuyển đường sắt thay đổi theo. Vì vậy nên gửi nông sản qua đường sắt thường đảm bảo khá tốt về mặt chi phí cho các DN.
Phải nâng cao năng lực vận chuyển
Hơn nữa, khi XK nông sản qua đường sắt còn đảm bảo khá tốt về thời gian giao nhận hàng hóa tại Trung Quốc. Nếu như tuyến đường bộ dễ bị tác động bởi ngoại cảnh thì đường sắt lại ít bị gián đoạn hơn rất nhiều.
Đó cũng là lý do mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang xây dựng và trình Chính phủ phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế đường sắt với 8 khu ga, trong đó quy hoạch Ga Sóng Thần trở thành ga trọng điểm hàng hóa phía Nam.
Về phía Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam cho biết sẽ hình thành 2 tuyến đường sắt để phục vụ cho việc XK nông sản sang Trung Quốc, đó là: Sóng Thần - Đồng Đăng, Sóng Thần - Lào Cai. Từ đây, hàng hóa đi bằng đường sắt từ các tỉnh phía Nam sẽ kết nối nhanh hơn với Trung Quốc.
Cần nhắc thêm, trong tháng 2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện yêu cầu Bộ GTVT tập trung tổ chức các giải pháp nhằm hiện đại hóa hệ thống đường sắt và nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt để tăng lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản XK sang Trung Quốc.
Ngoài ra, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thúc đẩy đa dạng hóa kênh phân phối truyền thống qua chợ đầu mối, trung tâm dịch vụ logistics nông sản giữa các cặp cửa khẩu với Trung Quốc, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản chính ngạch qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Về việc này, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho biết có rất nhiều DN thương mại điện tử ở Trung Quốc tại các tỉnh nằm sâu trong đất liền đều có chính sách hình thành khu ngoại quan. Cho nên, khi DN của Việt Nam đưa nông sản nhập vào kho ngoại quan, tổ chức livestream (hình thức quay video phát trực tiếp) trên nền tảng TMĐT sẽ rất phù hợp với xu thế tiêu dùng của Trung Quốc.
Ngoài ra, theo ông Tiến, việc thuê kho ngoại quan ở các địa phương nằm sâu trong nội địa Trung Quốc cũng cần được các DN XK nông sản hướng tới. Để từ đó đưa nông sản Việt sang tập kết tại hệ thống kho này, trước hết là tập trung ở các mặt hàng nông sản chế biến như yến, trái cây chế biến, rau củ quả, gạo, cà phê…Sau đó, khi đẩy mạnh được hệ thống logistics tốt hơn thì sẽ mở rộng sang sản phẩm trái cây tươi.
Thế Vinh