Theo quy định, các sản phẩm thực phẩm có chứa sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nhập khẩu vào Việt Nam dù đã có giấy chứng nhận y tế của nước xuất khẩu hiện đều phải kiểm dịch 100% thì mới được thông quan, bất kể là động vật tươi sống hay đã qua chế biến, chỉ chứa một thành phần có nguồn gốc động vật như đạm, sữa, đường lactose…
Tốn kém hàng trăm tỷ đồng
Với quy định trên, một cái bánh hay một gói cà phê sữa trong thành phần có vài giọt sữa hay sản phẩm dinh dưỡng y tế vốn dĩ cực kỳ an toàn vì đã qua xử lý nhiệt và chỉ chứa một lượng nhỏ đạm chiết xuất từ sữa vẫn phải thực hiện kiểm dịch động vật.
Cụ thể, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết nhập khẩu sản phẩm sữa phải trải qua hai quy trình kiểm tra, kiểm dịch mới được phép thông quan – đưa hàng hóa vào thị trường Việt Nam.
Đầu tiên là quy trình kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, cụ thể đối với sữa qua chế biến, phải qua kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương; quy định kiểm dịch của Bộ NN&PTNT và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của Bộ Y tế. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp (DN) phải có ba kết quả thử nghiệm, sau 2 – 3 ngày, sản phẩm mới được cấp giấy phép vào thị trường Việt Nam.
Thứ hai, về quy trình kiểm dịch động vật của Bộ NN&PTNT, dù các sản phẩm sữa nguyên liệu khô, qua chế biến và có các chứng chỉ của Mỹ hoặc New Zealand, nhưng về Việt Nam, DN vẫn phải thực hiện quy trình kiểm dịch 5 đến 7 ngày và phải có 5 mẫu, dẫn tới chi phí đội gấp 5 lần.
Theo đại diện AmCham, 100% lô hàng sữa và sản phẩm sữa nhập khẩu phải được kiểm dịch bất luận nhập từ đâu, đã được kiểm tra bởi nước xuất khẩu và cấp giấy chứng nhận y tế an toàn cho người dùng.
"Thời gian chờ kiểm dịch kéo dài tới 1-2 tuần, tốn kém hàng triệu ngày công, lãng phí hàng trăm tỷ đồng và ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm của DN, đặc biệt là các mặt hàng có hạn dùng ngắn như sữa chua, sữa thanh trùng, kem", AmCham cho biết.
Đại diện công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng chia sẻ DN này nhập sữa tươi từ các trang trại của chính mình ở Lào về. Tuy nhiên, quy định phải lấy mẫu 10 ngày mới cho thông quan, những sản phẩm này sau đó phải được đưa về kho và bị kiểm định từng lô hàng.
"Tiêu chuẩn của sữa tươi là phải bảo quản nhiệt độ từ 2 - 6oC nếu chưa đưa vào sản xuất, nếu bảo quản lạnh thông thường kéo dài 24 tiếng sẽ không đạt chứ không nói đến việc phải đợi 7 – 10 ngày để kiểm soát dịch bệnh của các Bộ chuyên ngành", đại diện Vinamilk nói.
Theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Huy Lưu, có những DN có sản phẩm phải kiểm dịch động vật hơn 10 năm dù không phát hiện sai phạm nào, song vẫn phải chịu quản lý thường xuyên. DN làm đúng mà vẫn phải kiểm tra với lượng kiểm tra và lấy mẫu lớn, có những tháng DN cho biết mất chi phí 400 triệu đồng kiểm tra chuyên ngành.
Theo ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan), phí kiểm nghiệm hàng trăm triệu đồng trên một lô hàng là quá nhiều. Hiện nay, cùng một chủng loại hàng nhập về Việt Nam, có hai loại hàng khác nhau là tàu hàng xá và tàu hàng rời. Dù là tàu gửi hàng loại nào đi nữa thì mỗi tàu có tới vài chục chủ hàng, mỗi chủ hàng làm xét nghiệm riêng sẽ cực kỳ tốn kém.
Đơn cử, nếu thực hiện kiểm nghiệm cả tàu chỉ mất phí khoảng 10 triệu đồng, còn nếu theo quy định của các Bộ, ngành kiểm tra theo từng chủ hàng, số chi phí kiểm nghiệm phải mất 200 triệu đồng.
Thời gian chờ kiểm dịch kéo dài tới 1-2 tuần, tốn kém hàng triệu ngày công, lãng phí hàng trăm tỷ đồng của DN |
Quy về một đầu mối
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hồng Uy, đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), kiến nghị phải quy việc quản lý chuyên ngành về một mối để có cơ quan chịu trách nhiệm chứ không thể tách rời như hiện nay, bắt DN phải chạy giấy phép, gây tốn kém chi phí.
