Giá trị xuất khẩu (XK) rau quả tháng 12/2018 ước đạt 291 triệu USD, đưa giá trị XK rau quả năm 2018 ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2018 với 73,3% thị phần.
Tiếp tục đàm phán
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, thị trường rau quả hiện khá sôi động chuẩn bị cho những dịp lễ Tết cuối năm. Giá thanh long ở Bình Thuận tiêu thụ tương đối tốt, giá mua xô tại vườn khoảng 18.000 đồng/kg sau thời gian rớt giá sâu vào giữa tháng 9/2018 do Trung Quốc hạn chế thu mua.
Trong khi đó, nhiều nhà vườn tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang đang hết sức lo lắng khi sầu riêng chín rộ nhưng thương lái chậm thu mua, giá giảm một nửa so với trước đây.
Vào đầu tháng 12/2018, giá thương lái thu mua là 48.000 đồng/ kg, tăng lên 54.000 đồng/ kg vào dịp cuối tháng nhưng vẫn thấp hơn so với năm ngoái ở mức 80.0000 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân chính khiến sầu riêng rớt giá là do XK tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc.
Không riêng sầu riêng, nhìn lại năm 2018, thị trường trái cây của Việt Nam được xem là năm có nhiều thuận lợi nên sản lượng nhiều loại trái cây như vải, nhãn, cam, xoài, chôm chôm… đều tăng cao so với các năm, nhưng đầu ra vẫn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, Việt Nam có khoảng 40 loại trái cây có tiềm năng XK sang Trung Quốc. Tuy nhiên mới chỉ có 8 loại trái cây được phép XK chính ngạch sang thị trường này nên mấy chục loại trái cây khác, trong đó có những loại mà nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc rất lớn như bưởi, sầu riêng phải đi qua biên giới bằng đường tiểu ngạch.
Những tháng cuối năm, Trung Quốc ngày càng siết chặt quản lý nhập khẩu, thậm chí đóng cửa nhiều tuyến cửa khẩu xuất tiểu ngạch, vì vậy XK rau quả Việt Nam năm 2018 không thể tăng mạnh như những năm trước.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Việt Nam mới chỉ có 8 loại quả được phép XK chính ngạch sang Trung Quốc là: thanh long, vải, nhãn, chuối, dưa hấu, xoài, mít, chôm chôm.
Bộ NN&PTNT cùng với các bộ ngành liên quan khác đang đề nghị cơ quan hải quan Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường đối với 7 loại rau quả theo thứ tự ưu tiên gồm: sầu riêng, chanh leo, khoai lang, dừa, na, roi và măng cụt.
Trong tháng 12/2018, Việt Nam và Trung Quốc đã có buổi đàm phán về vấn đề này, điều đáng mừng là phía Trung Quốc đã chấp thuận việc xem xét mở rộng các mặt hàng rau, quả mà Việt Nam đề xuất theo thứ tự ưu tiên.
Trong quá trình xem xét, phía Trung Quốc yêu cầu Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ kỹ thuật để đẩy nhanh tiến trình mở cửa. Tuy nhiên, hồ sơ này không hề đơn giản – mỗi loại trái cây sẽ tương ứng với một bộ hồ sơ riêng biệt liên quan đến vùng trồng và khả năng cung ứng đối với mặt hàng này.
"Thông điệp của Việt Nam là đề nghị phía Trung Quốc nhất trí quan điểm song phải có lộ trình hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật. Quá trình chuẩn bị về danh mục, kỹ thuật, cuối cùng mới là thông thương", ông Toản nhấn mạnh.
Việt Nam tiếp tục đàm phán XK 7 loại trái cây chính ngạch sang Trung Quốc |
Làm ăn bài bản
Ông Toản cũng cho rằng chừng nào XK rau quả tiểu ngạch còn nhiều, ùn tắc ở biên giới sẽ còn xảy ra. Do vậy, Trung Quốc và Việt Nam đều muốn đẩy mạnh XK chính ngạch, thông qua đó nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, sản xuất của doanh nghiệp (DN) và thích ứng thị trường của bà con nông dân.
Các HTX, bà con nông dân ở địa phương phải thấy rằng lúc đầu tiêu chuẩn cao chắc chắn khó khăn để thích ứng nhưng dần dần sẽ chuyển biến tích cực.
