Trong tháng 11 này, CTCP tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn Olmix (Pháp) đã ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn Halal để xuất khẩu (XK) vào thị trường các quốc gia Hồi giáo.
Hướng đi chiến lược vào thị trường Halal
Còn theo tiết lộ mới nhất là việc CTCP chăn nuôi C.P. Việt Nam đang chuẩn bị các công việc cần thiết để XK sản phẩm thịt vào thị trường Halal. Do mỗi quốc gia Hồi giáo sẽ có yêu cầu khác nhau nên công ty này sẽ nghiên cứu các yêu cầu chứng nhận Halal cho từng quốc gia, cũng như chờ quy trình phê duyệt hoàn tất cho việc cấp giấy phép XK các sản phẩm thịt gà.
Để các sản phẩm thịt của Việt Nam vào nhóm hàng xuất khẩu “tỷ đô” vẫn đang chờ tham vọng lớn hơn từ các DN chăn nuôi lớn của khối nội. |
Hay như tập đoàn De Heus (100% vốn đầu tư của Hà Lan) trong chia sẻ gần đây cũng bày mong muốn xây dựng các giải pháp XK thịt gà, các sản phẩm chế biến từ thịt gà, trứng gia cầm của Việt Nam sang các nước Hồi giáo. Doanh nghiệp (DN) này đã triển khai các giải pháp đồng bộ để đến năm 2026 sẽ XK các sản phẩm chăn nuôi của mình sang thị trường Halal.
Không chỉ với những công ty nêu trên (đa phần có liên quan đến hệ sinh thái của khối ngoại), một số doanh nghiệp (DN) chế biến thịt ở Việt Nam cũng đang muốn tiếp cận thị trường Halal (hiện có khoảng trên 2 tỷ người, chiếm khoảng 25% tổng dân số toàn cầu). Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao về hướng đi chiến lược này, điều quan trọng là phía DN đủ tiêu chuẩn XK, đạt tiêu chuẩn Halal.
Thời gian qua Bộ NN&PTNT đã làm việc với các DN, tập đoàn lớn như C.P. Việt Nam, Hùng Nhơn, De Heus để XK các sản phẩm chăn nuôi thị trường Halal. Tuy vậy, cần lưu ý thị trường thực phẩm Halal dù có triển vọng rất lớn (với chi tiêu cho thực phẩm của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050) nhưng cũng là thị trường khó tính.
Thông tin đưa ra tại hội thảo bàn về việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm thực phẩm Halal được tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 14/11 có chỉ rõ nhu cầu đối với các sản phẩm Halal ngày càng gia tăng nhưng đòi hỏi là những sản phẩm tuân thủ luật Hồi giáo, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt từ thành phần đến quy trình sản xuất, chế biến và vận chuyển.
Và thách thức lớn cho các nhà XK sản phẩm thịt của Việt Nam khi nhắm đến thị trường Halal chính là ngoài tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe thì còn có tín ngưỡng với các sản phẩm này, nên đòi hỏi các DN có tiềm năng lớn với sản phẩm lợi thế mới có thể cạnh tranh được.
Bên cạnh đó, theo một lãnh đạo của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), vẫn còn một số khó khăn nhất định đối với sản xuất và XK sản phẩm Halal như chi phí đầu tư cao, thông tin về văn hóa thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal chưa nhiều.
Chẳng hạn như để có sản phẩm thịt XK sang thị trường Halal, các DN ở Việt Nam cần thực hiện theo quy định Halal, từ con giống, nhà máy thức ăn, giết mổ, chế biến... Không những vậy, quy định Halal rất quan tâm đến nhà máy giết mổ, chế biến theo quy định của Hồi giáo.
Ngoài thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức nêu trên, để đưa XK các sản phẩm thịt vào nhóm ngành XK “tỷ đô” của Việt Nam đang rất cần nhắm đến những thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Vẫn chờ tham vọng từ khối nội
Chẳng hạn như thị trường Trung Quốc với quy mô 1,4 tỷ dân, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thịt lên tới khoảng 400 tỷ USD/năm, thế nhưng XK các sản phẩm thịt của Việt Nam vào quốc gia láng giềng này vẫn còn bỏ ngỏ. Điều mong đợi là thời gian tới Việt Nam sẽ ký được Nghị định thư với Trung Quốc về XK thịt gia cầm và trong tương lai có thể tiếp tục đàm phán Nghị định thư về XK thịt lợn. Có như vậy mới có thể hy vọng đưa XK sản phẩm chăn nuôi vào nhóm “tỷ đô”.
Còn hiện tại, số liệu thống kê cho thấy trong 10 tháng trở lại đây, tổng giá trị XK các sản phẩm chăn nuôi mới chỉ đạt 423,5 triệu USD (tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023). Như thế có thể thấy việc hướng đến mục tiêu giá trị XK sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 – 1,5 tỷ USD vào năm 2025 xem ra vẫn sẽ là một thách thức lớn.
Giới chuyên gia cho rằng tham vọng đạt kim ngạch XK “tỷ đô” là một trong những giải pháp góp phần tạo đầu ra bền vững cho ngành chăn nuôi của Việt Nam. Nhất là khi các tập đoàn, DN trong và ngoài nước đang tiếp tục đầu tư mạnh vào chăn nuôi theo hướng công nghiệp với quy mô lớn. Hơn nữa, Chính phủ đang rất quan tâm đến việc XK sản phẩm chăn nuôi.
Và điều mong đợi là các DN lớn của khối nội cần thể hiện rõ tham vọng XK sản phẩm thịt, bởi trên thực tế vẫn còn không ít nhà chăn nuôi chưa tỏ rõ việc này dù cho họ không ngừng mở rộng quy mô hoạt động.
Đơn cử như CTCP BAF Việt Nam trong tháng 11/2024 đã thâu tóm 5 DN chăn nuôi ở tỉnh Quảng Trị trước mục tiêu mở rộng 100 trang trại theo mô hình khép kín 3F (từ trang trại đến bàn ăn) với 10 triệu con heo thịt vào năm 2030. Trước đó, hồi tháng 9/2024, họ đã ký kết hợp tác chiến lược với Muyan (một tập đoàn chăn nuôi - thực phẩm hàng đầu thế giới đến từ Trung Quốc) nhằm cải tiến toàn diện hệ thống chuỗi khép kín.
Hay như CTCP tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) trong thời gian tới hướng đến tăng đàn heo thịt lên mức 1,5 triệu con. Theo đánh giá mới nhất từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán MBS, phía DBC có được lợi thế về mô hình chăn nuôi chuyên nghiệp, khép kín, cùng với khả năng tái đàn sớm ngay từ quý 1/2024 sẽ giúp chủ động được nguồn cung ra ngoài thị trường. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất chăn nuôi hạ nhiệt ước tính khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2023 sẽ giúp cho mảng chăn nuôi của DBS có lợi nhuận khả quan trong năm 2024-2026.
Thế nhưng, liệu những DN chăn nuôi lớn của khối nội như BAF hay DBC có hướng đến đẩy mạnh XK các sản phẩm thịt hay không và nhắm đến những thị trường chủ lực vẫn đang là dấu hỏi, nhất là khi hướng đi chính của họ là thị trường nội địa. Còn thực tế, ngoài tham vọng XK của một số nhà chế biến sản phẩm thịt ở Việt Nam có liên quan đến hệ sinh thái khối ngoại thì đa phần các DN chăn nuôi nội địa đang lần dò từng bước đi trên con đường XK còn nhiều thách thức phía trước.
Thế Vinh