Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA), cho biết ngay trong ngày 9/11, FFA và một số hiệp hội ngành nghề khác sẽ đồng loạt gửi văn bản kiến nghị Bộ Y tế sớm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Gây khó dễ cho DN
Việc này nhằm giải quyết vướng mắc, bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp (DN) thực phẩm trong suốt thời gian qua. Theo đó, FFA và các hiệp hội kiến nghị bỏ quy định bổ sung i-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm và bỏ tăng cường sắt, kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm tại Nghị định 09.
FFA cho rằng, trên thực tế, quy định như vậy không có hiệu quả đối với sức khỏe cộng đồng mà còn gây tốn kém cho xã hội, không phù hợp với thông lệ quốc tế, gây khó khăn cho DN và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường.
Đáng chú ý là nhiều thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… đã không cho phép nhập khẩu các sản phẩm có bổ sung những vi chất dinh dưỡng nêu trên.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề Diễn đàn "Hội nhập kinh tế quốc tế 2018: tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh" tổ chức ở Tp.HCM ngày 8/11, bà Chi cho rằng việc cần thiết nhất mà các DN mong mỏi trong lúc này là cải cách thủ tục hành chính quyết liệt hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt.
"Trong cải cách hành chính hiện nay vẫn chưa đồng bộ, có bộ ngành vẫn chưa cải cách hoàn toàn khâu thủ tục, có những giấy phép con vẫn biến tướng dưới các hình thức, vẫn gây khó dễ cho DN. Cụ thể như các DN trong ngành chế biến thực phẩm vừa rồi rất hồi hộp, lo lắng khi gặp nhiều chính sách bất cập đối với các loại hàng hóa nhập khẩu", bà Chi chia sẻ.
Theo Chủ tịch FFA, để tháo gỡ rào cản này đòi hỏi cần có sự triệt để trong cải cách thủ tục hành chính mới góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho DN nội trước những hàng hóa nhập khẩu đang tràn vào thị trường Việt Nam.
Trước đó, sau kiến nghị của FFA về quy định của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) bắt đầu từ ngày 1/11/2018, DN nhập khẩu các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (cụ thể lúa mì) bị nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense sẽ bị tạm ngừng nhập khẩu và áp dụng biện pháp xử lý là tái xuất, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo giải quyết, quy định này đã được tạm dừng. Từ ngày 1/11 đến nay, các DN nhập khẩu lúa mì vẫn tiếp tục được nhập khẩu, bốc dỡ các tàu hàng chở lúa mì như trước.
Hàng Việt khó cạnh tranh với hàng ngoại khi còn rào cản thủ tục |
Đến lúc xóa bỏ
Cũng theo bà Chi, trong giai đoạn này, các DN thực phẩm đang kiến nghị Bộ NN&PTNT, cụ thể là Cục BVTV và những cơ quan BVTV ở các nước mà Việt Nam nhập khẩu lúa mì như Nga, Mỹ, Canada cần ngồi lại với nhau cùng với các DN nhằm tìm ra một tiêu chuẩn giúp các DN khi đàm phán nhập khẩu lúa mì có thể đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam cũng như tiêu chuẩn của các nước.
Nhìn vào việc DN thực phẩm "chưa yên" với rào cản thủ tục, có thể nói các cơ quan quản lý còn nhiều việc cần phải tự soi lại mình để tiếp tục cải thiện.
Trong vấn đề thuận lợi thuận lợi hóa thương mại, xuất nhập khẩu (XNK), theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam thuộc nhóm giữa trên toàn cầu và trong ASEAN, nhưng cách xa Thái Lan, Myanmar và Singapore.
Thông quan qua biên giới của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong ASEAN nhưng vẫn chưa đạt trung bình ASEAN 4. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Olin Mc Gill, nếu giảm một ngày thực hiện thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới, nền kinh tế tiết kiệm được tương đương khoảng 1% tổng kim ngạch XNK trong một năm.
Chưa kể, như ước tính của giới chuyên gia, nếu điểm chỉ số thuận lợi thương mại của Việt Nam giảm 10% thì có nghĩa là giảm 40% thương mại hàng hóa hai chiều. Trong khi đó, xếp hạng thuận lợi hóa thương mại của Việt Nam cách đây 2 năm chỉ đứng thứ 5 trong ASEAN.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), cần xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan. Đặc biệt là phải giảm ít nhất 50% các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành.
"Hơn nữa, cần giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan 25 – 27% hiện nay xuống còn dưới 10%. Không áp dụng hình thức kiểm tra đối với từng lô hàng, trừ khâu kiểm dịch. Nên có chỉ đạo, bắt buộc tất cả các bộ ngành phải kết nối tất cả thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối hoàn toàn, không phải vừa online vừa nộp hồ sơ giấy", ông Dương nhấn mạnh.
Thế Vinh