Công ty CP Tập đoàn Thành Công (TC Group) vừa có công văn gửi tới Văn phòng Chính phủ, các Bộ KH&ĐT, Công Thương, Tài chính. Trong văn bản này, TC Group bày tỏ lo ngại nguy cơ lạm phát trong năm 2023 vượt quá mức trần 4,5% sẽ phần nào tác động đến tâm lý khiến người tiêu dùng cẩn thận hơn trong tiêu dùng hàng ngày và sẽ thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao như ô tô.
Lạm phát khiến doanh số bán ô tô suy giảm
TC Group cũng đưa ra các con số để thấy rằng sản lượng tiêu thụ xe ô tô bắt đầu suy giảm đột ngột. Theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng tiêu thụ toàn thị trường trong quý IV/2022 (xét riêng với xe du lịch) là 104.735 xe, giảm 14,25% so với cùng kỳ năm 2021.
![]() |
Doanh số bán ô tô giảm mạnh, doanh nghiệp xin Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ. |
Căn cứ thực tế thị trường những tháng đầu năm 2023, doanh số toàn thị trường xe ô tô cả năm (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) bị cảnh báo sụt giảm xấp xỉ 17,5% so với năm 2022, tương đương với hơn 85.500 xe.
"Trong trung hạn, việc sụt giảm trong năm 2023 sẽ kéo theo tốc độ “ô tô hóa” tại Việt Nam chậm lại so với dự kiến (trong điều kiện thị trường tăng trưởng ổn định và không bị tác động bởi các yếu tố như kinh tế, dịch bệnh…). Thị trường xe ô tô (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) có nguy cơ mất 7% sản lượng bán ra trong 5 năm tới, tương đương 1.807.000 xe", TC Group cho biết.
Trước tình hình trên, TC Group đề xuất Chính phủ xem xét ban hành chính sách gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong năm 2023. Đồng thời, hỗ trợ chi phí đăng ký cho người dân khi thực hiện tiêu dùng và đăng ký sở hữu xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, mức hỗ trợ tương đương 50% lệ phí trước bạ áp dụng với phương tiện đăng ký, áp dụng ít nhất trong thời hạn 1 năm.
Cùng với TC Group, VAMA và Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất Chính phủ gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Các Hiệp hội doanh nghiệp và địa phương này kiến nghị, với đặc thù các chính sách khi mới ban hành luôn có độ trễ nhất định, do vậy các chính sách đề xuất trên cần sớm được ban hành áp dụng từ đầu quý II/2023 để phát huy hết hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương đánh giá sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương nhận định sức ép lạm phát, lãi suất gia tăng cũng đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như ô tô. Thị trường ô tô trong 2 tháng đầu năm 2023 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ các năm do lãi suất vay tiêu dùng cao khiến người dân không bảo đảm nguồn tài chính mua trả góp.
Tăng thu nhập cho người dân để kích cầu
“Mặt khác, thói quen tiêu dùng trong thời kỳ COVID-19 của một bộ phận người dân vẫn được duy trì đến thời điểm hiện tại, người lao động mất việc làm, theo đó, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm để tiêu dùng các sản phẩm thiết yếu hơn là các sản phẩm xa xỉ, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép….”, Bộ Công Thương nêu.
Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, thị trường hàng hóa tháng 2 kém sôi động hơn, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm so với tháng trước do nhiều mặt hàng đã được mua sắm nhiều trong giai đoạn trước Tết, đồng thời do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, thu nhập không ổn định. Thị trường chủ yếu sôi động với các hoạt động phục vụ các lễ hội sau Tết Nguyên đán. Nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm nhiều so với tháng trước do người dân chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng này trong giai đoạn trước Tết.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 2 ước đạt 481.832 tỷ đồng, giảm 6% so với tháng trước, trong đó doanh thu của hầu hết các nhóm hàng đều giảm: Bán lẻ hàng hóa giảm 6,7%; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 3,2%, du lịch giảm 20,3%; dịch vụ khác giảm 2,6%.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trường Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng bán lẻ trong nước vẫn chưa lấy lại được đà như trước COVID-19. Trong bối cảnh này, giải pháp hiệu quả nhất là tăng thu nhập cho người dân để họ chi tiêu, thông qua chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, tăng đầu tư công để tạo công ăn việc làm, kích tổng cầu trong nước, giúp người dân có khả năng chi tiêu.
“Đây là những giải pháp không chỉ đúng trên lý thuyết kinh tế học mà trên thực tế, chính sách hỗ trợ phục hồi cầu tiêu dùng trong các thời kỳ khó khăn đều xử lý như thế”, ông Cung nhấn mạnh.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cho biết sẽ đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam.
Lê Thúy