Ghi nhận từ bộ phận truyền thông của Thaco Group vào ngày 19/2 cho thấy, cảng Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) nhộn nhịp những chuyến hàng đầu năm mới sau Tết Nguyên đán. Trong đó phải kể đến Tổng công ty vận tải đường bộ Thilotrans đã vận chuyển xuyên biên giới 10 chuyến trái cây cho Tập đoàn Thaco Agri (công ty này đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu nông sản năm 2024 là 190 triệu USD) và hơn 300 tấn tinh bột sắn cho Công ty chế biến bột sắn Attapeu từ Lào về cảng Chu Lai để xuất khẩu (XK).
Nhộn nhịp các chuyến hàng
Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu XK hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) ngay sau Tết cổ truyền, phía Thilotrans đã bố trí 20 phương tiện, vận chuyển gần 16.000 tấn dăm gỗ cho Công ty Thanh Thành Đạt để XK từ cảng Chu Lai sang thị trường Trung Quốc.
Đơn hàng XK nông sản của các DN nhỏ và vừa được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều khởi sắc trước khí thế mới giữa mùa xuân 2024. |
Trước khí thế của mùa xuân mới, cảng Chu Lai đặt mục tiêu sản lượng hàng hóa qua cảng đạt gần 5 triệu tấn trong năm 2024 (tăng 62% so với năm 2023). Công ty TNHH Giao nhận – Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (Thilogi) đang hướng đến mục tiêu đưa Chu Lai trở thành trung tâm logistics quốc tế, kết nối với khu vực Tây Nguyên, Lào, Campuchia, góp phần phát triển ngành logistics Việt Nam.
Còn tại các địa phương ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ghi nhận ở tỉnh Đồng Nai cho thấy trong 7 ngày thuộc dịp Tết Nguyên đán 2024 đã XK hàng hóa đạt hơn 29,11 triệu USD. Tại tỉnh Bình Dương, trong 7 ngày nghỉ Tết, lực lượng hải quan tỉnh đã thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 8 triệu USD.
Tại Tp.HCM, trong tuần đầu Tết Nguyên đán, ở Cảng Tân Cảng - Cát Lái đã đón 75 chuyến tàu làm hàng XK, sản lượng thông qua cảng là 72.000 teus, tương đương hơn 1 triệu tấn hàng hóa (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023). Trong ngày Tết, cảng này có 190 lô hàng XK (chủ yếu là hàng nông sản, đồ gỗ, thủy sản) với kim ngạch hơn 9,54 triệu USD.
Riêng cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã nhộn nhịp với nhiều chuyến tàu cập làm hàng ngay từ đầu xuân. Đơn cử như siêu tàu One Infinity có sức chở 24.136 TEU, trong thời gian cập cảng vào ngày Tết đã xếp dỡ 3.807 container hàng hóa xuất nhập khẩu, sau đó tiếp tục hành trình tới cảng Singapore và Rotterdam. Tàu One Aquila với sức chở 14.052 TEU, chuyên khai thác kết nối Việt Nam và Mỹ, cũng đã cập cảng để lấy hàng XK. Tính ra, trong các ngày Tết, Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải quyết thủ tục cho 106 tờ khai XK, với kim ngạch XK đạt 15 triệu USD.
Vòng lên các tỉnh biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc. Ghi nhận ở các cửa khẩu tại Lạng Sơn cho thấy từ ngày 14/2 đến nay lượng phương tiện vận chuyển hoa quả XK lên các cửa khẩu của Lạng Sơn bắt đầu tăng mạnh để phục vụ nhu cầu thị trường Trung Quốc trong dịp rằm tháng Giêng. Dự báo trong những ngày tới, lượng hàng hóa đến các cửa khẩu của tỉnh này ngày càng tăng.
XK hàng hóa nông sản sang Trung Quốc trong những ngày đầu xuân nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Như các ngày 8 – 14/2, đơn vị hải quan ở Lạng Sơn đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục thông quan XK cho 585 phương tiện vận chuyển hàng XK, trong đó có gần 13.000 tấn nông sản và hoa quả của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Sẽ có những bước đột phá?
Tương tự, tại các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai có cửa khẩu biên giới đường bộ với Trung Quốc hoạt động XK trái cây (như thanh long, sầu riêng, dưa hấu, bưởi, mít, chôm chôm, xoài, chuối) và thủy hải sản cũng tăng mạnh.
Qua trao đổi với VnBusiness, nói về khí thế mới giữa mùa xuân cho hoạt động XK rau quả trong năm 2024 này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả, cho rằng với thị trường gần như Trung Quốc thì ngành rau quả Việt phải tận dụng thật tốt. Nhất là khi phía Trung Quốc về lâu về dài vẫn luôn cần mua nguồn hàng rau quả từ Việt Nam vì vừa có lợi thế rẻ hơn (do chi phí logistics thấp) và vừa có chất lượng tương đương với rau quả của các quốc gia khác.
Theo ông Nguyên, mặt hàng rau quả là mặt hàng thiết yếu trên thị trường XK, và sau đại dịch Covid-19 đã càng chứng minh cho điều đó với những mặt lợi ích về bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng. Cho nên càng ngày người tiêu dùng trên thế giới càng chú trọng đến tiêu thụ rau quả. Hơn nữa, trong xu thế hiện nay là giảm phát thải nhà kính, ít sử dụng thịt động vật để góp phần giảm phát thải. Do đó, mặt hàng rau quả XK của Việt Nam sẽ ngày càng đi lên, tăng mạnh về kim ngạch trước các xu hướng này.
Còn theo luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, trước khí thế mới với những chuyến hàng XK giữa mùa xuân thì điều kỳ vọng là “đầu có xuôi thì đuôi sẽ lọt”, tin rằng hoạt động XK nói chung dù vẫn còn đối mặt không ít thách thức nhưng sẽ có những bước đột phá hơn trong năm 2024. Điều này đòi hỏi các nhà XK của Việt Nam sẽ cần phải am hiểu thị trường nhiều hơn nữa, linh hoạt lựa chọn thị trường phù hợp với năng lực của DN mình.
Ông Tuấn cho rằng các nhà XK ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mong muốn có thêm nhiều tuyến đường cao tốc kết nối các tỉnh trong khu vực, đặc biệt là kết nối với cảng biển Cái Mép - Thị Vải nhằm giúp cho hàng hóa XK của DN ngày càng khơi thông nhanh chóng, giảm được thời gian và chi phí logistics.
Và điều quan trọng nữa, như chia sẻ của vị luật gia này, để có sự đột phá trong hoạt động XK như kỳ vọng với khí thế mới thì bản thân các DN cần phải tiếp tục nắm bắt tận tường và tận dụng thật tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới. Họ phải hiểu rõ các FTA đã và đang tác động trực tiếp đến với bản thân họ, có như vậy thì việc XK vào các thị trường có FTA sẽ ngày càng hiệu quả hơn nữa.
“Mặt khác, biện pháp đánh thuế carbon với hàng hóa nhập khẩu đang ngày càng được quan tâm tại các thị trường XK lớn của Việt Nam. Cho nên trước khí thế mới giữa mùa xuân thì các DN xuất khẩu cần nâng cao nhận thức về những yêu cầu và tác động của cơ chế đánh thuế carbon đối với lĩnh vực hoạt động của mình, đồng thời cân nhắc những chi phí để tuân thủ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Thế Vinh