Có thể thấy, để XK rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc còn phải làm nhiều việc, bắt đầu từ những công đoạn mà lâu nay ít chú ý như bao bì, nhãn mác. Ông Phan Thành Lập, CTCP Delikost Agri Tiền Giang, cho rằng rau quả muốn đi theo chính ngạch phải đạt chuẩn, xây dựng mẫu mã, nhãn mác riêng của Việt Nam.
Theo ông Rocky Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc – ASEAN, điểm yếu của nông sản Việt Nam còn nằm ở ý thức thương hiệu và quảng bá cho thương hiệu. Hiện nay, 99% thanh long tại Trung Quốc đều được nhập khẩu từ Việt Nam, tuy nhiên, khâu truyền thông về thế mạnh của thanh long Việt Nam gần như không có, bao bì, nhãn mác không bắt mắt.
Lấy ví dụ quả kiwi từ New Zealand, cam Nam Phi… được xem là các mặt hàng nhập khẩu nông sản chất lượng cao tại Trung Quốc, ông Rocky Sun cho rằng vì những quốc gia này có quy trình nhập khẩu chính ngạch từng loại trái cây vào Trung Quốc rất bài bản với các ủy ban tiêu thụ, công ty xuất nhập khẩu quốc tế để thống nhất thương hiệu cho hàng nghìn nhà sản xuất khác nhau.
Theo ông Lăng Tinh Cương, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc – ASEAN khu vực Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), các DN, cơ sở thu mua XK trái cây cho DN Trung Quốc cần phải thay đổi tư duy, không thể "làm ăn chụp giật".
Vừa qua, với quả thanh long đã xảy ra tình trạng các cơ sở thu mua không thực hiện đúng theo yêu cầu về chất lượng lô hàng khi quả to, quả bé lẫn lộn, quả xanh lẫn quả chín. Thậm chí thời điểm khan hàng, thanh long chưa chín cũng cho thu hoạch, ảnh hưởng tới uy tín của DN Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam cần phải cải thiện hơn nữa về kỹ thuật trong sản xuất, bộ giống và nhất là điều chỉnh lịch thời vụ thu hoạch làm sao để có tính cạnh tranh cao nhất tại thị trường Trung Quốc. Quả bưởi của Việt Nam hiện có mẫu mã, chất lượng rất tốt nhưng đa phần ruột có màu trắng, trong khi người tiêu dùng Trung Quốc lại thích loại bưởi có ruột màu đỏ.
Như vậy, câu hỏi bao giờ trái cây Việt Nam có thể XK chính ngạch được sang Trung Quốc có lẽ cần phải chờ thêm một thời gian nữa để hoàn thiện dần thủ tục. Tuy nhiên, tuân thủ quy trình sản xuất, sản phẩm đạt chất lượng cao, xây dựng chuỗi giá trị là điều tiên quyết mà các cơ sở sản xuất, DN Việt Nam phải bắt đầu thay đổi ngay từ bây giờ.
Theo ông Phạm Năng Thành, công ty TNHH Thuận Tâm Thành, nếu không muốn không bị đối tác, thương lái Trung Quốc làm khó, bắt bí, trước tiên sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mà họ đưa ra.
Thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần phải đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin thị trường, đặc biệt là các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn mà phía đối tác đưa ra cho bà con tuân thủ.
Lê Thúy
PGs.Ts. Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) Các tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cần năng động, nắm bắt thông tin cung cấp tới DN, người dân về các yêu cầu thay đổi từ chính sách, nhu cầu của người tiêu dùng nước này. Hiện nay tồn tại thực tế là một mặt thông tin tham tán chuyển tới địa phương, DN chưa nhanh nhạy, cần thiết, mặt khác DN dường như cũng chưa chủ động nắm bắt thông tin. Ông Lăng Tinh Cương - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc - ASEAN khu vực Bằng Tường Việt Nam cần phải cải thiện ngay khâu bảo quản sau thu hoạch đối với trái cây XK. Hiện nay, do không có giải pháp bảo quản đúng quy cách nên tình trạng rau quả bị dập nát khi chuyển hàng sang Trung Quốc rất phổ biến, khiến giá trị trái cây suy giảm rất nhiều. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của XK rau quả Việt Nam. Tuy nhiên, quốc gia này đã trở thành một thị trường yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, tăng cường quản lý khu vực biên giới, siết chặt việc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, thắt chặt kiểm dịch và quản lý chất lượng hàng nhập khẩu. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT chủ trì trao đổi, đàm phán, thúc đẩy cơ quan quản lý phía Trung Quốc để giải quyết các vấn đề tồn đọng nhằm XK trái cây chính ngạch. |