Từ 1/5, nhiều doanh nghiệp như MNS Feed, De Heus, Emivest Feedmill, C.P Việt Nam, Greenfeed Việt Nam, CJ Vina Agri... tiếp tục điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi tăng 300 - 400 đồng/kg. Đây là lần tăng giá thứ 13-14 của các doanh nghiệp này kể từ cuối năm 2020 đến nay.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết ước tính từ đầu năm 2022 đến nay đã có 4 đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi, trung bình hơn 1 tháng lại có một điều chỉnh tăng giá mới, mỗi lần tăng từ 300-400 đồng/kg. Đáng chú ý, các loại thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng 300 đồng/kg lại là loại ít sử dụng hơn các sản phẩm được điều chỉnh tăng 400 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi trong nước đã có 4 lần điều chỉnh tăng. |
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tính toán, những loại thức ăn phổ thông sử dụng nhiều nhất là tăng 400 đồng/kg, tương đương tăng 10.000 đồng/bao cám/lần điều chỉnh. Trải qua 4 lần tăng như vậy, mỗi bao cám đã tăng lên 40.000 đồng. "Ước tính mỗi con lợn hơi với cân nặng 100 kg phải sử dụng 10 bao cám để được xuất chuồng, như vậy mỗi con lợn hơi đã đội thêm 400.000 đồng tiền cám, cộng thêm các chi phí khác cũng đội lên khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Trong khi đó, với giá bán trung bình khoảng 55.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng, người chăn nuôi chỉ có thể hòa vốn nếu chủ động được con giống, còn không thì sẽ lỗ 500.000 - 600.000 đồng/con.
"Trước đây, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 70% trong cơ cấu giá thành chăn nuôi, giờ đã đội lên khoảng 80% chi phí giá thành chăn nuôi. Một khi chăn nuôi không có lời thì chắc chắn người chăn nuôi phải giảm đàn, "treo chuồng", ông Đoán chia sẻ.
Trước đó, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, cho biết với giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh như hiện nay, mỗi một con lợn hơi xuất chuồng với trọng lượng 100kg, người nông dân lỗ từ 300 - 500 nghìn đồng. Chăn nuôi nông hộ đang ngày càng giảm dần.
Trong khi đó, Cục Chăn nuôi đánh giá giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh sẽ làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.
Với những doanh nghiệp chăn nuôi lớn thì lợi nhuận quý I năm nay cũng suy giảm nhiều. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Dabaco, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng 38,2%, lên 2.551 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của Dabaco chỉ còn 254 tỷ đồng, giảm gần 2,5 lần so với quý I/2021. Sau khi trừ các chi phí, công ty chỉ lãi sau thuế 8,6 tỷ đồng, trong khi thời gian này năm ngoái lãi 365 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất 10 quý gần đây của Dabaco.
Dabaco lý giải nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm là do việc đứt gãy chuỗi cung ứng và những khó khăn từ dịch bệnh đã ảnh hưởng tới sản xuất, tiêu dùng, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá sản phẩm chăn nuôi lại không tăng.
Khó sử dụng nguyên liệu nội để sản xuất
Dù lợi nhuận các doanh nghiệp chăn nuôi suy giảm, song ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho rằng các doanh nghiệp vẫn hơn người chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhiều doanh nghiệp sở hữu chuỗi chăn nuôi khép kín, tự chủ thức ăn chăn nuôi nên vẫn có thể tồn tại, phát triển được trong bối cảnh hiện nay.
Thậm chí, ông Đoán cho rằng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn có tầm ảnh hưởng để quyết định giá bán, nếu tăng giá bán quá cao, người chăn nuôi nhỏ lẻ ồ ạt mở rộng chuồng trại, vô tình sẽ cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp. Vì vậy, với mức giá bán như hiện nay, doanh nghiệp chăn nuôi vẫn có lợi.
Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi có thể tiếp tục tăng, ông Đoán cho rằng người chăn nuôi không còn cách nào khác là tạm thời chưa mở rộng quy mô chuồng trại.
Ông chia sẻ: Chăn nuôi quy mô nhỏ vài con thì còn thể chủ động sử dụng thức ăn như ngô, khoai... Với quy mô từ 50 con trở lên, thì bắt buộc người chăn nuôi phải mua cám. Hơn nữa, trước giờ nhiều ý kiến cũng cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay là tiết giảm chi phí. Song việc triển khai trên thực tế không dễ như vậy, bởi khẩu phần ăn một con lợn là 2,5 kg cám/ngày, nếu bớt xuống 2 kg sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe vật nuôi, dịch bệnh...
Hơn một năm qua, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng "phi mã", nhiều giải pháp cũng đã được cơ quan tính đến, song vẫn không thể "hạ nhiệt" được mặt hàng này. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết nguyên nhân lớn nhất là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc nhập khẩu từ bên ngoài.
Là doanh nghiệp đang phát triển nhanh mảng chăn nuôi, ông Phan Ngọc Ấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc BaF Việt Nam cho biết sắp tới doanh nghiệp này còn thể bán một phần cám ra thị trường. Tuy nhiên, điều ông Ấn còn băn khoăn là giải pháp về nguyên liệu.
"Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thời qua tăng, trước đây tôi cũng có tham gia nhiều cuộc họp với Cục Chăn nuôi để bàn cách hạ giá nhưng còn băn khoăn về giải pháp nguyên liệu. Hiện nay, khó khăn nhất là phần xử lý sau thu hoạch, nguyên liệu không ổn định", ông Ấn cho hay.
Theo lãnh đạo BaF, bắp nội nhiều nhưng dùng cho chăn nuôi còn bất cập, nhất là thức ăn gia cầm, vì không có công nghệ sấy, xử lý đáp ứng yêu cầu như mong muốn. Hiện nay, doanh nghiệp vẫn phải sử dụng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ bắp nhập khẩu, dẫn tới khi bắp nhập tăng thì giá cám phải tăng lên. Điều này cho thấy, giá thức ăn chăn nuôi muốn giảm thì trước hết phải chủ động được nguồn cung nguyên liệu trong nước.
Lê Thúy