Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Sông Hương Foods (chuyên sản xuất mặt hàng thực phẩm, gia vị), cho rằng thị trường cuối năm nay thực sự khó khăn. Thứ nhất là sức mua giảm rõ rệt. Thứ hai là thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe.
“Luồn lách” trong giai đoạn đầy thách thức
Để vượt qua khó khăn, theo ông Tuấn, cách thức đơn giản nhất mà công ty đang làm nhằm đưa những sản phẩm có thể “luồn lách” trong giai đoạn đầy thách thức này là phải đi trực tiếp tìm hiểu thị trường. Để từ đó công ty linh động đưa ra những sản phẩm mới đáp ứng xu hướng người mua.
Để tự “cứu” mình trong mùa mua sắm cuối năm đang đòi hỏi các DN phải đáp ứng được yêu cầu mới của người tiêu dùng. |
“Chẳng hạn như công ty đang chuyển hướng sang làm các loại bánh truyền thống cấp đông. Khi đem sản phẩm này đi xuất khẩu sang Mỹ phục vụ cho nhu cầu của bà con Việt kiều đã hiệu quả như mong đợi. Qua đó đã “cứu” được công ty từ đầu năm 2023 cho đến bây giờ mà không cần phải bán trong nước, nhờ vậy cũng tránh cạnh tranh với những người bán hàng rong hay các cửa hàng dọc đường”, ông Tuấn chia sẻ.
Hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng tiêu dùng ở Tp.HCM cho biết họ vẫn phải hiện diện, đưa hàng vào cả hai hệ thống hiện đại và truyền thống, cũng như tùy vào tình hình cuối năm mà có những chiến lược riêng.
Như chia sẻ của ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc CTCP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, hiện sản phẩm của công ty bày bán ở các cửa hàng truyền thống là chủ yếu dù vẫn hiện diện ở trong hệ thống siêu thị. Công ty vẫn đang đầu tư mạnh cho thị trường truyền thống, đưa sản phẩm đến tận các cửa hàng tạp hóa, đại lý nhỏ khắp các vùng quê khi mà việc đưa hàng vào siêu thị gặp không ít trở ngại.
“Để mọi việc trôi chảy khi hoạt động ở thị trường truyền thống thì công ty chúng tôi xác định điều quan trọng nhất vẫn là con người và hệ thống quản lý của mình, nghiêm túc, có hệ thống, có giải pháp về độ phủ…”, ông Vinh bộc bạch.
Cũng theo vị Tổng giám đốc này, dịp cuối năm công ty làm các chương trình bán hàng so với bình thường là phải khuyến mãi tốt hơn, để cho người tiêu dùng khi đi mua sắm sẽ chọn lựa hàng hóa của công ty. Khi làm các chương trình khuyến mãi phải cho người tiêu dùng thấy là mua như vậy rất có lợi cho họ.
“Chẳng hạn như mua một gói bột giặt được tặng một cái thau nhựa. Ngành hàng tiêu dùng vốn được mua sắm thường xuyên nên sức mua dù có sụt giảm nhưng nếu DN làm đúng cách sẽ không để giảm quá nhiều. Và kể cả nguyên liệu có tăng thì công ty không cần thiết phải điều chỉnh giá”, ông Vinh nói thêm.
Còn theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT CTCP Phúc Sinh, vào mùa mua sắm cuối năm nay, chẳng hạn như các sản phẩm giỏ quà Tết của công ty sẽ giảm giá khoảng 40% nhưng chất lượng sẽ không đổi. Bên cạnh đó, điều quan trọng trong lúc này là cần nắm rõ sự thay đổi của thị hiếu, thói quen và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Hơn nữa, DN phải đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, làm mới sản phẩm theo xu hướng xanh từ bao bì đến thành phẩm…
Phải đáp ứng được yêu cầu mới của người tiêu dùng
Qua quan sát của VnBusiness tại Tp.HCM thì thấy rằng, các DN đang chuẩn bị bước vào mùa tiêu dùng Tết 2024 với nhiều sản phẩm mới, tính năng mới nhằm đáp ứng xu hướng thị trường. Nhiều DN linh động trong phương thức bán hàng, chẳng hạn như dựa trên các nền tảng thương mại điện tử để đẩy hàng, cùng với đó là tìm con đường xuất khẩu sản phẩm. Đó cũng là cách để giữ vững và phát triển thị trường dù chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những tập đoàn đa quốc gia.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết có nhiều yếu tố bất định và có rất nhiều sự thay đổi đối với tình hình thị trường hiện nay. Vấn đề quan trọng nhất là các DN cần nắm chắc những thông tin, dự báo. Đồng thời, họ cần chọn lựa những giải pháp của mình, từ những giải pháp ngắn hạn cho đến những giải pháp trung hạn để đáp ứng được yêu cầu mới của người tiêu dùng.
“Yếu tố quan trọng nhất hiện nay vẫn là chất lượng của sản phẩm. Yếu tố thứ nhì mà DN cần chú ý là hệ thống phân phối đang có những thay đổi và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Từ đó, các DN có sách lược thay đổi như thế nào để thích ứng với tình hình, cũng như chú ý đến hệ thống dịch vụ như thế nào để được người tiêu dùng chấp nhận”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, đối với các “ông lớn” bán lẻ trong ngành hàng tiêu dùng, để đạt mục tiêu tăng trưởng trong mùa mua sắm cuối năm, họ đang đẩy mạnh phát triển thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng nhu yếu phẩm, hoàn thiện chuỗi cung ứng hệ thống bán buôn, bán lẻ.
Các nhà bán lẻ cũng sắp xếp, đa dạng hóa các sản phẩm để thu hút khách hàng. Họ chủ động làm việc với các nhà cung ứng để giảm một phần áp lực chi phí của khách hàng. Dưới sức ép của thị trường đang đòi hỏi các nhà bán lẻ phải nỗ lực không ngừng trong khâu quản lý, chăm sóc khách hàng, quản trị chuỗi cung ứng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tốt.
Câu chuyện phục hồi cuối năm có thể nhìn từ trường hợp Bách Hóa Xanh. Chuỗi bán lẻ này sau khi tái cơ cấu, doanh thu trên các cửa hàng đang có dấu hiệu cải thiện. Biên lợi nhuận cũng mở rộng nhờ quản lý hàng dư thừa và hủy bỏ, chi phí hậu cần tốt hơn.
Bên cạnh đó, trong báo cáo cập nhật các ngành hàng trọng điểm quý 4/2023 được Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BVSC phát hành mới đây, với ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, có cho rằng nhờ những chính sách hỗ trợ gần đây của Chính phủ (chủ động cắt giảm lãi suất, hạ thuế VAT cho một số mặt hàng), thì điều kỳ vọng là thu nhập và tiêu dùng cá nhân dần phục hồi trong các quý tới.
Theo BVSC, tình hình kinh tế vĩ mô cải thiện cho tín hiệu tốt đến tâm lý người tiêu dùng, khiến họ nới lỏng chi tiêu chuyển sang các sản phẩm thiết yếu cao cấp hơn. Trong dài hạn, khách hàng cũng có thể chuyển từ các chuỗi cửa hàng truyền thống sang các cửa hàng bách hóa hiện đại. Điều này đổi lại sẽ giúp cải thiện lượt khách tới cửa hàng, giá trị giỏ hàng và biên lợi nhuận.
Thế Vinh