Mới đây, ông Trương Đình Hòe, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết cá tra Việt Nam xuất khẩu (XK) sang thị trường Trung Quốc hiện đã xuất hiện trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Alibaba.
Cần có "tay lái quốc tế"
Cho rằng TMĐT là kênh phân phối đang phát triển mạnh ở Trung Quốc, ông Hòe nhấn mạnh thủy hải sản cũng thuộc nhóm ngành được người tiêu dùng (NTD) nước này mua sắm trực tuyến nhiều trên các website TMĐT.
"Rất nhiều công ty ở Trung Quốc đang mua bán hàng thông qua trang TMĐT trước xu hướng ưa chuộng hình thức của NTD và vấn đề này cũng tác động đến việc nhập khẩu thuỷ hải sản", ông Hòe chia sẻ.
Theo Phó chủ tịch Vasep, đưa hàng lên trang TMĐT toàn cầu có nghĩa là hàng hoá đó đã có những cam kết thực sự về vấn đề chất lượng phải đảm bảo ổn định. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy XK của Việt Nam trong thời gian tới.
Hoặc như trường hợp gạo Việt Nam XK cũng đang được một vài doanh nghiệp (DN) đưa vào thị trường TMĐT trong thời gian qua. Điển hình là gạo hữu cơ "Hoa Sữa" của CTCP Thương mại và sản xuất Viễn Phú đã thâm nhập sâu vào các sàn TMĐT toàn cầu như Amazon hay Alibaba.
Tuy nhiên, phương thức bán hàng như vậy vẫn chưa thực sự phổ biến với nhiều DN XK gạo khác. Theo Gs.Ts Võ Tòng Xuân, chuyên gia lúa gạo, các DN XK gạo của Việt Nam phải lưu tâm việc khi XK gạo sang nhiều quốc gia ở Nam Mỹ, châu Phi… thì các nước này không mua trực tiếp mà do một "kênh" khác – các thương nhân quốc tế mua đi bán lại.
Thậm chí, trong bối cảnh XK gạo đang gặp khó khăn, dù các bộ ngành nỗ lực sang Malaysia, Singapore, Hong Kong, Anh, EU… để xúc tiến thương mại, nhưng ông Xuân cho rằng hiệu quả sẽ không cao khi thị trường gạo quốc tế đã thuộc về những "tay lái buôn quốc tế kỳ cựu".
Điều này cho thấy các DN Việt khi hướng đến XK cần phải là các "tay lái quốc tế" với việc tiếp cận nhiều kênh phân phối hiện đại ở nước ngoài cùng những xu hướng mua bán, tiêu dùng mới nhất.
Trong báo cáo mới đây về ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và thị trường bán lẻ, công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết, NTD trên thế giới ngày càng ưa chuộng hình thức mua sắm trực tuyến để chọn mua những sản phẩm cao cấp, rất đáng để các DN Việt tham khảo cho việc chọn lựa kênh XK phù hợp.
Báo cáo này chỉ ra rằng ngày càng nhiều NTD trên thế giới tìm đến các nhà bán lẻ trực tuyến trong nước để mua sắm các sản phẩm cao cấp (45% vào năm 2018, tăng 6 điểm phần trăm so với 2016), và gần 1/4 NTD đang mua các sản phẩm cao cấp từ các nhà bán lẻ trực tuyến nước ngoài (24%, tăng 5 điểm phần trăm so với năm 2016).
Trái cây xuất khẩu cần những "tay lái quốc tế" |
Xu hướng tất yếu
Mặt khác, theo Nielsen, các cửa hàng truyền thống vẫn là lựa chọn của 60% NTD. Trong khi đó, 15% NTD nói rằng họ tìm đến các cửa hàng truyền thống ở nước ngoài để mua các sản phẩm cao cấp, với lý do phổ biến là để trải nghiệm thực tế trong cửa hàng và tự mình cảm nhận trực tiếp mặt hàng.
Theo giới chuyên gia, hoạt động XK của Việt Nam cũng cần sớm thích ứng với xu hướng đa kênh tích hợp (Omni – Channel) trên thị trường thế giới đang phát triển mạnh nhằm đáp ứng thói quen, hành vi tiêu dùng của khách hàng trong thời đại mới.
Trong XK đa kênh thì kênh TMĐT là một kênh mới điển hình. Hiện nay, việc có một cửa hàng trên một trang TMĐT với quy mô toàn cầu có thể sẽ giúp DN Việt trực tiếp đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, việc XK qua kênh trực tuyến làm thế nào để có chi phí thấp nhất cho các DN vừa và nhỏ vẫn là một thách thức, nhất là các DN Việt cần phải giải được bài toán chi phí vận chuyển xuyên biên giới.
Nhiều DN cho biết cảm thấy nuối tiếc khi phải từ chối những đơn hàng số lượng vừa và nhỏ, không đủ tải trọng cho một container khi XK sang thị trường nước ngoài qua kênh online. Đó cũng là nguyên nhân khiến các DN nhỏ gặp khó khăn trong XK để vươn ra thị trường quốc tế, nhất là trong việc thiết lập sự hiện diện trên các kênh bán hàng trực tuyến.
Đối với các DN Việt, việc đưa sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu theo xu hướng XK đa kênh là một hướng đi tất yếu để xây dựng, phát triển thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, các DN cần tìm hiểu kỹ về đặc tính kênh phân phối ở thị trường mà mình muốn XK.
Đơn cử như việc chọn kênh XK vào thị trường Australia, các DN Việt cần lưu ý do đặc tính cạnh tranh của thị trường này. Theo đó, các đại lý hưởng hoa hồng, các cửa hàng thương mại tổng hợp và các cửa hàng theo mô hình "Cash & Carry" lớn không có hoạt động nhập khẩu/bán buôn mạnh trên thị trường.
Vì thế, các nhà cung cấp nước ngoài đối với mặt hàng tiêu dùng muốn xuất sang Australia thường có hai lựa chọn – bán cho nhà nhập khẩu hoặc người bán buôn hoặc bán cho những nhà bán lẻ lớn.
Thế Vinh