Hiện nay, ba bộ Y tế, Công Thương và NN&PTNT cùng kiểm tra, chi phí mà DN phải chịu sẽ rất tốn kém. "Thực chất chúng ta kiểm tra thú y là phòng ngừa thú y, nhưng những sản phẩm chế biến sẵn rồi thì kiểm dịch làm gì. Hàng chục năm nay, chúng ta kiểm dịch nhưng hầu như chưa bắt được lần nào", ông Uy nói.
Vì vậy, việc kiểm dịch chỉ cần thiết đối với sản phẩm tươi sống hoặc sơ chế, còn đối với sản phẩm thành phẩm như sữa bột, sữa khô nguyên liệu, sữa trong kem, bánh kẹo đã được xử lý, không còn dịch bệnh lưu trú và đã có chứng nhận y tế cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận an toàn cho người dùng nên cần thiết được miễn kiểm dịch.
Đại diện Amcham bổ sung cần làm rõ khái niệm "sản phẩm sữa" tránh cho việc áp nhầm sản phẩm cà phê, bánh kẹo có một chút sữa cũng bị coi là sản phẩm sữa.
Chuyên gia Nguyễn Huy Lưu cho rằng toàn bộ sản phẩm chế biến mà không còn nguy cơ nhiễm dịch và các vi sinh vật gây hại cho con người thì chỉ nên kiểm tra an toàn thực phẩm. Điều này sẽ giảm chi phí, thời gian và thủ tục cho DN.
Đồng thời, theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, về kiểm dịch phải quản lý theo rủi ro, tức là ở đâu có rủi ro thì siết kiểm tra ở đó, từ đấy định ra nơi đâu, chỗ nào cần kiểm tra gắt gao hoặc ở mức cao, trung bình và thấp, chứ không thể đánh đồng kiểm tra hết.
"Quản lý thủ tục chuyên ngành không thể theo kiểu một người có bệnh bắt cả làng đi tiêm và uống kháng sinh. Chúng ta nên học Trung Quốc, hôm trước họ sang đây để đánh giá quy trình chăn nuôi bò sữa và sữa trước khi tiến hành nhập sữa và sản phẩm bò sữa của Việt Nam. Đoàn của họ là của hải quan nhưng bao gồm cả lực lượng thú y, y tế. Họ kiểm tra rất sâu trang trại, môi trường, chế độ kháng sinh… Họ nhập các cơ quan vào một đoàn, chứ không phải hết bộ này đến bộ kia đi và làm các giấy tờ riêng như chúng ta", ông Trung ví dụ.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá chính sách của Việt Nam về kiểm tra chuyên ngành hiện vẫn là tùy nghi, áp dụng tuỳ tiện, đặt DN trước những rủi ro rất lớn về chính sách.
"Nếu thu hẹp, cụ thể được, bên dưới người ta thực hiện đúng đắn, DN và người dân sẽ đỡ khổ hơn rất nhiều. Những người làm chính sách cần có cách nhìn của góc độ DN – người thụ hưởng chính sách", ông Cung bày tỏ.
Lê Thúy
Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam Chúng ta nhập sữa từ New Zealand, Mỹ – những quốc gia có tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao. Đợt trước, New Zealand tiêu hủy hàng chục nghìn tấn sữa vi phạm, họ làm rất nghiêm khi bị phát hiện trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu… Hàng chục năm trở lại đây, sản phẩm sữa nhập không có vấn đề gì, tiêu hủy rất ít. Nếu nhập từ châu Âu, Mỹ hay New Zealand đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, chúng ta không cần thiết phải kiểm lại. Ông Nguyễn Huy Lưu - Chuyên gia nông nghiệp Dư địa để áp dụng biện pháp cải cách điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn còn rất lớn, điều này vừa giảm công việc cho cơ quan quản lý, vừa giảm chi phí cho DN. Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM Các Bộ, ngành rất cần lắng nghe, cầu thị ý kiến của DN để chính sách tốt hơn chứ không thể lúc nào cũng kiểm nghiệm, kiểm tra, siết chặt; trong đó cần phải nhìn nhận thật rõ ràng và cụ thể hơn về quy trình thủ tục, hồ sơ, chi phí. Hồ sơ nào tinh giản được thủ tục nào thì tính khả thi càng cao. Hồ sơ được đơn giản hóa, việc thực hiện sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. |