Thông tin đưa ra vào ngày 27/12 về việc CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) quyết định chuyển nhượng 99% cổ phần của CTCP Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai như nối dài thêm các thương vụ M&A bệnh viện trong thời gian gần đây.
Khối ngoại đang tranh “miếng bánh”
Cụ thể, trong nghị quyết được Hội đồng quản trị HAG thông qua vào tháng 12/2023 đã quyết định số lượng cổ phần chuyển nhượng là 9,9 triệu cổ phần, chiếm 99% vốn điều lệ tại Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai (nằm tại trung tâm Tp.Pleiku (tỉnh Gia Lai), được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa HAG và Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM, có tổng số vốn đầu tư là 250 tỷ đồng).
Dư địa tăng trưởng của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, thực hiện các thương vụ M&A. |
Cách đây không lâu, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT của HAG, từng cho biết đã có đối tác muốn mua bệnh viện nhưng theo nguyên tắc bảo mật, hai bên đang tiến hành đàm phán nên không thể tiết lộ thông tin chi tiết.
Từ câu chuyện bán bệnh viện nêu trên cũng để thấy “sức nóng” M&A trong lĩnh vực y tế và dược phẩm đã kéo dài cho đến những ngày cuối cùng của năm 2023. Nhất là khi trong năm nay đã có khá nhiều thương vụ M&A đình đám ở lĩnh vực này với giá trị hàng trăm triệu USD.
Điển hình như thương vụ thâu tóm Bệnh viện FV (bệnh viện quốc tế Pháp Việt) của Thomson Medical Group (TMG), tập đoàn có trụ sở ở Singapore với giá 381,4 triệu USD hồi tháng 7/2023.
Hoặc như hồi tháng 8/2023, tập đoàn dược phẩm của Hàn Quốc là Dongwha Pharm đã ký thỏa thuận mua lại 51% cổ phần tại Trung Sơn Pharma (một công ty đang điều hành chuỗi nhà thuốc lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ) trong một giao dịch tiền mặt trị giá khoảng 30 triệu USD.
Hay như hồi tháng 10/2023, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) ở Tp.HCM đã công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Tập đoàn y tế Raffles Medical (RMG) của tỷ phú Singapore Loo Choon Yong. Theo đó, RMG mua phần lớn cổ phần của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ, chủ đầu tư của AIH và tham gia vào các hoạt động quản trị, quản lý vận hành bệnh viện này.
Có thể kể thêm thông tin gần đây về việc tập đoàn đầu tư khổng lồ KKR của Mỹ đàm phán với Heliconia Capital (một quỹ đầu tư Singapore thuộc sở hữu của Temasek Holdings) để mua lại 100% chuỗi bệnh viện mắt tư nhân lớn nhất Việt Nam là Tập đoàn Y khoa Sài Gòn (SMG).
Như vậy, thực tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang tranh miếng bánh y tế và dược phẩm tại Việt Nam, từ việc dồn dập các thương vụ M&A bệnh viện và công ty dược. Theo giới quan sát, các nhà đầu tư nước ngoài thường nhắm đến những bệnh viện, công ty dược có triển vọng tốt về mặt lợi nhuận, có thị phần lớn.
Hơn nữa, tiềm năng của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam và trong khu vực cũng đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo Ts. Đặng Phạm Thiên Duy (Đại học RMIT), ở khu vực Đông Nam Á, ước tính chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến năm 2025 có thể đạt 740 tỷ USD. Trong đó, riêng Việt Nam là đất nước có dân số đông, với tỷ lệ người lớn tuổi được dự đoán sẽ chiếm tới 16,53% trước năm 2030 (một nguồn khách hàng lớn trong lĩnh vực y tế).
Khối nội cần nâng cao sức chống đỡ
Bên cạnh đó, như chia sẻ của ông Duy, thế hệ Z (nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012) rành sử dụng công nghệ, quan tâm và hiểu biết nhiều hơn về sức khỏe cá nhân, cũng dần chiếm lĩnh thị trường. Hơn nữa, các bệnh không truyền nhiễm liên quan đến lối sống dần trở thành các xu hướng khó tránh khỏi, là cơ sở cho dư địa tăng trưởng ở khu vực y tế tư nhân.
Riêng với mảng dược phẩm, sức hấp dẫn giới đầu tư khi Việt Nam được các tổ chức đánh giá là một trong những thị trường “dược phẩm mới nổi” - một nhóm các quốc gia có tỷ lệ thâm nhập dược phẩm tương đối thấp và tiềm năng tăng trưởng cao
Trong báo cáo trong tháng 12/2023 về triển vọng ngành chăm sóc sức khỏe năm 2024, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng tăng trưởng mảng này dự phóng ở mức tăng trưởng kép (CAGR) 6% trong 5 năm tới. Điều này dựa sự thay đổi lớn về bệnh tật cũng như mức gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.
Theo dự phóng từ chuyên gia phân tích của Mirae Asset, giá trị ngành dược phẩm ở Việt Nam năm 2023 sẽ đạt 7,24 tỷ USD (tăng 3,4% so với năm 2022) và đến năm 2024 sẽ đạt 7,89 tỷ USD (tăng 9,1% so với năm 2023).
Trong đó, kênh ETC (các loại thuốc bán theo đơn bác sĩ, kênh đấu thầu tại sở y tế và bệnh viện) tăng trưởng mạnh hơn kênh OTC (các loại thuốc bán không cần kê đơn, kênh bán lẻ của các nhà thuốc) nhờ sự bao phủ bảo hiểm toàn dân đã đạt 93%. Dự phóng giá trị mảng ETC năm 2023 đạt 5.48 tỷ USD (tăng 3,5%) và năm 2024 đạt 6 tỷ USD (tăng 9.4%).
Theo đánh giá, các doanh nghiệp (DN) dược phẩm nội địa sẽ tiếp tục gia tăng lợi thế cạnh tranh nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt ở mảng thuốc ETC.
Còn theo Vietnam Report, với vị thế là một ngành thiết yếu, ít chịu ảnh hưởng từ những “rung lắc” của thị trường và sự suy giảm của kinh tế, trong bối cảnh ảm đạm của đa số lĩnh vực trong năm 2023 thì ngành dược dù không hoàn toàn “miễn dịch” song vẫn là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh.
Kết quả khảo sát các DN cho thấy, ngành dược nhiều khả năng sẽ phục hồi trước nhịp phục hồi của nền kinh tế và tình hình sẽ có những cải thiện đáng kể trong quý 4 năm 2024. Theo Vietnam Report, với dư địa phát triển lớn, ngành dược đang đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện và bứt phá trở thành một trong những trụ cột kinh tế.
Nói chung, với sức hấp dẫn của thị trường chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam thì lẽ đương nhiên sẽ khó tránh khỏi những “cuộc đua” cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà đầu tư nước ngoài với các DN nội địa trong lĩnh vực này. Để tránh phải bán mình và trụ vững, khẳng định vị thế đang đòi hỏi các DN Việt trong lĩnh vực y tế và dược phẩm cần tiếp tục nâng cao sức chống đỡ giữa trật tự mới trên thị trường.
Thế Vinh